Dưỡng tóc nhanh dài, chắc khỏe bằng nước tro bếp

Tro bếp

“Đánh cho để dài tóc

Đánh cho để đen răng

Đánh cho nó chích luân bất phản

Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn

Đánh cho nó biết nước Nam anh hùng là có chủ”

(Trích “Dụ tướng sĩ” – Quang Trung)

Lời dụ trên được vua Quang Trung đọc lên trong hội thề làm lễ xuất quân thần tốc mùa xuân năm 1789. Lời dụ đã cho thấy mục đích của cuộc tiến quân là để bảo vệ các truyền thống văn hóa của dân tộc, trong đó có tục lệ để tóc dài, nhuộm răng đen… và khẳng định chủ quyền quốc gia của người Việt Nam.

Cái răng, cái tóc từ lâu đã trở thành “cái gốc” của con người và chính nó là nét văn hóa của cha ông. Cho đến ngày nay, các bạn nữ dịu dàng với mái tóc dài vẫn là một hình ảnh rất Việt Nam.

Búi tóc cài trâm - nét đẹp văn hóa Việt
Búi tóc cài trâm – nét đẹp văn hóa Việt

Để giữ cho mái tóc dài đen, chắc khỏe và óng mượt, ông bà ta đã truyền tai nhau nhiều cách dưỡng tóc, trong đó có cách dùng nước tro bếp – một nguyên liệu không tốn tiền và nhà nào cũng có.

Cách dưỡng tóc bằng nước tro bếp

Ngoại tôi sinh thời có một mái tóc đen dài, dù bà đã 80 tuổi nhưng tóc vẫn không bị bạc nhiều như các cụ già cùng thời. Ngoại còn hay nhặt những sợi tóc đã rụng của mình kết thành một búi, bà gọi đó là đầu tóc mượn.

Tôi vẫn hay thắc mắc ngày xưa không có dầu gội hay dầu xả mà sao tóc của của các bà đen huyền, óng mượt đến thế!

Mẹ nói, ngoại hay nấu nước lá bưởi, bông bưởi để gội đầu. Còn bình thường thì dùng nước tro để gội đầu.

Nước tro mà dùng để gội đầu thật sao?

Quả thực, cả ngoại và mẹ đều dùng nước tro bếp để gội đầu. Mẹ nói nước tro bếp làm cho tóc mượt, nhanh dài và không bị bạc.

Có lẽ như lời mẹ nói nên ngoại mặc dù đã già mà tóc vẫn còn đen nhiều, đặc biệt là dài và dày nữa.

Ngày xưa ngoại làm nước tro bếp để gội đầu như thế này:

  • Bước 1: Cho tro bếp (tro củi) vào lu sao cho được khoảng nửa lu. Nếu không đủ tro thì mỗi lần bạn đổ một ít tro rồi đổ một ít nước vào, cứ thêm dần như thế cho đến khi lượng tro gần nửa lu thì dừng và đổ nước vào đầy lu.
  • Bước 2: Sau 1 ngày, tro bếp lắng xuống thì ta được phần nước trong ở trên, đó chính là nước tro bếp.
  • Cách dùng: Dùng nước tro bếp đã lắng để gội đầu mỗi ngày. Nước tro bếp tuy trong vậy nhưng khi vò trên tóc lại tạo ra bọt. Vì vậy, sau khi gội với nước tro bếp thì ta xả lại với nước sạch là được.
  • Thời gian dùng: Sau khi dùng hết nước thì đổ thêm nước vào và đợi 1 ngày rồi tiếp tục dùng, sau khoảng 1 tháng thì ta đổ phần tro ấy bỏ, dùng tro mới.
Cái lu nước của bà tôi
Cái lu nước của bà tôi

Nhờ cách gội này, ngoại tôi luôn giữ được mái tóc khỏe, đặc biệt là da đầu không có gàu hay nấm da gì cả, chân tóc cũng rất khỏe (có lẽ nhờ tính kháng khuẩn của tro bếp).

Thật ra, bồ kết gội cũng tốt cho tóc nhưng bồ kết khó tìm nên ngoại thường dùng nước tro, tinh dầu bưởi và dầu dừa để dưỡng tóc. Vì vậy, trước khi gội đầu bằng nước tro, ngoại thường lấy một ít dầu dừa ủ tóc khoảng 1 tiếng rồi mới đi gội, nhờ vậy mà tóc ngoại luôn mượt.

Nước tro bếp trong ẩm thực Việt

Nước tro bếp còn góp mặt trong những món bánh dân gian xưa, bây giờ có lẽ vẫn còn nhưng chỉ một số ít ở những đám giỗ miền quê, đặc biệt là miền Tây.

Nước tro bếp ngoại lắng được dùng dần trong những sinh hoạt thường ngày. Ngoại thường ngâm gạo với nước tro bếp làm bánh lọt, bánh canh… hoặc ngâm nếp với nước tro làm bánh tét, bánh ú… Những loại bánh này được gọi bằng cái tên thân thương là bánh ú nước tro hay bánh tét nước tro.

Bánh ú nước tro
Bánh ú nước tro

Tôi vẫn còn nhớ hương vị của bánh tét nước tro ngày ấy, nếp nở bung đều, mềm dẻo hơn bình thường, đặc biệt có màu vàng đặc trưng của nước tro bếp. Bánh tét nước tro ăn hoài mà không ngán, vỏ ngoài dẻo thơm cùng với ruột là nhân dừa xào ngọt hoặc đậu xanh thơm bùi.

Để làm nên những món bánh ấy, ngoại ngâm gạo hoặc nếp với nước tro qua một đêm. Chỉ cần ngâm như vậy là món bánh đã mang hương vị khác biệt, không lẫn vào đâu được.

Ngày nay, người ta cũng sử dụng nước tro để làm bánh, trong đó có bánh trung thu. Khi dùng nước tro, bánh nướng lên sẽ có màu vàng đều đẹp mắt. Tuy nhiên, nước tro này được làm bằng phương pháp hóa học để đáp ứng nhu cầu số lượng bánh ra thị trường.

Riêng tôi, tôi thấy nước tro lắng bằng phương pháp thủ công vẫn có cái gì đó rất riêng, có hương vị riêng của những ngày xưa, của những miền quê thân thương, của những ký ức được cất kỹ trong lớp bụi thời gian.

Lê Nhi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện