Nấm bào ngư hạ huyết áp, hạ mỡ máu và phòng ngừa xơ cứng mạch máu

Nghe đến bào ngư, có phải bạn liên tưởng đến thịt của con bào ngư – một loài thân mềm được dùng làm nguyên liệu cho các món hải sản cao cấp? Hay bạn nghĩ đến “bào ngư vi cá” – cụm từ mà dân gian hay dùng để chỉ những món bồi bổ quý giá, thơm ngon?

Vâng, bào ngư còn là tên của một loại nấm nữa đấy – nấm bào ngư. Có lẽ bạn cũng đã ăn qua nấm này hay thấy đâu đó trên các bàn ăn, trong các hình ảnh về ẩm thực.

Nấm bào ngư, đó là loại nấm trắng mịn và đặc biệt rất thơm. Lúc nhỏ, mỗi lần theo mẹ hái nấm, hễ bẻ được cái nào to là tôi đưa ngay lên mũi ngửi. Chao ôi, nó thơm làm sao cái hương men đặc trưng của nấm, ngửi một hồi là say say. Và cái mềm mát lạnh của nấm nữa, đặt lên mặt thì không muốn để xuống.

Vài nét về nấm bào ngư

Nấm bào ngư (có vị như bào ngư) còn được gọi bằng các tên khác như nấm hương trắng (vì có mùi thơm rất hấp dẫn nhưng màu trắng), nấm sò (vì phiến nấm có hình dạng như vỏ sò)… có tên khoa học là Pleurotus ostreatus, thuộc họ Nấm phễu (1).

Ở nước ta, nấm bào ngư được trồng tại nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam và so với nấm hương thì nấm này dễ trồng hơn. Vốn dĩ, nấm này sống trên gỗ mục nhưng ngày nay, đa phần nấm trên thị trường đều được trồng nhân tạo bằng các chai meo (từ mạt cưa và meo nấm).

Trồng nấm bào ngư
Trồng nấm

Sau khi để trong chỗ mát, kín gió và tưới ẩm đủ thì sau 2 tháng, những tơ nấm sẽ chạy đều chai và phát triển thành nấm. Nếu bạn ở thành phố, bạn vẫn có thể trồng loại nấm này (các chai meo nấm bào ngư cũng được rao bán rộng rãi trên các trang mạng xã hội).

Tuy nhiên, lợi nhuận kinh tế từ nấm bào ngư thường không cao (nhiều người trồng thường huề vốn hoặc lời ít, thậm chí nếu không biết cách rọc chai nấm cũng như cách tưới nước, cách bẻ nấm thì nấm thu được sẽ không nhiều hoặc bị hư hỏng trước khi thu hái). Muốn đạt hiệu quả cao, bạn cần sự tư vấn của những người giàu kinh nghiệm cũng như người bán meo nấm (và cả chất lượng chai meo đầu vào).

Công dụng của nấm bào ngư

Nấm bào ngư có chứa rất nhiều thành phần hoạt chất. Tuy nhiên, xét về các chất dinh dưỡng thì có thể kể đến chất đạm, chất béo, chất xơ, Can xi, Phốt pho, Sắt, Vitamin B1, vitamin B2, vitamin B5… Nói về chất đạm thì nấm bào ngư là loại giàu axit amin (với khoảng 18 loại như isoleucine, lysine, valine, histidine, serine, glycine, alanine…).

Theo tư liệu y học thì nấm bào ngư có vị ngọt, tính ấm nên dùng làm thực phẩm thì sẽ giúp tán hàn, thư giãn gân cốt, đối với bệnh tật thì giúp hạ huyết áp, hạ mỡ máu, điều trị đau buốt ở lưng và đùi, mỏi tay chân, yếu tay chân,… Ngoài ra, nấm còn giúp ngăn ngừa xơ cứng mạch máu, ung thư và điều trị rối loạn chức năng thần kinh thực vật (1).

Nấm bào ngư chiên giòn
Nấm chiên giòn

Không chỉ thế, ở Ấn Độ, người ta còn dùng nấm bào ngư để điều trị chứng tiết nước bọt nhiều và viêm miệng (bằng cách giã nát, chế thành thuốc đắp vào nướu). Và riêng với trường hợp kháng u bướu thì kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ nấm này còn giúp ức chế tế bào bướu thịt S – 180 (với hiệu quả lên đến 75, 3 %) (1).

Lưu ý trong chế biến: Nấm bào ngư cũng như các loại nấm khác cần được nấu thật chín trước khi ăn. Nếu ăn nhầm nấm chưa chín hẳn, bạn sẽ bị ngộ độc với biểu hiện thường thấy nhất là nôn mửa dữ dội.

Nấm chiên ngũ vị hương

Mua nấm về, bạn sẽ xào hay nấu canh?

Đừng nhé, hãy chiên với ngũ vị hương vì đây mới là món ăn ngon nhất nhì từ loại nấm này!. Hiển nhiên, nấm bào ngư có thể kho, nấu canh, xào, nấu lẩu, hấp sả… nhưng đem chiên thì mới bật lên độ dai giòn và thơm của nó.

Nấm bào ngư chiên ngũ vị hương dùng để cuốn bánh tráng
Nấm bào ngư chiên ngũ vị hương dùng để ăn với cơm hoặc cuốn bánh tráng

Cách làm như sau:

  • Bước 1: Lấy nửa kg nấm bào ngư, cắt bỏ phần mạt gỗ dính dưới chân nấm rồi rửa sạch, cho vào thau và xé ra làm hai hoặc ba miếng (với cái nấm nhỏ thì không cần xé, với cái nấm to thì dùng tay xé từ thân nấm lên lá nấm).
  • Bước 2: Lấy từ 3 – 5 gói ngũ vị hương (loại gói nhỏ mà chúng ta hay mua để ướp thịt), rắc lên nấm và dùng đũa trộn đều, để khoảng 20 phút cho ngấm vào nấm.
  • Bước 3: Chắt nước trong thau nấm bỏ (vì để một lát thì nấm sẽ tiết ra nước). Sau đó, ta cho dầu vào chảo, phi tỏi cho thơm rồi để nấm vào chiên, giữ lửa to vừa phải cho đến khi nấm chín hẳn, chuyển thành màu vàng nâu và hơi săn lại thì vớt ra (lá nấm bắt đầu vàng giòn và chân nấm cũng chín vàng).

Nhìn chung, món này làm rất tốn thời gian vì ta phải chiên từng cái nấm và trở bề, đợi nấm vàng thơm. Tuy nhiên, công sức bỏ ra cho món này là xứng đáng vì nó rất ngon và dễ tiêu hóa (nhờ có ngũ vị hương).

Đặc biệt, người già trẻ nhỏ đều thích ăn món này và cái giòn của lá nấm, cái dai của chân nấm cùng cái thơm của ngũ vị hương sẽ khiến bạn ăn một lần là muốn ăn nữa, thật đấy!

Gợi ý: Bạn nhớ làm thêm chén nước chấm nữa nhé, đảm bảo sẽ đúng chất miền Tây!

Nguồn tham khảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện