Dương cam cúc điều trị mất ngủ, bồn chồn do rối loạn thần kinh

Dương cam cúc

Thông thường, khi nói về tinh dầu, chúng ta hay nghĩ đến màu vàng nhạt là màu phổ biến nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, có những cây cho cả tinh dầu màu trắng, màu xanh.

Chẳng hạn, chúng ta có thể kể đến tinh dầu dương cam cúc với màu xanh lam hơi thẫm và sở dĩ có được màu này là do tinh dầu của nó có chứa chất chamazulen (1).

Vậy, dương cam cúc là vị thuốc gì, có công dụng gì?

Vài nét về dương cam cúc

Cây dương cam cúc có tên khoa học là Matricaria chamomilla, thuộc họ Cúc. Thân cây thường cao không quá 50 cm, phân nhánh nhiều và phát triển tốt nhất khi được trồng trên đất vôi.

Hoa dương cam cúc nở rộ
Hoa nở rộ

Để nhận dạng dương cam cúc so với các loại cúc khác, bạn có thể dựa vào:

  • Hoa: cánh hoa dương cam cúc có dạng hình lưỡi, nhỏ và có màu trắng, xếp đều nhau thành một vòng ở ngoài, bên trong là những ống hoa nhỏ có màu vàng. Hoa có hương thơm đặc trưng.
  • : Lá kép hai lần và có dạng lông chim, phiến lá nhỏ (1) (2).

Công dụng làm thuốc của dương cam cúc

Ta có thể lấy cây, hoa và tinh dầu dương cam cúc để làm thuốc (nhưng thường dùng hoa). Tuy nhiên, nếu dùng hoa thì cần lưu ý hái hoa khi còn ở dạng nụ, sau đó phơi âm can cho khô dần (nếu sấy thì chỉ sấy ở nhiệt độ thấp cho khô từ từ, như vậy thì hoa mới giữ được hương thơm và hình dáng đẹp).

Vị thuốc dương cam cúc
Vị thuốc dương cam cúc

Theo y học cổ truyền, dương cam cúc có mùi thơm, tính hàn, không có độc và có các công dụng chính là:

  • Điều trị cảm mạo, giúp hạ sốt.
  • Bồi bổ cơ thể (bổ nhẹ).
  • Làm tan đờm.
  • Điều trị khó tiêu, đầy hơi.
  • Kích thích gây trung tiện.
  • Giúp diệt giun sán.
  • Điều trị phong thấp.
  • Giúp chống co thắt, chống viêm.
  • Giúp lợi tiểu.
  • Giúp an thần.
  • Giúp giảm cảm giác bồn chồn.
  • Điều trị mất ngủ nhẹ do rối loạn thần kinh.

Cách dùng: mỗi ngày, lấy từ 2 – 8 g nụ hoa khô (có khi dùng đến 12 g), nấu lấy nước và chia thành 3 lần uống trong ngày. Với trẻ nhỏ thì chỉ dùng 2 g nụ hoa mỗi ngày và chia thành 3 lần uống (trẻ nhỏ dưới 3 tuổi không được dùng) (1) (2).

Lưu ý khi dùng

  • Nếu hãm hoặc nấu thuốc quá đặc thì uống vào sẽ bị buồn nôn.
  • Những người cơ địa nhạy cảm, dị ứng với mùi và hoạt chất của các loài hoa cúc thì không nên dùng (đã có báo cáo về tình trạng dị ứng và sốc phản vệ với loài cây này) (1) (2).

Các nghiên cứu về dương cam cúc

  • Hoạt tính chống oxy hóa: Theo tạp chí Journal of Medicinal Plants Research, chiết xuất metanol và tinh dầu từ dương cam cúc có tác dụng kháng khuẩn và chống oxy hóa đáng kể (3).
  • Hoạt tính chống tăng đường huyết: Theo tạp chí Journal of Natural Medicines, kết quả thí nghiệm trên chuột mắc bệnh tiểu đường cho thấy: chiết xuất ethanolic từ thân, lá và hoa của cây này đều có tác dụng chống đái tháo thường qua cơ chế chống oxy hóa và chống tăng đường huyết sau ăn (4).
  • Hoạt tính giảm đau: Theo tạp chí Complementary Therapies in Clinical Practice, dầu dương cam cúc thoa ngoài da có tác dụng giảm đau đáng kể ở bệnh nhân đau khớp gối (viêm thoái hóa khớp gối) (5).
  • Hoạt tính giảm lo âu: Theo tạp chí Phytomedicine, kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy uống chiết xuất dương cam cúc với liều phù hợp có thể giúp giảm lo âu ở những người bị rối loạn lo âu lan tỏa (tương đương với thuốc tiêu chuẩn) (6).
Nguồn tham khảo
  1. Nguyễn Văn Đàn – Vũ Xuân Quang – Ngô Ngọc Khuyến, Cây hoa chữa bệnh, NXB Y học, 2005, trang 104.
  2. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 701.
  3. Antimicrobial and antioxidant activities of essential oil and methanol extract of Matricaria chamomilla L. from Djibouti, https://academicjournals.org/journal/JMPR/article-abstract/CB0BFEF17511, ngày truy cập: 28/ 01/ 2021.
  4. Antihyperglycemic and antioxidative potential of Matricaria chamomilla L. in streptozotocin-induced diabetic rats, https://link.springer.com/article/10.1007/s11418-008-0228-1, ngày truy cập: 28/ 01/ 2021.
  5. Efficacy and safety of topical Matricaria chamomilla L. (chamomile) oil for knee osteoarthritis: A randomized controlled clinical trial, https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1744388115000493, ngày truy cập: 28/ 01/ 2021.
  6. Short-term open-label chamomile (Matricaria chamomilla L.) therapy of moderate to severe generalized anxiety disorder, https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0944711316301891, ngày truy cập: 28/ 01/ 2021.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện