Y văn cổ nói gì về công dụng của long nhãn (long nhãn nhục)?

Trong dân gian, hầu như ai cũng biết ăn nhiều nhãn sẽ gây nóng trong người. Thế nhưng, sau khi phơi khô thì phần thịt của quả nhãn lại là vị thuốc bổ quý giá.

Trong Thần Nông bản thảo kinh, vị thuốc long nhãn (hay còn gọi là long nhãn nhục) được xếp vào hàng “Trung phẩm”. Ngoài công trình này, nhiều công trình y học nổi tiếng khác cũng đều ca ngợi công dụng của long nhãn.

Vậy, giá trị của long nhãn cụ thể như thế nào và khi dùng thì có lần lưu ý gì không?

Long nhãn từ góc nhìn y văn cổ

Thật vậy, không ít công trình y học nổi tiếng đều nhấn mạnh công dụng của long nhãn khi so sánh nó với quả vải và đại táo.

1. Sách Bản kinh cho rằng long nhãn là vị thuốc an trí, điều trị chán ăn.

2. Sách Bản thảo cương mục cho rằng long nhãn chống lại và tiêu diệt các ký sinh trùng (do máu hấp thụ từ ruột).

3. Sách Bản thảo cầu chân cho rằng long nhãn hơn đại táo ở chỗ vừa bổ khí vừa bổ huyết, ngoài ra còn giúp điều trị chứng hay quên, đại tiện ra máu và lo nghĩ quá độ thành bệnh lao.

4. Danh y Lý Thời Trân nói: “Trong thực phẩm, quả vải là đồ cao quý nhưng về mặt tăng cường thể chất và trí não thì long nhãn có tính ưu việt hơn“.

5. Sách Mậu Hy Ung cũng nhấn mạnh long nhãn là vị thuốc ăn ít mà no, giúp định trí, nhuận gan và mạnh thần hồn (1) (2).

Vị thuốc long nhãn
Vị thuốc long nhãn

Không chỉ thế, y học cổ truyền còn đánh giá long nhãn “là dược phẩm tốt trong tẩm bổ” vì nó có nhiều công dụng như:

  • Bổ Tâm, Tỳ.
  • Giúp mạnh não, an định tinh thần và nhẹ nhàng cơ thể.
  • Làm chậm lão hóa.
  • Hỗ trợ tiêu hóa.
  • Giúp thông đạt tinh thần và tăng cường trí tuệ.
  • Giúp dưỡng khí huyết, điều trị chứng hay quên do huyết hư.
  • Điều trị chứng kết khí xâm nhập vào ngũ tạng.
  • Kích thích thèm ăn, điều trị kém ăn và hồi hộp gây mất ngủ.
  • Điều trị kinh hãi, phiền muộn và lao tâm khiến cho suy nhược.
  • Tăng cường sức khỏe thể chất và kéo dài tuổi thọ (1).

Liều dùng thông thường: từ 10 – 15 g mỗi ngày (trong một số trường hợp, thầy thuốc có thể cho dùng đến 60 g hoặc giảm xuống còn từ 4 g – 12 g mỗi ngày).

Long nhãn nhục - vị thuốc có mặt trong nhiều món ăn ngon
Long nhãn nhục – vị thuốc có mặt trong nhiều món ăn ngon

Long nhãn – vị thuốc “Trung phẩm” và những lưu ý khi dùng

Thần Nông bản thảo kinh có 365 loại thuốc và được chia thành 3 nhóm:

  • Thượng phẩm – quân dược;
  • Trung phẩm – thần dược;
  • Hạ phẩm – tá sứ dược.

Trong đó, long nhãn được xếp vào nhóm “Trung phẩm” và theo nguyên tắc sắp xếp của công trình này thì “Trung phẩm” là những vị thuốc thiên về điều dưỡng tính tình, một số loại có thể có độc và cần kiêng kị về đối tượng sử dụng.

Nhìn chung, các ghi chép về long nhãn cho thấy vị thuốc này cũng có một số nhược điểm như:

  1. Vị rất ngọt (như mật) nên tác dụng mạnh lên Tỳ, vì vậy, nếu dùng nhiều thì sẽ làm tổn thương Tỳ.
  2. Có tính nhuận và dính nên những người thực thiếu đờm hỏa không được dùng. Bên cạnh đó, những người trung tiêu thấp trở (tà khí xâm nhập khiến cho chướng bụng, dạ dày bí hơi, đình trệ; trong người uể oải, nặng đầu…) cũng không nên dùng (1).
  3. Theo công trình Thuốc Bắc thường dùng thì những người bên ngoài có cảm, bên trong có uất hỏa không nên dùng.
  4. Những người nhuận tràng hoặc đang tiêu chảy không được dùng.
  5. Những người khí tắc hoặc tích nước đầy trướng cũng không nên dùng (2).

Cách ngâm rượu long nhãn

Đây là loại rượu thơm ngon, dễ uống, giúp bồi bổ tỳ vị và làm mạnh tinh thần.

Cách ngâm rượu như sau: lấy long nhãn (cùi thịt quả phơi khô), ngâm vừa ngập với rượu thượng hạng trong 3 tháng 10 ngày thì có thể dùng (dùng với liều vừa phải theo chỉ định của thầy thuốc) (1).

Quả và hạt nhãn
Quả và hạt nhãn

Tác dụng của hạt nhãn

Bên cạnh cùi thịt thì hạt nhãn cũng được dùng làm thuốc. Có thể kể ra một số bài thuốc như:

  • Điều trị hôi nách: lấy 6 hạt nhãn và 14 hạt tiêu đen, tất cả xay nát ra rồi trộn lại và thoa lên nách (có thể cho thêm chút nước vào để hỗn hợp sệt sệt dễ thoa) (1).
  • Điều trị lở ngứa kẽ ngón chân và giúp cầm máu khi bị đứt tay: lấy hạt nhãn, gọt bỏ lớp vỏ đen bên ngoài rồi lấy phần trắng bên trong xắt mỏng, phơi khô, sau đó xay nát và rắc lên da (2).

Nguồn tham khảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện