Người miền Nam thích hài hước, cho nên mỗi khi bản thân rơi vào hoàn cảnh éo le, họ lại hay tự ví mình là “bèo nhèo như cái cù nèo bóp giấm“.
Thật vậy, bạn thấy cù nèo bóp giấm chưa? Này nhé, cù kèo nó na ná như lục bình (bèo tây) nhưng cuống lá không phình ra mà vẫn thẳng đuột hình trụ, tuy nhiên, nó mềm và dai hơn nhiều so với lục bình. So với bồn bồn và năn (nổi tiếng ở Cà Mau) thì cọng cù nèo dai hơn và to hơn nhiều, đặc biệt lại có hương thơm mẫn mẫn rất kích thích!
Khi cắt ngắn cuống lá ấy ra, đem làm gỏi (bóp giấm) thì ta bóp cho phần rỗng bên trong của nó xẹp lại, lúc này, cọng cù nèo nhũn ra, nhăn nheo và mềm xèo mềm xịu, trông rất thảm! Bạn đã hình dung ra “tình cảnh” ấy chưa?
Món ăn từ cây kèo nèo
Thế nhưng, cù nèo ngon nhất vẫn là đem đi xào tỏi, xào mỡ. Lúc này, từng cọng cù nèo teo lại, mềm và thơm ngon khó tả. Đặc biệt, chỉ có khi đem xào lên, cọng cù nèo mới ra đúng cái hương vị có một không hai của nó: đắng nhẵn mà hậu ngọt ngây, ngọt như cam thảo, đường phèn… vậy! Cho nên, những người ăn đắng không được, ăn khổ qua không được thì ăn cù nèo vẫn thấy rất ngon!
Dân gian có câu:
“Cù nèo xào mỡ khỏi chê
Ăn vào một miếng là mê tới già!“
Trong cù nèo có chứa các chất dinh dưỡng nào?
Cù nèo là loại rau ăn nhiều dinh dưỡng. Lá và nụ hoa của cây không chỉ chứa đường, chất xơ mà còn chứa chất đạm và chất béo. Không chỉ thế, loại rau này còn cung cấp một số khoáng chất thiết yếu như Ka li, Kẽm, Đồng, Can xi, Ma giê, Na tri…
Chính vì vậy, cù nèo được biết đến là loại thực phẩm chống oxy hóa và bổ sung dinh dưỡng rất tốt. Mặt khác, vì cù nèo chứa một lượng nước lớn (93, 92 %) nên cũng có tác dụng giải nhiệt, thanh mát đáng kể (1) (2).
Công dụng làm thuốc của cây kèo nèo
Cù nèo không phải cây thuốc thực thụ mà được biết đến như một loại rau ăn có công dụng làm thuốc. Ở một số nước trên thế giới, nó còn được xem như cỏ dại vì tốc độ phát triển quá nhanh (sinh sản bằng phương thức vô tính lẫn hữu tính, nghĩa là bạn có thể trồng nó bằng hạt và cũng có thể nhổ một bụi con để trồng, như vậy, chẳng mấy chốc nó sẽ nhảy con và nở lan ra như lục bình vậy!).
Theo kinh nghiệm dân gian, cù nèo là loại rau có tính mát, chứa nhiều nước nên giúp mát gan, lợi tiểu. Vì vậy, nếu bị viêm đường tiết niệu, bạn có thể lấy 50 g cù nèo tươi nấu lấy nước uống cùng với 50 g mã đề (uống như nước mát trong ngày). Ngoài ra, trong trường hợp sỏi thận, bạn cũng có thể dùng bài thuốc sau đây để điều trị:
- Thành phần: cù nèo (lựa phần bẹ non, khoảng 100 g), rau ngổ (50 g) và rau đắng (100 g).
- Thực hiện: rửa sạch các vị trên rồi nấu lấy nước uống trong ngày (kiên trì thực hiện trong nhiều ngày).
Bên cạnh đó, ông bà ta từ xưa còn bảo rằng ăn cù nèo sẽ giúp bớt đau lưng (hiển nhiên chỉ có tác dụng hỗ trợ). Với chứng di mộng tinh ở nam giới, dân gian cũng có truyền nhau bài thuốc từ cù nèo, đó là mỗi ngày, lấy 50 – 100 g cọng và lá tươi, cắt nhỏ ra rồi nấu lấy nước uống.
Ngoài ra, cù nèo còn được biết đến với tác dụng điều trị khí hư ở phụ nữ (do nóng trong người). Cách dùng rất đơn giản, đó là lấy 50 g cù nèo tươi, đem xắt nhỏ cùng với 20 g lá trinh nữ hoàng cung rồi nấu lấy nước và chia thành nhiều lần uống trong ngày (1) (3).
Thông tin thêm
- Về vấn đề vệ sinh an toàn: Cù nèo mọc dưới bùn lầy nên rất hay bị vắt (loại vắt của rau dưới nước, không phải loại vắt hay hút máu người), mò và các động vật ký sinh khác. Hơn nữa, trên cọng cù nèo thường có mép lá thừa khép vào nên khi rửa, bạn phải mở mép lá ấy ra để xem bên trong có vắt trú ẩn không, bạn nhé! Mặt khác, chúng ta cũng không nên hái cù nèo ở những nơi nước ô nhiễm vì chúng sẽ bị nhiễm bẩn, gây hại cho sức khỏe!
- Về tên gọi: Ở Trung Quốc, cây cù nèo được gọi là hoàng hoa lận (黄花蔺) còn ở Việt Nam, nó được gọi bằng nhiều cái tên như tai tượng, kèo nèo… Cây có tên khoa học là Limnocharis flava, thuộc họ Kèo nèo (4) (5).
Thường xuyên ăn kèo nèo (mỗi ngày ) bao nhiêu là đc ạ?
Bạn có thể dùng kèo nèo như một loại rau ăn hàng ngày bạn nhé