Phân biệt dầu nền và tinh dầu, cách dùng và cách bảo quản đúng

Hoa bưởi và tinh dầu hoa bưởi

Mình có một lọ tinh dầu đàn hương nguyên chất, sau khi dùng một thời gian thì mình phát hiện màu mực của những chữ in trên nhãn hiệu bên ngoài đều bị bay màu hết. Bạn có biết tại sao không và bạn có biết cách phân biệt dầu nền và tinh dầu?

Ngược lại, với dầu dừa hay các loại dầu thực vật khác như dầu hướng dương, dầu ô liu thì khả năng làm bay màu mực của nhãn hiệu lại rất kém (ngoại trừ trường hợp để thấm trực tiếp).

Bạn biết đấy, trên thực tế, dầu nền và tinh dầu khác nhau rất nhiều nhưng đa phần đều bị gọi nhầm. Nói đến dầu nền thì ta có thể kể đến dầu dừa, dầu argan, dầu ô liu, dầu jojoba, dầu hướng dương, dầu hạnh nhân… còn nói đến tinh dầu thì ta có thể kể đến tinh dầu chanh sả, tinh dầu oải hương, tinh dầu bạc hà, tinh dầu đàn hương, tinh dầu xá xị, tinh dầu khuynh diệp…

Bạn có phân biệt được tinh dầu và dầu nền không? Thật ra, lúc trước mình cũng nhầm lẫn giữa hai loại này. Vậy, hai nhóm này khác nhau như thế nào?

1. Độ bay hơi

Tinh dầu và dầu nền đều là chất lỏng nhưng tinh dầu có thể bay hơi còn dầu nền thì không bay hơi (1). Ví dụ, với tinh dầu chanh sả, bạn chỉ cần kề nhẹ mũi là đã ngửi được mùi hương và khi bạn thoa một ít lên tay thì lát sau chúng sẽ bay hơi hết.

Ngược lại, nếu bạn dùng dầu bơ để thoa lên da thì sau một khoảng thời gian, da bạn vẫn nhờn vì chất béo trong dầu bơ không bốc hơi được.

Tinh dầu bạc hà dầu nền và tinh dầu
Tinh dầu bạc hà

2. Phương thức bảo quản

Trong bảo quản, tinh dầu cần được bảo quản bằng chai lọ thủy tinh tối màu (vì nếu bảo quản bằng chai lọ nhựa, nắp nhựa… hoặc để ánh sáng trực tiếp chiếu vào… thì tinh dầu sẽ bị biến chất hoặc phản ứng với nhựa gây phân hủy).

Ngược lại, dầu nền có thể đựng trong chai nhựa hay chai thủy tinh đều được (như dầu mè, dầu đậu nành, dầu lạc… mà chúng ta hay mua đều được đựng trong chai nhựa) (1) (2).

3. Mức độ phản ứng

Tinh dầu nguyên chất thường có nồng độ rất cao và có thể gây bỏng rát da nếu dùng nguyên chất trực tiếp (1). Ví dụ như tinh dầu đàn hương, nếu thoa trực tiếp lên mặt thì sẽ nóng bừng da mặt, có thể gây lột da đối với da non. Không chỉ thế, hơi của tinh dầu đàn hương rất mạnh và còn có thể làm phai màu mực của bao bì dù bạn đã đóng kín nắp. Vì vậy, đa phần tinh dầu đều không thể thoa, ăn hay uống nguyên chất mà cần được pha loãng theo cách thức nhất định.

Ngược lại, dầu nền nhẹ dịu và an toàn nên có thể dùng nguyên chất trực tiếp. Nhìn chung, một số loại dầu nền có thể dùng để ăn (như dầu dừa, dầu hướng dương…) còn một số thì không dùng để ăn (như dầu jojoba)).

4. Mùi thơm và chất béo

Tinh dầu thường không có chất béo nhưng có mùi thơm và thường được chiết từ lá, rễ, thân, hoa, vỏ cây… (như tinh dầu hoa bưởi, tinh dầu hoa mộc tê được chiết xuất từ hoa; tinh dầu khuynh diệp được chiết xuất từ lá…).

Ngược lại, dầu nền có nhiều chất béo và thường được chiết xuất từ nhân hạt, có thể có hoặc không có hương thơm (nếu có thì hương thơm thường cũng không hấp dẫn như tinh dầu (ví dụ như dầu dừa được làm từ cơm dừa, dầu hướng dương được chiết từ nhân hạt hướng dương…) (1) (2).

tinh dầu dừa
Dầu dừa

5. Khả năng ôi thiu

Tinh dầu không bị ôi thiu theo thời gian (do các thành phần hương thơm không bị oxy hóa) còn dầu nền thì bị ôi thiu, thay đổi mùi (do chất béo trong dầu nền bị oxi hóa – trường hợp này dễ thấy nhất với dầu dừa, sau một thời gian để trong keo hay thoa lên tóc thì nó sẽ đổi mùi và bắt đầu ôi thiu) (1) (2).

6. Công dụng chủ đạo dầu nền và tinh dầu

Tinh dầu thường được dùng trong liệu pháp mùi hương để nâng cao tinh thần, giúp giảm mệt mỏi và dễ ngủ. Ngoài ra, tùy cách thức sử dụng (pha loãng ra) và những đặc tính riêng mà tinh dầu còn được dùng để hỗ trợ điều trị nhiều bệnh khác nhau (như bệnh về da, giúp giảm đau, điều trị mụn…).

Ngược lại, dầu nền giàu dinh dưỡng nên chủ yếu dùng trong nấu ăn, dưỡng da và tóc (như dầu dừa, dầu argan giúp dưỡng tóc rất tốt) hoặc dùng để pha với tinh dầu (giúp tinh dầu loãng hơn) (1) (2).

Nguồn tham khảo
  1. Những điểm khác biệt giữa dầu nền, tinh dầu, https://tinhdaulachampa.net/detail/97-nhung-diem-khac-biet-giua-tinh-dau-va-dau-nen.html, ngày truy cập: 10/ 10/ 2020.
  2. Phân biệt giữa tinh dầu, hương liệu và dầu nền, https://oking.vn/phan-biet-giua-tinh-dau-huong-lieu-va-dau-nen.html, ngày truy cập: 10/ 10/ 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện