Ai cũng biết ăn trái cây chín tự nhiên sẽ tốt cho sức khỏe. Và trái cây đúng mùa, tất nhiên cũng sẽ tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, ít ai nói đến tác hại của việc ăn trái cây chưa chín hẳn và những trái cây không được chín tự nhiên.
Nếu bạn có đọc qua quyển “Nghịch lý rau củ quả – Sự trả thù của thực vật“, ắt hẳn bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng: thực vật cũng có sức mạnh riêng của nó để chống lại chúng ta – vì với thực vật, chúng ta là những đối thủ sẽ ăn chúng hoặc con của chúng.
Vì sao nên ăn trái cây chín tự nhiên?
Theo bác sĩ Steven R. Gundry và Olivia Bell Buehl thì cây cối cũng có cơ chế tự vệ của nó. Với chúng ta, cây cối là bạn vì nó nuôi sống chúng ta. Tuy nhiên, với cây cối thì chúng ta lại là “kẻ thù”, là “mối nguy hiểm”. Cây cối cũng có bản năng sinh tồn. Chúng cũng muốn duy trì nòi giống.
Vì vậy, hàng ngàn năm qua, cây cối đã hình thành nhiều cơ chế tự vệ khác nhau. Có loài dùng lớp vỏ gai để bao bọc “con của nó” (hạt giống), ví dụ như mít, sầu riêng, ké đầu ngựa… Có loài mọc gai để tự bảo vệ mình (như cây táo, cây tre gai, cây atiso…).
Và với những loài có quả mọng, không có lớp vỏ cứng bao bọc… thì chúng sẽ duy trì nòi giống, bảo vệ chúng và “con của chúng” (hạt giống) bằng cách sinh ra chất độc, khiến cho động vật và con người ăn phải sẽ thấy khó chịu, đau bụng, tiêu chảy hoặc ngộ độc.
Có những loài cây, chỉ cần ăn phải là chết ngay (ví dụ như lá ngón).
Có những loài cây ít độc hơn, ví dụ như cây cà chua, nếu bạn ăn lúc trái của nó lúc còn xanh thì mới ngộ độc, lúc trái chín thì lại an toàn. Hay như trái xoài xanh, nếu bạn ăn sống thì sẽ dễ bị tiêu chảy.
Bạn phải đợi nó chín cây, khi đó, cây mẹ biết rằng hạt giống của nó đã phát triển hoàn chỉnh và sẽ giảm lượng độc tố xuống, đồng thời phát ra tín hiệu “trái cây đã chín, bạn có thể ăn được” bằng cách đổi màu.

Trái cây sẽ chuyển thành màu cam, đỏ hoặc vàng… vì đây là những màu kích thích sự thèm ăn. Khi động vật hoặc con người ăn trái cà chua chín và thải hạt qua phân, hạt giống sẽ có nhiều cơ hội sống sót hơn. Hiển nhiên, cây cối bất lợi hơn chúng ta ở chỗ: chúng ta không chỉ ăn sống mà còn biết chế biến thức ăn, bởi vì có những loại quả cần nấu lên mới ngon, mới an toàn.
Hiển nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Ví dụ như trái si rô (không phải sơ ri).

Khi chưa chín, trái si rô sẽ có màu đỏ hồng và nếu bạn ăn vào thì sẽ bị tiêu chảy, ngộ độc. Lúc chín thực sự, chúng sẽ có màu đen. Vì vậy, màu sắc chỉ hỗ trợ chúng ta một phần trong việc nhận dạng trái cây chín. Muốn nhận dạng đúng, con người chỉ có thể dựa vào kinh nghiệm của nhân loại (vì có vô vàn loài cây đa dạng trên thế giới này).
Vì sao nên ăn trái cây đúng mùa?
Ngày nay, nhiều người không còn biết mùa nào sẽ có quả nào, vì trái cây hầu như có mặt quanh năm. Người ta thúc cây ra trái nghịch vụ hoặc nhập khẩu từ các vùng khác, các nước khác (chưa kể việc dùng thuốc bảo vệ thực vật chống sâu bệnh, chất bảo quản…).
Vì vậy, khi bạn mua các loại trái cây nhập khẩu hoặc cần vận chuyển đường xa thì rất có thể, chúng đã được hái từ khi chưa chín hẳn. Hiển nhiên, có một số loại trái cây ăn sống sẽ ngon hơn, ví dụ như xoài, ổi… Tuy nhiên, nếu ăn trong thời gian dài, cơ thể bạn sẽ gặp vấn đề!
Mặt khác, trái cây chín lại chứa nhiều đường hơn và dễ gây tăng cân hơn (vì đường fructose có trong trái cây không phát ra tín hiệu “báo no” đến não, nên đôi khi, bạn ăn trái cây hoài mà chẳng thấy no là vậy!).
Vì vậy, trái cây tốt cho sức khỏe nhưng ăn nhiều quá cũng không tốt. Nói như bác sĩ Steven R. Gundry và Olivia Bell Buehl thì:
“Một lượng nhỏ rau củ quả sẽ tốt cho sức khỏe nhưng số lượng lớn lại là không tốt” (1) (2).