Trà hoa hòe giúp mát máu, điều trị đau mắt đỏ và băng huyết

Thời xưa, mỗi khi sinh được con trai, những gia đình giàu có và có học thức thường trồng cây quế hoa và cây hòe xung quanh nhà, với mong muốn lấy vận may cho đứa con ấy sau này đỗ đạt. Đoạn trường tân thanh có câu: “Một cây cù mộc, một sân quế hòe“.

Ở miền Nam nước ta không có cây hòe nhưng nụ hoa hòe thì vẫn được biết đến qua nhiều công thức trà thanh nhiệt. Bạn có thể mua hoa hòe online hoặc tại các tiệm thuốc Bắc, tuy nhiên, bạn cần xem và sàng lại (nếu cần) vì loại này khi mua về hay bị bụi và vụn, bạn nhé!

Về trà hoa hòe

Hoa hòe có màu trắng hoặc vàng xanh (lục nhạt) và mọc thành chùm. Khi dùng làm thuốc, ta không hái hoa đã nở mà hái các nụ hoa, đem phơi khô, khi dùng thì hãm lấy nước uống (hoặc sao hơi vàng rồi mới hãm). Trong một vài trường hợp, người ta có thể sao cháy tồn tính nụ hoa hòe để làm thuốc cầm máu (sao cháy tồn tính là chỉ cháy khoảng 80 % dược liệu) (1).

Trà hoa hòe
Trà hoa hòe

Nhìn chung, trà hoa hòe dễ uống. Nếu ngửi, bạn sẽ thấy nó có mùi thơm se như một số vị thuốc Bắc nhưng hương thơm này rất nhẹ và không gây khó chịu. Một số người nhạy cảm, khi ngửi mùi hương của nó có cảm giác trà sẽ hơi cay, tuy nhiên, trà hoa hòe thực chất lại không cay mà chỉ đắng nhẹ (nói đúng hơn là chát nhẹ). Vì vậy, hoa này có đặc tính là thu liễm (1).

Trà hoa hòe điều trị bệnh gì?

Theo y học cổ truyền, hoa hòe có tính hàn và có nhiều công dụng như:

  • Làm mát máu.
  • Điều trị đau mắt và đau mắt đỏ do phong nhiệt.
  • Điều trị cao huyết áp.
  • Ngăn ngừa đứt mạch máu não.

Ngoài ra, như đã nói ở trên, nụ hoa hòe sao đen trong nồi đất (cháy tồn tính 80 %) còn có tác dụng cầm máu.

Vì vậy, nụ hoa hòe sao cháy tồn tính được dùng điều trị các chứng như:

  • Điều trị chảy máu cam.
  • Điều trị ho ra máu (thổ huyết).
  • Điều trị băng huyết (băng lậu).
  • Điều trị trĩ ra máu và đại tiện ra máu.
  • Điều trị xích bạch lỵ.

Liều dùng: sắc lấy nước uống từ 8 – 10 g mỗi ngày (hoặc hãm uống như trà và nên hãm 2 hoặc 3 lần nước cho ra hết chất thuốc) (1).

Hoa hòe khô
Hoa hòe khô

Các bài thuốc kết hợp có dùng hoa hòe

Bên cạnh cách dùng riêng thì hoa hòe còn được kết hợp với các dược liệu khác để tăng cường hiệu quả điều trị, chẳng hạn như:

1. Kết hợp hoa hòe với thảo quyết minh (hạt muồng)

  • Cách thực hiện: lấy hoa hòe và thảo quyết minh, liều lượng bằng nhau, đem sao lên (sao riêng). Sau đó, xay nát cả hai thành bột, trộn đều lại và để dùng dần.
  • Liều lượng: mỗi lần uống 5 g, mỗi ngày uống 2 hoặc 3 lần.
  • Công dụng: điều trị chảy máu cam và chảy máu chân răng ở trẻ nhỏ, khó ngủ, suy nhược thần kinh, mắt đau và sợ ánh sáng chói, đầu óc căng thẳng, choáng váng, ngón tay hay bị tê và cao huyết áp (1).

2. Kết hợp hoa hòe với địa du và rau diếp cá

  • Cách thực hiện: lấy 20 g hoa hòe sao đen tồn tính, 12 g rau diếp cá và 10 g địa du sao đen, tất cả đem nấu với 300 ml nước cho đến khi nước rút còn 2/3 thì chắt ra uống.
  • Công dụng: điều trị lỵ ra máu, đại tiện ra máu và trĩ ra máu (1).
Hoa hòe
Hoa hòe

Một số nghiên cứu về hoa và quả hòe

  • Về hoa hòe: Theo tạp chí Chemistry and Biodiversity, các hoạt chất như flavonoids, rutin và narcissin (trong hoa hòe) có nhiều nhất ở giai đoạn nụ. Vì vậy, so với trạng thái hoa nở thì nụ hoa có tác dụng chống oxy hóa cao nhất (3).
  • Về quả hòe: Theo tạp chí Molecules, kết quả nghiên cứu trên cho thấy dịch chiết từ quả hòe có tác dụng chống oxy hóa và có tiềm năng làm thuốc điều trị các bệnh liên quan đến stress oxy hóa (4).

Thông tin thêm về trà hoa hòe

  • Về quả hòe: Ngoài hoa hòe thì quả hòe (vị đắng, tính mát) cũng được dùng làm thuốc với tác dụng cầm máu khi bị đại tiện ra máu (mỗi ngày, lấy 6 – 12 g quả hòe, sao tồn tính rồi hãm lấy nước uống như trà). Riêng với trường hợp trĩ sưng đau thì dân gian thường lấy quả hòe và khổ sâm (liều lượng bằng nhau), đem xay nát thành bột rồi thêm chút nước, trộn cho sệt và đắp lên.
  • Phân biệt: Cây hòe được nói đến trong bài viết này có tên khoa học là Styphnolobium japonicum, được trồng ở Lâm Đồng và nhiều tỉnh Bắc Bộ nước ta. Tuy nhiên, nó khác với một loài cây khác có tên là “hòe bắc bộ“, đó là cây sơn đậu căn (hay còn gọi là quảng đậu căn, có tên khoa học là Sophora tonkinensis (đồng nghĩa là Sophora subprostrata), cây này dùng rễ làm thuốc) (1) (2).

Nguồn tham khảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện