Thương truật và bài thuốc điều trị đau bao tử, hạ đường huyết

Vị thuốc cây thương truật
  • Tên khác: một vị thuốc bắc còn có tên gọi khác là mao truật, xích truật
  • Tên khoa học: Atractylodes lancea, thuộc họ Cúc: Asteraceae) (2)
  • Tính vị: vị đắng the, tính ấm.
  • Công dụng chính: Hạ đường huyết, giảm đầy bụng khó tiêu, đau bao tử

Truyền thuyết kể rằng vào cuối thời nhà Hán, binh loạn và nạn đói hoành hành làm nhiều người chết dần chết mòn vì đói khát. Lúc ấy, có một cô gái đã liều mạng trốn vào rừng sâu và đến mấy mươi năm sau mới tìm về làng cũ. Khi được hỏi, cô đã kể lại rằng trước đây, lúc lạc trong rừng, cô may mắn được một cụ già dạy cho cách sống trong hang, tìm nước uống và ăn thêm thương truật để tạm đỡ qua ngày. Nhờ thế mà cô vẫn khỏe mạnh, da dẻ mịn màng và không bị bệnh cho đến lúc quay về (1).

Truyền thuyết về thương truật là như vậy. Còn trên thực tế, mặc dù thương truật không phải là một vị thuốc thần kỳ và cứu đói nhưng nó vẫn có nhiều công dụng quý đối với sức khỏe, đặc biệt là với hệ tiêu hóa.

Hình ảnh cây thương truật
Hình ảnh cây thương truật

Vài nét về thương truật

Thương truật (tên khoa học là Atractylodes lancea, thuộc họ Cúc: Asteraceae) (2), còn được gọi là nam thương truật, xích truật, mao truật…

Thương truật là cây thuốc cổ truyền của Trung Quốc, hiện đã được trồng ở Việt Nam nhưng không đủ cung cấp làm dược liệu. Vì vậy, hiện nay, vị thuốc này đa phần vẫn được nhập từ Trung Quốc. Đây là cây thuốc lâu năm, cao khoảng 30 – 70 cm, có rễ củ và lá hầu như không có cuống. Sau khi thu hoạch, người ta cắt bỏ các rễ nhỏ rồi phơi hay sấy khô.

Những công dụng của thương truật

Thương truật có vị đắng the, tính ấm và có hương thơm. So với các vị thuốc khác, thương truật đa dạng hơn về cách dùng (có thể sắc lấy nước uống hoặc dùng dưới dạng tán bột từ 5 – 10 g). Bên cạnh đó, cũng có thể lấy thương truật xông khói, hun lên để làm sạch không khí, tiêu trừ khí độc và xua đuổi sâu bọ trong khu vực nhà ở, văn phòng (3) (4).

Trong y học cổ truyền, thương truật được biết đến với các công dụng chủ đạo như:

  • Hạ đường huyết và điều trị tiểu đường.
  • Giúp ăn ngon, bổ dạ dày và kích thích tiêu hóa.
  • Điều trị chứng tay chân như không có sức, giúp tinh thần phấn khởi.
  • Lợi tiểu, giúp ra mồ hôi và điều trị phù (dùng thuốc sắc).
  • Điều trị ho
  • Điều trị đau bao tử (dạ dày), viêm ruột (dùng dưới dạng thuốc hãm) (3) (4).
  • Thấp khớp và nhức đầu

Vị thuốc cây thương truật

Các bài thuốc có vị thương truật

Thương truật còn được dùng trong nhiều bài thuốc kết hợp để điều trị các bệnh thường gặp, trong đó có một số bệnh đáng chú ý như:

  • Viêm dạ dày, viêm ruột (cấp và mãn tính): Các bệnh về tiêu hóa gây cản trở không nhỏ đến nhu cầu ăn uống và sinh hoạt hàng ngày, nhất là ở những người lớn tuổi. Không chỉ thế, những trường hợp như đầy bụng, nôn mửa, tiêu chảy, khó tiêu… cũng gây nhiều bất tiện, làm giảm chất lượng cuộc sống.

Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu đơn thuốc có thành phần chủ đạo là thương truật – vị thuốc được đánh giá là có tác động tích cực đối với hệ tiêu hóa. Đơn thuốc gồm các vị sau: thương truật (160 g), cam thảo (40 g), vỏ quýt (80 g) và hậu phác (120 g). Đem các vị trên tán thành bột, trộn đều rồi dùng mỗi lần 9 g bột, ngày dùng 3 lần (lưu ý nên chiêu thuốc bằng nước gừng hay nước nóng) (3).

  • Điều trị viêm thoái hóa hoàng điểm (điểm vàng): Ngày nay, các bệnh về mắt càng ngày càng phổ biến, đặc biệt là bệnh thoái hóa điểm vàng. Bệnh này thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi với các biểu hiện như suy giảm thị lực, hình ảnh nhìn thấy bị méo mó và nếu không điều trị kịp thời sẽ có thể bị mất thị lực… (5).

Vì vậy, bên cạnh việc bảo vệ mắt tránh khỏi các tác nhân gây hại, người bệnh cũng cần bồi dưỡng mắt từ bên trong, giúp mắt khỏe hơn và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Trong trường hợp này, các bệnh nhân có thể tham khảo bài thuốc gồm: thương truật, cúc hoa (12 g), xác ve (8 g) và quyết minh tử (20 g). Tuy nhiên, cần lưu ý đơn thuốc này mỗi tuần chỉ dùng 5 ngày, mỗi ngày dùng 1 thang (4).

  • Điều trị viêm màng phổi (do lao, tràn dịch màn phổi): Bệnh viêm màng phổi gây đau ngực khi thở và gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng người bệnh. Vì vậy, cần điều trị căn bệnh này càng sớm càng tốt.

Ở đây, các bệnh nhân có thể tham khảo bài thuốc gồm các vị: thương truật (8 g), hoàng cầm, bo bo (mỗi vị 16 g), huyền sâm, mạch môn đông, bách bộ, chỉ xác, uất kim (mỗi vị 12 g), đại kích, nguyên hoa, cam toại (mỗi vị 4 g) và đại táo (10 quả). Cách dùng: các vị trên đem tán bột, uống mỗi ngày 10 g và kiên trì uống trong thời gian dài để thấy hiệu quả (4).

  • Điều trị tê bì, đau nhức cơ khớp: Các bệnh nhân mắc chứng tê bì chân tay, đau nhức cơ khớp thường gặp nhiều khó khăn trong vận động. Trong trường hợp này, có thể tham khảo bài thuốc gồm: thương truật, đảng sâm, hoàng kỳ (mỗi vị 12 g), bo bo (16 g), quế chi, ma hoàng, ô dược, độc hoạt, khương hoạt, phòng phong, ngưu tất, xuyên khung (mỗi vị 8 g), cam thảo (6 g), mỗi ngày dùng một thang (4).
  • Điều trị tiểu đường: Rễ khô thương truật 10g, sắc nước uống hàng ngày (3).

Các nghiên cứu về thương truật

Có thể thấy, nhiều công trình nghiên cứu về thương truật đều tập trung vào tác dụng tích cực của vị thuốc này đối với hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó, một số tác dụng khác của thương truật cũng đã được phát hiện như:

  • Chiết xuất từ rễ thương truật có tác dụng chống viêm trong ống nghiệm (theo tạp chí Planta Medica) (7).
  • Tinh dầu dễ bay hơi được chiết xuất từ rễ thương truật có tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm đáng kể (theo tạp chí Acta Botanica Boreali-Occidentalia Sinica) (8).

Lưu ý

  • Phân biệt: Thương truật còn được gọi là nam thương truật là để phân biệt với cây bắc thương truật (tên khoa học Atractylodes sinensis) thường mọc ở phía Bắc Trung Quốc (3).
  • Kiêng kị: Khi dùng thương truật, cần tránh ăn đào, mận, thịt chim sẻ, cải thìa và cá trắm đen (6).
  • Ngoài ra, các bệnh cũng nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ về đối tượng, liều lượng và tương tác thuốc trước khi dùng thương truật.
Nguồn tham khảo
  1. Huyền thoại thương truật, http://www.nguyenkynam.com/huyenthoaicaythuoc/htthuongtruat.htm, ngày truy cập: 06/09/2019.
  2. Thương truật, https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C6%B0%C6%A1ng_tru%E1%BA%ADt, ngày truy cập: 06/09/2019.
  3. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, 1999, trang 392.
  4. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 936.
  5. Thoái hóa hoàng điểm là bệnh gì, https://suckhoedoisong.vn/thoai-hoa-hoang-diem-la-benh-gi-n122991.html, ngày truy cập: 06/09/2019.
  6. 苍术, https://baike.baidu.com/item/苍术, ngày truy cập: 06/09/2019.
  7. Further Phenols and Polyacetylenes from the Rhizomes of Atractylodes lancea and their Anti-Inflammatory Activity, https://www.thieme-connect.com/products/ejournals/html/10.1055/s-2001-15817, ngày truy cập: 06/09/2019.
  8. Antimicrobial Activity of the Volatile Oil from Atractylodes lancea, http://en.cnki.com.cn/Article_en/CJFDTotal-DNYX200803032.htm, ngày truy cập: 06/09/2019.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện