Mạn kinh lá đơn điều trị hoa mắt, đau nửa đầu, đau mắt do nhiệt

Ngoài cây mạn kinh (cho vị thuốc mạn kinh tử) thì ở nước ta còn có cây mạn kinh lá đơn, hay còn gọi là quan âm biển, từ bi biển, có tên khoa học là Vitex rotundifolia, thuộc họ Cỏ roi ngựa.

So với cây mạn kinh thì công dụng làm thuốc của cây mạn kinh lá đơn cũng không kém. Đặc biệt, nó có thể điều trị nhiều bệnh thể nhiệt thường gặp như: đau nửa đầu, đau mắt, sưng nướu, đau mắt đỏ…

Vài nét về cây mạn kinh lá đơn

Khác với cây mạn kinh có lá thuộc dạng lá kép (3 lá chét trên mỗi cuống lá), cây mạn kinh lá đơn có lá thuộc dạng lá đơn, tức chỉ có 1 lá chét mọc trên cuống lá (phiến lá rộng từ 1 – 3 cm, dài từ 2 – 5 cm), mặt dưới của lá đầy lông màu trắng.

Cây mạn kinh (lá kép gồm 3 lá chét)
Cây mạn kinh (lá kép gồm 3 lá chét)
Mạn kinh lá đơn (từ bi biển)
Mạn kinh lá đơn (từ bi biển), lá đơn

Hoa mạn kinh lá đơn có màu tím xanh và quả có màu vàng, thuộc dạng quả hạch và khá nhỏ (chỉ 0,5 cm).

Ở nước ta, cây mạn kinh lá đơn mọc rải rác ở nhiều tỉnh từ Bắc vào Nam như Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Kiên Giang… (1).

Công dụng làm thuốc của mạn kinh lá đơn

Quả của cây mạn kinh lá đơn là bộ phận được dùng làm thuốc của cây. Vào mùa thu, người ta hái những quả khô chín rồi đem phơi lại cho khô hoàn toàn (1).

Mạn kinh lá đơn (từ bi biển)
Mạn kinh lá đơn (từ bi biển)

Theo nhà nghiên cứu Võ Văn Chi thì quả mạn kinh lá đơn có các đặc tính và công dụng sau:

  • Vị cay và đắng nhưng có tính hàn (nên giúp phát tán phong nhiệt).
  • Giúp long đờm, lợi tiêu hóa.
  • Giúp giảm đau, làm dịu cơn đau đầu và đau nửa đầu, đau mắt (do nhiệt).
  • Điều trị sưng nướu, hoa mắt, quáng gà, đau mắt đỏ khiến chảy nước mắt.
  • Điều trị đau cơ.
  • Điều trị đau dây thần kinh.

Cách dùng: lấy từ 3 – 10 g quả mạn kinh lá đơn, nấu lấy nước uống trong ngày (1).

Bài thuốc kết hợp điều trị đau mắt

Để mang lại hiệu quả điều trị đau mắt cao hơn, bạn có thể tham khảo bài thuốc sau đây: cúc hoa (9 g), quả mạn kinh lá đơn (9 g), mộc tặc (tức cỏ tháp bút, 9 g), thảo quyết minh (9 g) và hạt gai chống (9 g), tất cả cùng nấu lấy nước uống trong ngày (1).

Thông tin thêm

Lá cây mạn kinh lá đơn cũng được dùng để giảm sưng đau do đòn ngã tổn thương. Cách dùng như sau: hái lá tươi, rửa sạch, giã nát rồi cho thêm chút rượu vào, vắt lấy nước uống (phần xác thì đắp lên chỗ bầm tím, sưng đau). Liều lượng tùy theo hướng dẫn của thầy thuốc (1).

Các nghiên cứu về cây mạn kinh lá đơn

  • Hoạt tính chống ung thư: Theo tạp chí Food and Chemical Toxicology, quả mạn kinh lá đơn có chứa nhiều hoạt chất giúp chống lại tế bào ung thư HL – 60 (ung thư bạch cầu) (2). Kết quả nghiên cứu khác cũng cho thấy chiết xuất từ lá mạn kinh lá đơn có chứa một số hoạt chất giúp chống lại tế bào ung thư vú ở người (MCF – 7). Vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng đây là cây thuốc tiềm năng cần được nghiên cứu thêm để có thể ứng dụng thực tiễn (4).
  • Tác dụng giảm đau: Theo tạp chí Chemical and Pharmaceutical Bulletin, kết quả nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất mạn kinh lá đơn có tác dụng giảm đau (3).
  • Tác dụng chống muỗi: Theo tạp chí Bioscience, Biotechnology and Biochemistry, lá tươi của cây mạn kinh lá đơn có chứa các hoạt chất giúp chống muỗi tự nhiên (chống lại loài muỗi vằn Aedes aegypti) (5).

Nguồn tham khảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện