Người huyết áp thấp, hay xây xẩm lưu ý điều này để không bị đột tử

Huyết áp thấp

Nhiều người bị huyết áp thấp và chủ quan, cho rằng huyết áp cao mới đáng sợ còn huyết áp thấp thì không sao. Trên thực tế, huyết áp thấp cũng dẫn đến những tai biến nguy hiểm như: đột quỵ, liệt nửa người… và thậm chí tử vong.

Vậy, người bị huyết áp thấp cần lưu ý gì để giảm rủi ro cho tính mạng?

1. Thức dậy đúng cách

Nghe thì có vẻ nực cười nhưng nhiều bệnh nhân huyết áp thấp đã tử vong vì thức dậy không đúng cách. Cụ thể là thế này:

Sau khi đi ngủ, nhiều người thường thức giấc nửa đêm (vì mắc tiểu, khó ngủ hoặc có điện thoại reo…).

Lúc này, nếu chúng ta lập tức bật người ngồi dậy hoặc đứng dậy thì sẽ rất dễ bị tụt huyết áp đột ngột. Với người huyết áp thấp, nếu đột ngột ngột thay đổi tư thế như thế thì sẽ dễ bị chao đảo, choáng váng, chóng mặt và té ngã. Trường hợp nặng hơn là thiếu máu não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và để lại các di chứng như liệt nửa người, thậm chí tử vong.

Ngất xỉu

Nguyên nhân: Khi chúng ta ngủ, máu sẽ tập trung vào gan, phổi, dạ dày, lá lách và ít tập trung ở não. Vì vậy, nếu chúng ta đang nằm mà ngồi dậy đột ngột thì máu sẽ truyền xuống chân, khiến cho máu trên não bị thiếu và não bị ảnh hưởng. Điều này có thể dẫn đến chóng mặt, tối sầm mặt và té xỉu. Với người già thì nguy cơ đột quỵ hoặc chấn thương do té ngã lại càng cao.

Cách phòng ngừa: Khi thức dậy, người bị huyết áp thấp cần nằm thêm một lát nữa (tầm 30 giây), nhúc nhích tay chân vài cái cho cơ thể thích ứng rồi mới ngồi dậy, ngồi như thế tầm 30 giây rồi mới từ từ đặt chân xuống, đợi thêm 30 phút nữa mới từ từ đứng dậy và từ từ bước đi. Nếu quanh giường có bàn hay ghế thì nên vịn vào trước khi đứng lên (để nếu bị choáng thì vẫn có thứ để bám vào, tránh té ngã bị thương).

Ghi chú: Với những người ngủ ban ngày hay nằm nghỉ ngơi thiêm thiếp thì cũng vậy. Khi mở mắt thức dậy, ta không được vội vã ngồi dậy mà cần chậm rãi từng bước như đã kể trên. Với những người hấp tấp thì đây cũng là một bài tập để chúng ta “sống chậm lại”.

2. Thay đổi tư thế đúng cách

Với người huyết áp thấp thì việc thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi, từ ngồi sang đứng, từ ngồi sang đi… cũng cần thực hiện đúng cách. Nghĩa là sao?

Thế này, bạn có từng nghe ai đó than phiền rằng hễ họ ngồi xuống lâu lâu rồi đứng lên là bị tối sầm mặt, hết thấy đường và loạng choạng muốn ngã không?

Rất có thể, họ đã bị tụt huyết áp và đã rơi vào dạng tụt huyết áp tư thế (máu dồn về các vị trí cần cử động nên máu trên não bị thiếu). Tình trạng này thường kèm theo các dấu hiệu như:

  • Nhẹ thì chóng mặt, tim đập nhanh, muốn xỉu.
  • Nặng thì ngất xỉu, ngã xuống.

Sau vài giây, người bệnh sẽ hồi phục lại (nếu được nằm thì sẽ mau hồi phục hơn).

Huyết áp thấp

Vì vậy, để phòng ngừa thì bạn cũng cần thay đổi tư thế một cách chậm rãi (tương tự như cách thức dậy đã nói ở trên).

Với những người làm trong các ngành nghề phải ngồi liên tục hoặc đứng liên tục (công nhân, nhân viên…) thì thỉnh thoảng nên thay đổi tư thế hoặc cử động nhẹ nhàng để máu huyết lưu thông.

Điều quan trọng là: nếu bạn biết mình bị huyết áp thấp thì bạn cần cải thiện huyết áp của mình.

Các dấu hiệu của bệnh huyết áp thấp

Để biết chính xác bạn có bị huyết áp thấp không thì bạn cần đo huyết áp. Nếu huyết áp của bạn thấp hơn 90/60 mmHg thì bạn đã bị huyết áp thấp (với người hơn 65 tuổi thì huyết áp thấp hơn 100/60 mmHg là huyết áp thấp).

Ngoài ra, nếu huyết áp của bạn bỗng thấp hơn 20 mmHg so với huyết áp thông thường của bạn thì bạn cũng đã bị tụt huyết áp.

Bên cạnh việc đo huyết áp thì cũng có một số dấu hiệu cho thấy bạn có khả năng bị huyết áp thấp, chẳng hạn như:

  • Hay bị xây xẩm khi ngồi xuống đứng lên.
  • Hay mệt mỏi, xanh xao, đầu óc lơ mơ, cảm thấy buồn ngủ dù đã ngủ đủ giấc.
  • Hay hồi hộp bất chợt hoặc tim đập nhanh bất chợt.
  • Tay chân thường lạnh (bất kể thời tiết, có khi trời nóng nhưng tay chân vẫn lạnh).
  • Giảm ham muốn sinh lý.

Cách cải thiện tình trạng huyết áp thấp

Để cải thiện tình trạng huyết áp thấp thì bạn cần dựa vào nguyên nhân, biểu hiện và tình trạng sức khỏe của bạn, chẳng hạn như:

  • Nếu bạn hay bị lạnh tay chân thì bạn nên mang thêm tất vớ, bao tay (chọn loại dày nhưng không quá chật).
  • Nếu bạn uống nước mát quá nhiều (nước mát thường gây hạ huyết áp) thì nên hạn chế, mỗi tuần chỉ nên uống 3 lần, mỗi lần 1 ly là được.
  • Nếu bạn hay ngất xỉu khi xúc động, khi thấy máu, khi hốt hoảng… thì nên hạn chế các tình huống ấy.
  • Nếu bạn bị huyết áp thấp do tác dụng phụ của các loại thuốc, hoặc do tương tác thuốc… thì bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để được đổi thuốc khác (hoặc các chỉ dẫn khác).
  • Nếu bạn bị tụt huyết áp do mất máu nhiều (do chấn thương bên ngoài, do nhổ răng hay xuất huyết bên trong…) thì bạn cần gặp bác sĩ để khắc phục tình trạng ấy.
  • Nếu bạn bị tụt huyết áp do mất nước (vì đang uống thuốc giảm cân, lợi tiểu) thì cần ngưng ngay.
  • Nếu bạn bị tiêu chảy khiến cho mất nước, tụt huyết áp thì cần điều trị tiêu chảy.
  • Nếu bạn bị các bệnh khác khiến cho huyết áp thấp (như bệnh về tim mạch, bệnh giãn tĩnh mạch ở chân, suy dinh dưỡng…) thì bạn cần điều trị các bệnh ấy.
  • Hạn chế uống rượu, hút thuốc và các chất kích thích khác.
  • Nếu bạn hay bị choáng khi đứng lên ngồi xuống thì cần cử động nhẹ nhàng vài cái rồi mới chậm rãi thay đổi tư thế (như đã nói ở phần trên).
  • Nếu hàng ngày bạn hay ăn lạt (nêm nếm lạt) thì bạn nên nêm đủ lượng muối cần thiết để món ăn đậm đà hơn (vì muối cũng giúp tăng huyết áp). Lưu ý: không nêm quá mặn vì sẽ gây tăng huyết áp đột ngột và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
  • Không nên xông hơi toàn thân hay tắm nước nóng ấm vì sẽ làm huyết áp giảm thêm.
  • Mỗi ngày nên chia thành 4 hoặc 5 bữa ăn nhỏ (không nên ăn quá no trong 1 bữa).
Nguồn tham khảo
  1. Bác sĩ tốt nhất là chính mình, tập 5, trang 130 – 133.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện