3 loài hoa cúc khai xuân, công dụng và cách dùng làm thuốc

Cúc hoa trắng

Hoa cúc không sợ thu sương

Để màu ẩn dật, mùi hương đậm đà

(Ca dao) (1).

Hoa cúc từ xưa đã được ví như người quân tử vì dáng hoa đẹp, hương kín đáo và thơm hoa, thơm cả lá cành!

Ngoài giá trị làm cảnh, hoa cúc còn được làm thành trà, thành rượu, ướp hương. Về mặt y học, hoa cúc cũng là vị thuốc quý với nhiều công dụng khác nhau (tùy theo loại).

Hoa cúc khai xuân

Thời điểm giáp Tết cũng là lúc những chậu hoa cúc được chăm sóc, vận chuyển khắp mọi miền. Từ đó, cảm tình mùa xuân bắt đầu khiến cho những cô gái trẻ suy nghĩ vẩn vơ:

Bốn mùa bông cúc nở sai
Ðể coi trời khiến duyên này về ai!

(Ca dao) (1).

Trong số những loài cúc đẹp, được bày bán phổ biến thì ta có thể kể đến cúc vạn thọ (khổng tước thảo), cúc hoa trắng (bạch cam cúc) và cúc hoa vàng (cam cúc, hoàng cúc).

Cúc vạn thọ – loài hoa điều trị viêm kết mạc

Cúc vạn thọ (Tagetes erecta) có mùi thơm hơi hắc, hơi khó ngửi nhưng lại có thể giúp tan đàm, tiêu viêm và điều trị viêm kết mạc cùng nhiều bệnh về mắt khác.

Cây cúc vạn thọ
Cây cúc vạn thọ – hoa cúc khai xuân

Cách dùng cụ thể như sau:

  • Điều trị nhức răng, đau mắt: lấy 15 g hoa cúc vạn thọ, nấu lấy nước uống trong ngày.
  • Điều trị viêm khí quản: lấy 30 g hoa cúc vạn thọ và 6 g cát cánh, nấu lấy nước uống trong ngày.
  • Điều trị viêm kết mạc mắt: lấy 15 g hoa cúc vạn thọ, 10 g chi tử (tức quả dành dành) và 15 g cúc hoa vàng, tất cả nấu lấy nước rồi chia thành hai lần uống trong ngày (2).

Phân biệt: loại vạn thọ đang nói ở đây là cây vạn thọ cao – loại này thân nhánh cao khoảng 60 cm và có hoa to màu vàng tươi mà ta hay chưng Tết (khác với loại vạn thọ lùn cũng hay được trồng làm cảnh, hoa nhỏ, có màu vàng sậm và thường chỉ cao bằng một nửa loại vạn thọ cao).

Cúc hoa vàng điều trị mắt đỏ, hoa mắt

Cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum) cũng là loại thường được dùng làm thuốc. Trong những bài thuốc nổi tiếng có dùng vị thuốc này, ta có thể kể đến bài thuốc chuyên điều trị hoa mắt, mắt đỏ, nghẹt mũi và chóng mặt.

Hoa cúc vàng hoa cúc khai xuân
Cúc hoa vàng
  • Thành phần: cúc hoa vàng, cam thảo Bắc, xuyên khung, cỏ gấu (hương phụ), kinh giới, bạch chỉ, bạc hà, tế tân, phòng phong, cương tàm và khương hoạt (liều lượng bằng nhau).
  • Thực hiện: lấy các vị trên xay nát thành bột rồi trộn đều và để dùng dần.
  • Liều lượng: mỗi lần uống từ 4 – 6 g bột thuốc và uống sau bữa ăn (2).

Cúc hoa trắng điều trị ho và hoa mắt

Loài cúc hoa trắng (Chrysanthemum morifolium) có dáng hoa đẹp, thanh nhã và thường được dùng như một loại trà giúp sáng mắt, chậm lão hóa (mỗi ngày, hãm 1 – 2 g hoa khô và uống như trà).

Cúc hoa trắng (phơi khô)
Cúc hoa trắng (phơi khô)

Có thể kể đến một số bài thuốc có dùng hoa cúc như sau:

  • Điều trị ho: lấy 20 g cúc hoa trắng, 8 g hạt tía tô và 8 g tang bạch bì, tất cả cho vào ấm và nấu lấy nước uống trong ngày.
  • Điều trị hoa mắt, mất ngủ suy nhược và chóng mặt: lấy 10 g cúc hoa trắng, 10 g hoa thiên lý, 12 g ngải cứu, 8 g lá đinh lăng (lấy lá vừa vừa, không quá non cũng không quá già) và 8 g rau má; tất cả đem nấu lấy nước uống (nấu trong 700 ml nước, đến khi nước rút còn 250 ml thì chắt ra và chia thành 3 lần uống) (2).

Những lưu ý khi dùng hoa cúc

  • Đối tượng cần tránh: Những người tỳ vị hư hàn, thường hay ớn lạnh, lạnh bụng, tiêu chảy… thì không nên dùng hoa cúc. Bên cạnh đó, những người bị hạ huyết áp cũng không nên dùng (2).
  • Trong lựa chọn sử dụng: Ngày nay, vấn đề bảo quản hoa cúc cũng là vấn đề đáng được lưu tâm vì nhiều nơi đã dùng quá mức lượng chất bảo quản (nhất là các loại trà hoa cúc). Vì vậy, khi có nhu cầu dùng làm thuốc, bạn nên cân nhắc lựa chọn nhà cung cấp uy tín nhé!
  • Hoa cúc ngày Tết: Hoa cúc được bày bán vào ngày Tết thường đã được phun hóa chất để tránh sâu hại, vì vậy, nếu muốn dùng làm thuốc, bạn nên tự trồng hoặc đợi những đợt hoa sau thì mới sử dụng, bạn nhé!

Ngoài hoa cúc thì ngày xuân “trăm hoa đua nở”, ta còn có nhiều loài hoa khác vừa đẹp vừa có công dụng làm thuốc như hoa đào, hoa hồng, hoa nhài, hoa mơ… Bạn đã mua trồng những chậu hoa đón Tết chưa, trong ấy có hoa cúc chứ?

Nguồn tham khảo
  1. Hoa cúc, https://cadao.me/the/hoa-cuc/, ngày truy cập: 09/ 01/ 2020.
  2. Cúc hoa, dược vị khai xuân, Tạp chí Cây thuốc quý – Hiệp hội dược liệu Việt Nam, số 04/ 2019, trang 10.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện