Củ khoai mì (sắn), công dụng và độc tính cần lưu ý ( 2)

Công dụng của cây khoai mì

Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh những cọng bánh khoai mì xanh, vàng, đỏ, trắng được gói gọn trong miếng lá chuối xanh tươi. Đó là món bánh mà trẻ con rất thích. Và không chỉ thế, những củ khoai mì luộc trộn với nước cốt dừa béo ngậy rồi rắc lên một ít đậu phộng, một ít cơm dừa mới thơm ngon làm sao! Hình như trong những món quà bánh ăn sáng thì khoai mì luộc là món dễ ăn nhất.

Tuy nhiên, củ khoai mì cũng như lá của nó đều có độc tố gây hại tới sức khỏe con người và động vật. Như vậy, các cách dùng nào sẽ giúp loại trừ độc tố để khoai mì trở thành nguồn thức ăn hàng ngày, đồng thời cũng được dùng làm thuốc?

Vài nét về khoai mì

Khoai mì (miền Bắc gọi là sắn) có tên khoa học là Manihot esculenta, thuộc họ Thầu dầu: Euphorbiaceae (1)

Là một trong các cây lương thực chủ đạo của nước ta. Khoai mì có thân nhỏ, cao khoảng 1, 5 đến 3 m, toàn cây có nhựa trắng và thân có các u nần do cuống lá để lại. Lá khoai mì thuộc dạng lá đơn, mọc so le với các cuống lá dài, phiến lá xẻ thành 5 – 8 thùy, hình chân vịt. Hoa khoai mì mọc thành cụm ở ngọn, quả hình trứng, có cánh. Rễ khoai mì thuộc dạng rễ củ, phình to và có thể dài đến 60 cm với lớp vỏ dày, lớp vỏ tróc màu vàng nâu, lớp vỏ giữa màu hồng tím, chứa nhiều tinh bột bên trong và có sợi trục như tim nến ở lõi.

Ở nước ta, các loại khoai mì được trồng rộng khắp để lấy củ làm thức ăn cho người, gia súc và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp (như tinh bột).

Công dụng của củ khoai mì
Công dụng của củ khoai mì

Độc tính của củ khoai mì và cách phòng ngừa

Củ khoai mì có chứa chất độc và hàm lượng độc tố tăng lên trong quá trình lưu trữ. Vì vậy, ăn củ khoai mì sống hoặc chưa được nấu chín kỹ có thể bị say hoặc ngộ độc. Các biểu hiện của ngộ độc khoai mì thường thấy là cơ thể khó chịu, chóng mặt, nhức đầu, choáng váng, nôn mửa, đau bụng, khó thở… hoặc nặng hơn là co giật, hôn mê, mạch yếu, trụy tim… và tử vong (2).

Đối với trường hợp ngộ độc khoai mì, cần sơ cứu bằng cách làm cho người bệnh nôn ra khoai mì và cho uống nước đường hay nước mía để làm giảm độc tính (hoặc dùng 60 – 100 g lá hoặc rễ cây mua (hoa mua) sắc lấy nước uống), sau đó đưa đi cấp cứu. (2) (3).

Tuy nhiên, có thể làm giảm và loại bỏ độc tố trong củ khoai mì bằng cách bỏ vỏ, ngâm nước một buổi, thái mỏng rồi phơi khô hoặc nấu chín kỹ trước khi sử dụng (nếu luộc thì luộc kỹ với nhiều nước và nên mở nắp để chất độc bay hơi, ăn cái và bỏ nước). Các cách chế biến củ khoai mì ít gây say, ngộ độc là luộc kỹ, chiên tươi, nấu chè, làm bánh, nấu cùng với cơm… (2).

Luộc khoai mì
Luộc khoai (sắn)

Công dụng làm thuốc của củ khoai mì

  1. Theo kinh nghiệm dân gian, có thể điều trị tiêu chảy mạn tính bằng cách sao chín 12 g bột khoai mì rồi uống với nước cơm hay cháo vào buổi sáng.
  2. Ngoài ra, khoai mì còn được dùng điều trị nhức đầu và kinh nguyệt không đều (4).
  3. Người dân một số địa phương còn dùng ngọn non cây khoai mì (Không dùng lá khoai mì cao sản) muối chua, dùng cho kho cá. Theo kinh nghiệm dân gian ngọn non khoai mì có công dụng kích thích tiêu hóa.

Lưu ý

  • Nhiều người có thói quen ăn sống khoai mì vì nó khá ngọt và ngon, tuy nhiên, đây là trường hợp dễ bị ngộ độc nhất. Vì vậy, chỉ nên dùng củ khoai mì đã nấu chín kỹ. Bên cạnh đó, ăn củ khoai mì nướng cũng dễ bị ngộ độc (2).
  • Trẻ em, người lớn tuổi, những người cơ thể đang yếu hoặc vừa khỏi bệnh cần tránh dùng khoai mì. Mặt khác, nên tránh dùng nhiều khoai mì vào buổi sáng hoặc lúc đói (2).
  • Không cho gia súc ăn các bộ phận của cây khoai mì, kể cả đó là nước luộc củ khoai mì (đã có trường hợp gia súc mang thai (lợn nái) ăn lá khoai mì và bị sẩy thai).
  • Bên cạnh việc cẩn trọng trong khâu chế biến, người trồng khoai mì cũng cần chú ý không bón nhiều phân đạm (để tránh làm tăng lượng độc tố) và không trồng khoai mì gần cây xoan (vì sẽ khiến củ khoai mì hay bị đắng hơn và chứa nhiều chất độc hơn) (2).
Nguồn tham khảo
  1. Sắn, https://vi.wikipedia.org/wiki/S%E1%BA%AFn, ngày truy cập: 19/07/2019.
  2. Trần Công Khánh – Phạm Hải, Cây độc ở Việt Nam, Nxb Y học, 2004, trang 186.
  3. Phạm Hải, Cây độc ở Việt Nam, Nxb Y học, 1984, trang 209.
  4. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 677.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

2 câu hỏi về “Củ khoai mì (sắn), công dụng và độc tính cần lưu ý ( 2)

  1. Avatar
    Ngọc Yến Phạm hỏi:

    Chào bác sĩ , sự việc như sao , tôi vừa sinh con được hơn 1 tháng nhưng người hàng xóm có cho tôi 1 ít khoai mì họ nói ăn rất tốt như tôi không dám ăn . nếu ăn có ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và em bé không . chân trọng cảm ơn bác sĩ .

    • Caythuoc.org
      Caythuoc.org hỏi:

      Chào bạn sau khi sinh Bạn ăn được khoai mì bình thường,Tuy nhiên cần lưu ý chỉ sử dụng khoai mì ta không sử dụng khoai mì cao sản bạn nhé. Bởi khoai mì cao sản có thể gây ngộ độc

2
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện