Mai chiếu thủy, vẻ đẹp “chấn thủy” và những ứng dụng hàng ngày

Mai chiếu thủy

“Chấn”, “Chiếu”, “Cát”, “Hung”… là những từ ngữ thường được dùng trong phong thủy (風水). Bạn có tin vào phong thủy không – phương pháp lựa chọn, sắp đặt nơi ở, nơi mai táng… sao cho cát tường phú quý?

Trên thế giới, “phong thủy” được xem là bộ môn “giả khoa học” và tác dụng hoặc tác hại của nó còn tùy vào mục đích của người sử dụng. Tuy nhiên, có một lĩnh vực gắn liền với phong thủy mà lợi ích của nó thường được biết đến nhiều hơn, đó là lĩnh vực cây cảnh.

Không phải ngẫu nhiên mà trong cắt tỉa tạo dáng, người ta tạo ra các dáng thác đổ, dáng trực, dáng xiên… và trong trang trí nhà cửa, người ta chọn đặt các chậu cây cảnh ở những nơi đặc biệt – nơi có thể hứng lộc tài.

Có thể bạn không tin vào khả năng “chiêu tài” của thảo mộc, tuy nhiên, chắc hẳn bạn cũng đồng ý nếu nói rằng: trang trí cây cảnh phù hợp, đẹp mắt quả thực giúp ích rất nhiều đến tâm trạng của bạn và vẻ đẹp cũng như giá trị của ngôi nhà.

Vâng, nếu nói rằng trong thế giới cây cảnh, có một loại cây ít sâu hại, dễ chăm sóc, hoa đẹp thơm và tạo phong thủy rất tốt thì bạn có muốn tìm hiểu không?

Mai chiếu thủy tạo dáng bonsai
Mai chiếu thủy làm cảnh

Mai chiếu thủy – vẻ đẹp “chấn thủy”

Cây mai chiếu thủy có tên khoa học là Wrightia religiosa, thuộc họ La bố ma.

Ở nước ta, mai chiếu thủy còn được gọi là mai trúc thủy, mai chấn thủy, mai chiếu thổ, lòng mức thiên… Ở Trung Quốc, nó được gọi là “thủy mai” (水梅), “vô quan đảo điếu bút” (无冠倒吊笔) hay “Thái quốc đảo điếu bút” (泰国倒吊笔) (1) (2).

Có đem lại may mắn cát tường không?

Người phương Đông rất chú ý đến sự tương giao giữa con người và vũ trụ, tự nhiên. Vì vậy, họ dựa vào hướng của “gió” (phong) và dòng chảy của “nước” (thủy) để sắp đặt môi trường sống của mình.

Cây mai chiếu thủy, sở dĩ có tên này là vì hoa của nó không nở hướng lên mà chiếu ngược xuống mặt đất, xuống nước. Cho nên, nếu bạn trồng cây này bên cạnh các hòn non bộ, hồ cá, hồ nước… thì hoa của nó luôn hướng xuống nước, chiếu bóng xuống và khi rụng xuống thì cũng rất đẹp! Đó là “chiếu thủy”.

Mai chiếu thủy
Cây hoa mai

Tên gọi “chiếu thủy”, “chấn thủy” còn gợi đến ý nghĩa trấn định, trấn giữ dòng nước (“thủy mạch”), giúp ổn định, vững bền mà trong dân gian, người ta hay ví “tiền như nước”.

Vì vậy, mai chiếu thủy dần dần trở thành biểu tượng của sự bền vững, giúp trấn giữ tiền tài, vượng khí, long mạch, đất đai… giúp gia chủ có được cuộc sống an yên, gặp nhiều may mắn.

Vào những dịp lễ Tết hay thăm hỏi, chúc mừng…, người ta thường biếu nhau một chậu hoặc một cặp mai chiếu thủy để làm cây ngoại thất (trồng trước sân, ngoài vườn…).

Người nào nên trồng mai chiếu thủy?

Thực ra, ai cũng có thể trồng mai chiếu thủy vì cây này cho hoa rất đẹp, trắng thơm tựa như hoa nhài. Hơn nữa, hoa chiếu thủy nở quanh năm, tán cây gọn gàng, tươi lâu và ít rụng lá.

Tuy nhiên, nếu nói là hợp nhất thì phải kể đến những người thuộc mạng Mộc (vì “Thủy” sinh “Mộc”, giúp nâng đỡ, hỗ trợ cuộc sống của gia chủ). Ngoài ra, mai chiếu thủy cũng hợp với người mạng Thủy vì sự tương hợp từ tên gọi cho đến nét đặc trưng “chiếu thủy”.

Theo kinh nghiệm của những người trồng cây thì bạn nên trồng cây này bên cạnh hồ cá, vừa giúp che chắn để mát nước trong hồ, vừa để hoa chiếu xuống nước, quanh cảnh ấy thực sự rất đẹp!

Đặc biệt, sau những đêm mưa, hoa lại càng tỏa hương thanh tao!

Mai chiếu thủy
Vẻ đẹp và hương thơm thanh tao

Cây mai chiếu thủy có công dụng gì?

Hoa mai chiếu thủy có màu trắng bạch, hương thơm nhẹ thanh tao và thoang thoảng như hoa nhài nên ở Campuchia, nó được dùng để ướp thơm nước phép (4).

Ở nước ta, cây chủ yếu được biết đến với công dụng làm cảnh còn ở Trung Quốc, rễ và lá cây được dùng làm thuốc (rễ được dùng điều trị một số bệnh ngoài da còn lá thì giúp giảm đau, hạ huyết áp) (2).

Ngoài ra, theo kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí South African Journal of Botany thì thân, lá, quả của cây mai chiếu thủy còn có một số hoạt chất giúp chống oxy hóa (đặc biệt là chiết xuất ethanolic từ lá cây). Vì vậy, mai chiếu thủy được xem là loài cây cảnh có tiềm năng ứng dụng làm thành phần để sản xuất các loại thuốc điều trị stress oxy hóa (3).

Nguồn tham khảo
  1. Mai chiếu thủyhttps://vi.wikipedia.org/wiki/Mai_chi%E1%BA%BFu_th%E1%BB%A7y, ngày truy cập: 16/ 04/ 2021.
  2. 无冠倒吊笔, https://baike.baidu.com/item/%E6%97%A0%E5%86%A0%E5%80%92%E5%90%8A%E7%AC%94, ngày truy cập: 16/ 04/ 2021.
  3. In vitro antioxidant activity, inhibitory effect of tyrosinase and DOPA auto-oxidation by Wrightia religiosa extracts, https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0254629918307695, ngày truy cập: 16/ 04/ 2021.
  4. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 2, NXB Y học, HN, 2018, trang 32.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện