Nói về thảo mộc thì lá, rễ và thân là những bộ phận thường dùng nhất. Tuy nhiên, cũng có một số loài mà bộ phận làm thuốc của nó là phần móc câu trên thân, đó là câu đằng.
Trên thực tế, ở nước ta, ngoài cây câu đằng thì còn có cây câu đằng Bắc, câu đằng bóng, câu đằng cành leo, câu đằng lá thon, câu đằng lá to, câu đằng lá xoan, câu đằng lông… (1).
Vài nét về cây câu đằng lông
Cây câu đằng lông có tên khoa học là Uncaria hirsuta, thuộc họ Cà phê.
Đặc điểm nhận dạng:
- Thân dây leo, cành non có hình bốn cạnh, lúc còn non thì có lông, lúc già thì không có lông.
- Lá mọc đối nhau, mặt trên nhám nhưng không có lông, mặt dưới có lông thô.
- Hoa mọc thành một cụm tròn ở nách lá, cuống hoa có lông, đài hoa phủ lông thô, bao hoa màu vàng nhạt (có khi màu hồng nhạt), mặt ngoài bao hoa có lông.
- Quả dài 10 – 12 mm, có lông thô thưa.
Ở nước ta, cây này ít phổ biến và chỉ mọc nhiều ở các tán rừng, hẻm núi tại Kon Tum (1).
Công dụng làm thuốc của cây câu đằng lông
Với cây câu đằng lông thì bộ phận dùng làm thuốc là phần thân dây có móc.
Được biết, nó có vị ngọt, hơi hàn và có các công dụng như:
- Thanh nhiệt bình can.
- Điều trị phong nhiệt nhức đầu.
- Điều trị sốt cao, co giật ở trẻ em.
- Điều trị trẻ nhỏ khóc đêm.
- Hạ huyết áp, điều trị cao huyết áp.
- Tức phong định thần.
- Điều trị nhức đầu do thần kinh.
- Điều trị chóng mặt, hoa mắt.
Cách dùng: mỗi ngày, lấy từ 10 – 15 g phần thân dây có móc, cắt nhỏ ra, nấu lấy nước uống (lưu ý nấu sôi và giữ sôi tầm 10 phút là được, không nên nấu lâu) (1).
Các bài thuốc kết hợp
Câu đằng lông còn được dùng trong nhiều bài thuốc kết hợp như:
1. Điều trị cao huyết áp
- Chuẩn bị: 15 g câu đằng lông (phần thân dây có móc), 10 g cúc hoa trắng, 10 g dâu tằm và 10 g hạ khô thảo.
- Cách dùng: nấu lấy nước uống trong ngày (1).
2. Điều trị cảm lạnh, nhức đầu
- Chuẩn bị: 15 g câu đằng lông (phần thân dây có móc), 15 g lô căn (sậy), 15 g lá dâu tằm, 15 g rễ cây mai diệp đông thanh (tức cang mai căn), 15 g hoa cúc trắng, 15 g cát căn (rễ củ cây sắn dây).
- Cách dùng: nấu lấy nước uống (1).
Các nghiên cứu về cây câu đằng lông
- Tác dụng bảo vệ thần kinh: Theo tạp chí Journal of Food and Drug Analysis, kết quả thí nghiệm trên chuột cho thấy chiết xuất etanol 95 % từ cây câu đằng lông có chứa các hoạt chất giúp bảo vệ thần kinh. Điều này cho thấy cây này có tiềm năng làm thuốc bảo vệ thần kinh trong tương lai (2).
- Hoạt tính chống ung thư: Theo tạp chí Fitoterapia, nhiều hợp chất được phân lập từ thân cây câu đằng lông có tác dụng ức chế nhẹ sự tăng sinh của tế bào ung thư vú MDA-MB-231 (3).
- Tác dụng gây ngủ: Kết quả nghiên cứu trên chuột cho thấy trong lá cây câu đằng lông có chứa một số hoạt chất có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, gây ngủ nhiều hơn (4).
Các kết quả nghiên cứu vừa nêu trên chỉ mới ở bước đầu, chưa đi sâu vào thực nghiệm lâm sàng trên cơ thể người. Vì vậy, trong tương lai, chúng ta cần nhiều hơn những công trình nghiên cứu để có thể tận dụng tối đa dược tính của loài cây này.