Vỏ cây rùm nao điều trị tiêu chảy, động kinh và những lưu ý khi dùng

Cây rùm nao

Trong kho tàng cây thuốc Việt Nam có nhiều loại cây vừa nghe tên đã thấy rùng mình: râu hùm, lưỡi hổ, râu rồng, răng cá, lưỡi rắn, sói rừng… và cả tầm sét nữa!

Còn cây rùm nao, không biết bạn đã nghe qua chưa? Cái tên thật lạ và gợi tưởng về một sự nê địa, một âm thanh rùng rợn phải không nào!

Vậy, cây rùm nao là cây gì và trong y học cổ truyền, nó đã được dùng với những công dụng gì?

Cây rùm nao là cây gì?

Ở nước ta, cây rùm nao phân bố rộng rãi từ Bắc vào Nam (đến Kiên Giang) và còn được gọi bằng nhiều cái tên khác như mọt, cánh kiến… Cây có tên khoa học là Mallotus philippinensis, thuộc họ Thầu dầu (1).

Vỏ cây rùm nao
Cây rùm nao

Cái tên thì hùng hồn như vậy nhưng kích cỡ cây này thì chỉ vừa phải, thường cao không quá 10 m và thuộc dạng thân gỗ nhỡ. Cách nhánh non của cây có lông màu hung hung như gỉ sắt, lá mọc so le và có nhiều lông ở mặt dưới.

Hoa cái của cây rùm nao có nhiều lông mềm màu đỏ tươi và quả của cây cũng có màu đỏ, khi quả chín sẽ tự động nứt làm ba mảnh (1).

Công dụng làm thuốc của cây rùm nao

Theo y học cổ truyền, rễ, vỏ cây và cả lớp lông bao phủ bên ngoài vỏ quả đều có thể dùng làm thuốc với nhiều công dụng khác nhau.

1. Rễ cây rùm nao

Rễ cây rùm nao có vị hơi đắng chát và có tính mát. Vì vậy, nó thường được dùng làm thuốc thanh nhiệt, điều trị cổ họng sưng đau, ngoài ra còn giúp lợi thấp và điều trị lỵ cấp tính (1).

2. Vỏ cây rùm nao

Vỏ cây rùm nao có tác dụng thu liễm, giúp cầm máu, ngưng tiêu chảy và điều trị động kinh. Cách dùng cụ thể như sau:

  • Nếu điều trị tiêu chảy thì lấy 6 – 12 g vỏ cây (phần vỏ thân), đem xắt nhỏ, sao vàng lên rồi nấu lấy nước uống.
  • Nếu điều trị động kinh thì lấy 10 g vỏ cây (vỏ thân) và 5 g rễ cây găng trâu, tất cả xắt nhỏ rồi nấu lấy nước uống trong ngày (uống hết trong một lần) (1).
Quả rùm nao
Quả rùm nao

3. Bột rùm nao

Để có được bột này, người thu hái phải đợi mùa quả chín, hái quả về rồi cho tất cả vào một cái rây, sau đó chà nhẹ, xoa xoa để lấy lớp lông rụng (màu đỏ). Lớp lông mịn này chính là bột rùm nao, có vị nhạt, có độc nhưng cũng có thể dùng làm thuốc thông tả, tẩy giun sán, điều trị giang mai và phù thũng (hoặc dùng ngoài da để điều trị ghẻ ngứa, mụn nhọt) theo chỉ định của thầy thuốc.

Bột rùm nao
Bột rùm nao

Theo kinh nghiệm dân gian, để tẩy sán và tẩy giun mỏ, có thể dùng 2 – 6 g bột rùm nao, đem trộn với một tí bột gạo rang, sau đó hòa với nước và chia thanh hai lần uống trong ngày (cách nhau nửa tiếng). Nếu cho trẻ nhỏ dùng thì ta phải giảm liều lượng xuống.

Lưu ý khi dùng:

Cần lưu ý bột này có hoạt tính chống lại sự thụ thai (do có chứa rottlerin). Vì vậy, những người dự định sẽ mang thai thì không nên uống thuốc này.

Bên cạnh đó, trước khi dùng thuốc, các bệnh nhân cũng cần hỏi thêm ý kiến thầy thuốc vì nếu dùng quá liều, bạn sẽ bị ngộ độc với các triệu chứng như: viêm ruột, tiêu chảy nặng, chức năng vận động bị tê liệt…

Cách sơ cứu: Nếu chẳng may bị ngộ độc, bạn có thể sơ cứu bằng cách uống lòng trắng trứng cho nôn chất độc ra (để rửa dạ dày), hoặc uống than hoạt tính, hoặc tiêm truyền huyết thanh… sau đó đưa đến trạm y tế gần nhất để theo dõi thêm (1).

Một số nghiên cứu về cây rùm nao

  • Hoạt tính chống viêm, giảm đau và thôi miên: Theo tạp chí Journal Intercultural Ethnopharmacol, kết quả thí nghiệm trên chuột cho thấy chiết xuất 50 % ethanol từ lông vỏ quả rùm nao có tác dụng giảm viêm cấp tính và bán cấp tính, đồng thời cũng giúp giảm đau và thôi miên (2).
  • Hoạt tính làm lành vết thương: Theo tạp chí Phytomedicine, kết quả nghiên cứu trong ống nghiệm và trên mô hình chuột tiểu đường đều cho thấy chiết xuất ethanol từ vỏ cây rùm nao có tác dụng giúp vết thương mau lành (3).
  • Hoạt tính tẩy giun: Trên thế giới, tác dụng tẩy giun của bột lông vỏ quả rùm nao được nghiên cứu khá nhiều. Chẳng hạn, tạp chí Journal of Chemical and Pharmaceutical Research cũng có bài nghiên cứu về tác dụng chống lại các ký sinh trùng của chiết xuất etanol từ lá hương nhu tía và bột lông vỏ quả rùm nao (4).
Nguồn tham khảo
  1. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 2, NXB Y học, HN, 2018, trang 622.
  2. Pharmacological evaluation of Mallotus philippinensis (Lam.) Muell.-Arg. fruit hair extract for anti-inflammatory, analgesic and hypnotic activity, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4805142/, ngày truy cập: 03/ 04/ 2021.
  3. Mallotus philippinensis bark extracts promote preferential migration of mesenchymal stem cells and improve wound healing in mice, https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0944711313003607, ngày truy cập: 03/ 04/ 2021.
  4. Ocimum sanctum and Mallotus philippinensis as potential candidate for anthelmintic preparation, https://www.cabdirect.org/cabdirect/abstract/20163312070, ngày truy cập: 03/ 04/ 2021.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện