Dưa hấu và công dụng tuyệt vời từ những bộ phận bỏ đi trên cây dưa hấu

Công dụng của quả dưa hấu

Phụ nữ miền Tây lục tỉnh không ai lạ gì câu ca dao:

Mẹ mong gả thiếp về vườn

Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh“.

Thật vậy, câu ca dao đã gói gọn hồn quê với những món ăn thuần túy miệt vườn – dân dã, thanh đạm mà không dễ gì mua được. Và nghe chừng như xa lạ nhưng dưa hường ở đây chính là trái dưa hấu non được “tỉa” bớt để cây nuôi trái chính, đem nấu canh hay xào tỏi thì thanh mát, ngọt thơm. Không chỉ thế, dưa hấu còn còn có giá trị làm thuốc.

Đặc điểm

Dưa hấu (tên khoa học: Citrullus lanatus, họ Bầu bí: Cucurbitaceae) (1) còn có tác tên gọi khác như: tây qua, hạ qua, hàn qua, thủy qua, dưa đỏ… là cây thân thảo ngắn ngày, bò lan sát đất với các rễ phụ và tua cuốn mọc từ thân, phần ngọn có lông. Lá dưa hấu xẻ thành 3 đến 5 thùy chính và các thùy chính lại xẻ thành các thùy phụ. Hoa dưa hấu nhỏ, có màu vàng.

Công dụng của vỏ quả dưa hấu
Vỏ dưa hấu

Quả dưa hấu hình cầu hoặc thuôn dài tùy theo giống, có vỏ dày nhẵn bóng, màu xanh (có thể pha xanh đen), có hoặc không có vân sẫm. Thịt quả màu trắng khi còn non, trắng hồng khi già và đỏ khi chín (có loại dưa hấu ruột vàng), chứa nhiều nước và càng chín thì càng ngọt. Cách nhận biết quả dưa hấu chín trên dây là nhìn vào “tai chuột” đã héo (hai lá đài nằm sát cuống quả, rất nhỏ). Hạt dưa hấu dẹt, một đầu hơi nhọn, có màu đen bóng, rang lên ăn được (có giống không hạt).

Công dụng của quả dưa hấu

Công dụng của thịt và vỏ quả dưa hấu

Thịt quả: Được biết, dưa hấu là một trong những loại quả có mức năng lượng thấp (30 kcal/ 100 g) nhưng chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể: đường, chất xơ, chất béo, chất đạm, vitamin A, B1, B2, B3, B5, B6, B9, C, Can xi, Ma giê, Sắt, Phot pho, Ka li, Kẽm… (1). Ăn dưa hấu không chỉ giúp giảm cân, đẹp da mà còn duy trì sức khỏe tốt, ngăn ngừa ung thư và tim mạch.

Từ lâu, dưa hấu đã được xem là loại quả bổ mát và giải khát cực tốt cho mùa hè. Theo y học cổ truyền, dưa hấu có vị ngọt, tính hơi hàn, có tác dụng thanh thử, giải nhiệt, lợi tiểu, giã rượu, giảm đau họng. Công trình Hải thượng y tông tâm lĩnh của danh y Lê Hữu Trác cũng có đề cập đến quả dưa hấu với đặc điểm và công dụng như sau:

Tây Qua tục gọi quả dưa Hấu

Ngọt nhạt, lạnh mát ăn rất ngon

Giải khát tiêu phiền trừ trúng nắng

Hồng ly, lâm, tê bệnh chẳng còn.” (2)

Vỏ quả: Vỏ quả dưa hấu tưởng chừng là bộ phận bỏ đi không dùng đến, thật bất ngờ khi biết vỏ dưa hấu lại là một vị thuốc rất hay trong dân gian. Theo đông y vỏ dưa hấu có vị ngọt, tính mát, được dùng điều trị cao huyết áp, nóng trong bàng quang, tiểu buốt, viêm thận, phù thũng, vàng da, say rượu, tiểu đường, cảm sốt… Cách dùng: lấy 10 – 40 g vỏ dưa hấu (tây qua bì) đun sôi với nửa lít nước (để sôi khoảng 15 phút) thì để nguội, uống thay nước trong ngày. Đối với trường hợp tiêu chảy, có thể lấy 20 g vỏ dưa hấu phơi khô, sắc trong 500 ml đến khi còn 300 ml thì chia thành 3 hoặc 4 lần uống trong ngày (3).

Ngoài ra, có thể kể đến một số bài thuốc từ vỏ dưa hấu như:

  • Viêm loét miệng: lấy vỏ dưa hấu thái nhỏ, phơi khô, sao cháy thành than, sau đó nghiền thành bột mịn và rắc vào vết lở loét (4).
  • Điều trị viêm cầu thận cấp tính: Lấy khoảng 200g vỏ dưa hấu đem rửa sạch, sau đó đun với khoảng 4 bát nước, đun cạn lấy khoảng 1 bát nước, chia ra làm nhiều lần uống trong ngày. Khi uống thuốc này cần kiêng ăn muối (4).
    Hình ảnh cây dưa hấu
    Hình ảnh cây dưa hấu

Công dụng của hạt, rễ và lá dưa hấu

Hạt dưa hấu có vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh phế, nhuận trường, hòa trung, chỉ khát. Nước sắc từ hạt dưa hấu (sắc đặc) còn giúp điều trị nôn ra máu, kinh nguyệt quá nhiều và ho lâu ngày (4).

Rễ dưa hấu được dân gian ép lấy nước uống giúp cầm máu sau khi sinh đẻ hoặc sau khi bị đọa thai (3). Ngoài ra, nước sắc từ rễ và lá dưa hấu (khoảng 50 – 60 g) còn có tác dụng điều trị lỵ, tiêu chảy (4).

Lưu ý

  • Người trúng hàn không nên dùng dưa hấu.
  • Ăn quá nhiều dưa hấu có thể gây nóng trong người.
Nguồn tham khảo
  1. Dưa hấu, https://vi.wikipedia.org/wiki/D%C6%B0a_h%E1%BA%A5u, ngày truy cập: 25/06/2019.
  2. Lê Hữu Trác, Hải thượng y tông tâm lĩnh, tập 3,4, NXB Y học, Hà Nội, 2014, trang 519.
  3. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản y học, 2004, trang 928.
  4. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 685.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện