Táo đen trong thang thuốc Bắc có tác dụng gì? So sánh táo đen và táo đỏ

Táo Tàu đen

Quả táo đen trong các thang thuốc Bắc, bạn đã ăn thử bao giờ chưa? Lúc nhỏ, mỗi lần thấy mẹ mình mua thuốc Bắc về là mình lon ton chạy lại, lục lọi xem trong đó có trái táo đen không.

Nếu có, mình sẽ không đi chơi mà lẽo đẽo xung quanh nhà, lượn qua lượn lại, đợi mẹ sắc thuốc xong thì chạy ngay vào để xin mấy trái táo.

Loại táo ấy sau khi nấu thuốc thì vừa ngọt vừa đắng nhưng rất thơm, cầm trên tay thì nóng mà lại không nỡ bỏ xuống, thế là cứ thảy qua thảy lại, vừa thổi vừa ăn. Chao ôi nó ngon làm sao!

Bây giờ, thật dễ dàng để mua 1 kg táo đen ngoài chợ hay trong tiệm thuốc Bắc (và trên mạng). Thế nhưng, cảm giác ngon miệng, thèm thuồng trông ngóng của ngày xưa không còn nữa. Vâng, có lẽ đúng như người ta thường nói: những món ăn ngon nhất là những món ăn của thời tuổi thơ.

Vài nét về táo đen

Trái táo đen được lấy từ cây táo Tàu (hay còn gọi là Ô táo, Nam táo…), có tên khoa học là Rhamnus jujuba (đồng nghĩa Ziziphus sativa) (1).

Khi dùng làm thuốc, người ta thường chọn quả to, hạt nhỏ, vị ngọt và có màu đỏ sẫm, thu hái về rồi đem phơi hoặc sấy khô. Nếu chỉ sấy khô thì ta được táo đỏ (hồng táo).

Quả hồng táo khô
Quả hồng táo khô

Nếu đem phơi dốt dốt rồi quay trong thùng gỗ có gai để châm lỗ cho trái táo, sau đó ngào với nước sắc địa hoàng và đường (cho có màu đen) thì sẽ cho ra quả táo đen (đem phơi khô lại và để dùng dần).

Đại táo (táo đen)
Quả hắc táo (táo đen)

Đó cũng là lý do mà bề mặt vỏ của trái táo đen luôn có các lỗ nhỏ (nếu bạn nhìn kỹ sẽ thấy).

Táo đen và táo đỏ, loại nào ngon hơn?

Câu trả lời của câu hỏi này còn tùy vào khẩu vị mỗi người. Tuy nhiên, phần đông mọi người đều ăn được táo đỏ (với loại trái to, táo đỏ Hàn Quốc hay táo đỏ Hồng Kông, thịt mềm, ngọt, thơm, hạt nhỏ thì ai cũng thích).

Còn táo đen thì có người thích, có người không ăn được. Đó là vì táo đen hơi có mùi thuốc Bắc và nó mềm dẻo, mềm dai, thịt dẻ hơn. Với một số người uống thuốc Bắc được thì họ lại thích táo đen hơn (vì hương vị đậm đà và ngọt hơn).

Về công dụng thì hai loại này đều tương tự nhau, tuy nhiên khi dùng trong các thang thuốc sắc thì người ta thường dùng táo đen.

Công dụng của táo đen (đại táo)

Đại táo có vị ngọt, tính ôn ấm và nổi tiếng với công dụng bồi bổ. Được biết, sở dĩ táo đen được dùng trong các thang thuốc Bắc là vì nó có thể hòa giải, điều hòa các vị thuốc khác.

Trong các công trình y học của nước ta cũng như của nhiều nước trên thế giới, đại táo đều được xem là vị thuốc thông dụng giúp bồi bổ Tỳ vị hay hệ tiêu hóa nói chung.

Nhìn chung, có thể kể ra các công dụng chính của đại táo như sau:

  1. Trừ tà khí liễm trong tim và bụng, làm thông các khiếu, kinh khí và bổ tỳ vị (theo sách Bản kinh).
  2. Bổ trung ích khí, bền trí và khỏe sức (theo sách Biệt lục).
  3. Điều trị các chứng đau bụng, co gân cứng người, nhức mình mẩy, đau ngực, ho hen (theo sách của Trương Trọng Cảnh).

Liều lượng: Mỗi ngày sắc uống từ 5 – 10 trái (thường dùng kết hợp trong các đơn thuốc theo chỉ định của thầy thuốc) (2).

Các bài thuốc kết hợp có dùng táo đen (đại táo)

Táo đen có thể dùng ăn chơi nhưng thường thì được dùng trong các thang thuốc Bắc (hoặc các bài thuốc tán bột, làm thành viên). Trong đó, có một số bài thường dùng như:

1. Điều trị cam tẩu mã ở trẻ em

Cam tẩu mã là tình trạng nhiễm trùng và gây hoại tử, ăn mòn khuôn mặt người bệnh (thường bắt đầu ở mũi và miệng). Bệnh này rất nguy hiểm và cần được điều trị càng sớm càng tốt.

Ở trẻ em, một khi phát hiện bệnh này, bạn có thể thử dùng cách sau:

  • Chuẩn bị: 1 trái táo đen và 6 g hoàng bá (mua trong tiệm thuốc Bắc).
  • Thực hiện: lấy hai loại trên đốt cho cháy thành than, sau đó nghiền nát ra rồi rắc vào răng miệng (hoặc những chỗ lở loét) (2).
  • Ghi chú: dùng cách này thường xuyên và theo dõi tình trạng bệnh, nếu vùng nhiễm trùng vẫn không cải thiện thì cần đưa ngay đến bệnh viện để điều trị.

2. Điều trị chứng thương hàn sau khi khỏi sốt (khiến cho hay buồn ngủ, đau cổ, khô miệng)

  • Chuẩn bị: 20 trái táo đen và 10 trái ô mai.
  • Thực hiện: tách bỏ hạt, chỉ lấy phần thịt xay nát và cho thêm một chút mật ong để vo thành viên.
  • Cách dùng: chia thành nhiều viên nhỏ để dùng nhiều ngày (ngậm cho tan dần rồi nuốt như ăn kẹo) (2).

3. Điều trị chứng ù tai, lỗ mũi không ngửi thấy mùi

  • Chuẩn bị: 15 trái đại táo (tách bỏ vỏ và hạt) và 300 hạt tỳ ma tử (hạt thầu dầu, tách bỏ vỏ).
  • Thực hiện: giã nát, trộn hai loại trên lại rồi lấy một ít, dùng bông gòn gói tròn lại và nhét vào lỗ mũi hoặc lỗ tai, mỗi ngày nhét một lần, nhét liên tục một tháng thì sẽ ngửi thấy được và không bị ù tai nữa (2).
  • Lưu ý: Không nên nhét quá sâu, với lỗ mũi thì mỗi lần nhét một lỗ cho dễ thở và khi lấy ra thì dùng cây nhíp gắp ra, không nên dùng tay ngoáy vào sẽ làm thuốc lọt sâu vào trong hơn (tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng).

Lưu ý khi dùng

  • Đối tượng cần tránh: Trẻ nhỏ bị nóng trong người khiến cho có đờm, nhức răng thì không nên ăn (2).
  • Trong kết hợp: Theo các ghi chép, nếu ăn táo đen với hành thì sẽ làm tổn thương lục phủ ngũ tạng, nếu ăn táo đen với cá thì sẽ gây khó tiêu, chướng bụng và nhức lưng (2).
Nguồn tham khảo
  1. Jujube, https://en.wikipedia.org/wiki/Jujube, ngày truy cập: 20/ 08/ 2020.
  2. Nguyễn Văn Quý – Nguyễn Phương, Thuốc Bắc thường dùng, NXB Y học, 2002, trang 451.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện