Lục phàn điều trị cam tẩu mã, băng huyết và nhuộm tóc đen ( 5)

Tạo phàn (lục phàn)

Y học cổ truyền có ghi lại bài thuốc rằng: khi bị sâu bọ bò vào lỗ tai mà không bắt ra được, ta dùng lục phàn nghiền mịn rắc vào thì sâu bọ sẽ hóa thành nước (1).

Vậy, lục phàn là gì và ngoài công dụng trên, nó còn có công dụng nào khác? Khi dùng vị thuốc này, ta cần lưu ý gì về liều lượng và đối tượng sử dụng? Mời các bạn cùng tham khảo nhé!

Lục phàn là gì?

Lục phàn chính là khoáng vật Melantenitum tồn tại ở dạng tinh thể trong mờ, rất giòn, dễ vỡ vụn và có màu xanh lục khá đẹp (nên gọi là lục phàn). Nếu để lâu ngoài không khí, vị thuốc sẽ bị oxy hóa thành màu vàng nhạt. Ngoài tên gọi này, người ta còn dùng các tên khác như tạo phàn (hay dùng ở Trung Quốc), giác phàn, thủy lục phàn,…

Khoáng vật này có rất nhiều ở Quảng Đông (Trung Quốc). Hiện nay, nước ta đã tự sản xuất được nên không còn bị lệ thuộc nhiều vào phía Trung Quốc như trước nữa (1).

Lưu ý phân biệt: Lục phàn khá giống với thạch phàn (hay còn gọi là đởm phàn) vì chúng đều tồn tại ở dạng tinh thể màu xanh trong suốt. Tuy nhiên, màu xanh của lục phàn là xanh lục còn của thạch phàn là xanh ngọc (xanh nước biển, khi vỡ nhỏ thì màu nhạt hơn).

Tạo phàn (lục phàn)
Tạo phàn (hay vị thuốc) có màu xanh lục
Thạch phàn (đởm phàn)
Thạch phàn (đởm phàn) có màu xanh đậm

Quan trọng nhất, thành phần chủ yếu của vị thuốc này là Sắt sunfat còn thành phần chủ yếu của thạch phàn là Đồng sunfat (2).

Công dụng của lục phàn

Đây là là vị thuốc lành tính, có vị chua mát nên thông vào kinh Can và kinh Tỳ. Theo y học cổ truyền, vị thuốc này được dùng với các công dụng như:

  • Bồi bổ máu huyết.
  • Giúp tan tích trệ, đầy bụng.
  • Điều trị phù thũng.
  • Giải độc hóa đờm (công dụng này chậm hơn bạch phàn).
  • Cầm máu đối với trường hợp dạ dày và ruột bị chảy máu (xuất huyết).

Liều lượng: Mỗi ngày, ta chỉ dùng một lượng rất thấp để uống: từ 0, 1 g đến 0, 25 g. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng vị thuốc này chỉ hợp với các bệnh do tích trệ gây ra. Vì vậy, người không bị tích trệ thì không được dùng. Ngoài ra, những người tỳ vị hư hàn cũng không nên dùng thuốc này (1).

Tạo phàn (lục phàn) dùng làm thuốc
Tạo phàn dùng làm thuốc

Các bài thuốc thường dùng

1. Điều trị băng huyết

  • Chuẩn bị: lục phàn (80 g, tán mịn) và khinh phấn (chỉ dùng 4 g, tán mịn).
  • Thực hiện: trộn hai nguyên liệu trên với nhau rồi đổ nước vào vừa đủ để nặn thành các viên thuốc, mỗi viên to bằng hạt bắp.
  • Liều dùng: mỗi lần uống 20 viên, uống bằng nước lã thông thường (1).

2. Điều trị cam tẩu mã

  • Chuẩn bị: 1 cái nồi đất (để nun thuốc), giấm ăn, xạ hương và lục phàn (lượng vừa đủ dùng).
  • Thực hiện: lấy vị thuốc giã nhỏ rồi cho vào nồi đất, nun đỏ lên rồi đổ giấm ăn vào, khuấy đều lên, sau đó tiếp tục đun cho lục phàn đỏ lên rồi đổ giấm vào tiếp tục làm lại một lần như thế nữa (tổng cộng ba lần). Cuối cùng, ta lấy ra, để nguội và lấy thêm một ít xạ hương (tán bột), trộn đều.
  • Cách dùng: rửa sạch miệng rồi lấy bột thuốc này bôi, rắc lên vùng da bị bệnh.
  • Lưu ý: Bài thuốc này chỉ dùng nồi đất để nun, nếu không có thì phải dùng các dụng cụ tương tự như gốm sứ (1).

3. Làm thuốc nhuộm cho tóc đen

  • Chuẩn bị: lục phàn, ô đầu và bạc hà (liều lượng bằng nhau sao cho vừa đủ dùng).
  • Thực hiện: lấy ba vị này giã, cắt nhỏ ra rồi ngâm với nước cho xem xép, sau đó dùng nước này chải lên tóc (chải đều hàng ngày).
  • Lưu ý: Trong bài thuốc này có ô đầu là vị thuốc quý nhưng lại rất độc, vì vậy, chúng ta chỉ dùng chải lên tóc, không được để rơi vào mắt, miệng… và nếu da đầu bị lở, có vết thương hở… thì cũng không nên dùng (1).
Nguồn tham khảo
  1. Nguyễn Văn Quý – Nguyễn Phương, Thuốc Bắc thường dùng, NXB Y học, 2002, trang 596.
  2. Công dụng, cách dùng lục phànhttp://tracuuduoclieu.vn/luc-phan.html, ngày truy cập: 22/ 10/ 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

5 câu hỏi về “Lục phàn điều trị cam tẩu mã, băng huyết và nhuộm tóc đen ( 5)

5
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện