Trong Đông y có vị thuốc “úc lý nhân” (郁李仁) là nhân hạt của một số loài mận, có hương thơm và chữ “úc” (郁) chính là để chỉ mùi hương ấy (“lý” 李 là mận) (1) (2).
Loại mận này là cây thuốc cổ truyền của người Trung Quốc nhưng ở Việt Nam cũng có trồng. Khi nói đến úc lý nhân là nói đến vị thuốc chuyên làm trơn ruột và điều trị các bệnh về hệ bài tiết. Vậy, vị thuốc này có những công dụng nào cần chú ý?
Vài nét về úc lý nhân
Cây úc lý (hay uất lý) có tên khoa học là Prunus japonica, thuộc họ Hoa hồng (3).

Trong Đông y, úc lý nhân có thể được lấy từ nhân hạt của loài cây trên hoặc nhân hạt của loài Prunus humilis, loài Prunus tomentosa… (6).
Các tên khác: Trong Y tâm phương – một trong bốn kiệt tác y học của Trung Quốc thì úc lý nhân được gọi là “lý tử” (4). Trong Dược tài học, nó được gọi là “lý nhân nhục”. Trong Toàn quốc Trung thảo dược hối biên, nó được gọi là “tiểu lý nhân” (2).
Công dụng chủ yếu của úc lý nhân
Úc lý nhân có hương thơm, vị ngọt và chua, tính bình và là vị thuốc lành tính, không có độc. Khi dùng, thuốc này thông vào kinh Tỳ và Đại tiểu trường (1).
Các công trình y học có ghi chép về công dụng của vị thuốc như sau:
- Theo sách của Yên Quyền (thời nhà Đường) thì vị thuốc này giải quyết được tình trạng “khí kết trong ruột“.
- Theo sách của Lý Đông Nguyên (thời nhà Nguyên) thì vị thuốc này cải thiện được chứng “đại tràng khí trệ, táo kết không thông“.
- Theo sách của Mậu Hy Ung (thời nhà Minh) thì vị thuốc này chuyên điều trị các chứng như “bụng báng nước, chân tay phù thũng” (1).

Trong công trình Thuốc Bắc thường dùng, vị thuốc này cũng được ghi chép với các công dụng chủ đạo sau:
Liều lượng: mỗi ngày dùng từ 4 – 12 g úc lý nhân (1).
Lưu ý: Những người âm hư và tân dịch thiếu thì không nên dùng thuốc này (1). Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai và những người cơ thể đang bị mất nước cũng không nên dùng.
Ngoài ra, trong quá trình dùng thuốc, nếu thấy bệnh vừa khỏi thì ngưng, không nên uống lâu ngày để tránh hao tổn sức khỏe (6).
Các bài thuốc thường dùng
1. Điều trị chứng bí kết, đại tiện và tiểu tiện không thông (ở trẻ nhỏ)
- Chuẩn bị: úc lý nhân (4 g, bỏ vỏ), đại hoàng (4 g, tẩm rượu, sao lên) và hoạt thạch (40 g, thường ở dạng bột).
- Thực hiện: nghiền nhỏ các vị thuốc trên rồi trộn với nước cơm và vo thành dạng viên nhỏ cho dễ uống (chia thành nhiều ngày).
- Ghi chú: Với trẻ nhỏ 3 tuổi thì uống ba ngày, uống với nước, liều lượng theo chỉ định của thầy thuốc với từng độ tuổi (1).
2. Điều trị khí huyết ứ trệ khiến cho trướng bụng, phù tay chân (ở phụ nữ)
- Chuẩn bị: úc lý nhân (40 g, bỏ vỏ), mộc hương (20 g), sinh địa hoàng (28 g), duyên hồ sách (20 g), khiên ngưu tử (40 g), quất hồng bì (20 g), quế (20 g) và hạt cau khô (tức tân lang, 28 g).
- Thực hiện: lấy các vị thuốc trên nghiền nát thành bột và để dùng dần, mỗi lần uống thì lấy 8 g bột ấy hòa với rượu ấm mà uống (5).
Về tác dụng kháng khuẩn của cây úc lý Prunus japonica
Theo tạp chí Advances in Traditional Medicine, chiết xuất MeOH từ nhân hạt cây úc lý Prunus japonica (có chứa axit linoleic) đã cho thấy tính chất kháng khuẩn đáng kể (chống lại sự phát triển của Propionibacterium acnes – vi khuẩn gây mụn trứng cá) (7).
- Nguyễn Văn Quý – Nguyễn Phương, Thuốc Bắc thường dùng, NXB Y học, 2002, trang 504.
- 郁李仁, https://baike.baidu.com/item/%E9%83%81%E6%9D%8E%E4%BB%81, ngày truy cập: 07/ 12/ 2020.
- Úc lý, https://vi.wikipedia.org/wiki/%C3%9Ac_l%C3%BD, ngày truy cập: 07/ 12/ 2020.
- 医心方, https://baike.baidu.com/item/%E5%8C%BB%E5%BF%83%E6%96%B9/9978843, ngày truy cập: 07/ 12/ 2020.
- Vị thuốc úc lý nhân, http://www.dongyminhphuc.com/Thuoc-Phien-Nam-Bac/Van-U/Uc-Ly-Nhan-489941, ngày truy cập: 07/ 12/ 2020.
- Úc lý nhân nhuận trường, https://suckhoedoisong.vn/uc-ly-nhan-nhuan-truong-n32333.html, ngày truy cập: 07/ 12/ 2020.
- Antibacterial effect of naturally occurring unsaturated fatty acids from Prunus japonica against Propionibacterium acnes, https://www.koreascience.or.kr/article/JAKO200910534718532.page, ngày truy cập: 07/ 12/ 2020.