Các loài thực vật, từ dạng thấp như tảo, rêu cho đến dạng cao như thực vật hạt trần, hạt kín… đều có những đại diện riêng trong y học cổ truyền. Không chỉ thế, vi khuẩn, nấm và cả địa y (một dạng kết hợp giữa tảo và nấm)… cũng có nhiều loài có thể dùng điều trị bệnh.
Nếu để ý, bạn sẽ thấy các mảng địa y màu xanh xám trên các tảng đá, vỏ cây, lốp xe cũ… Thế nhưng, có một dạng địa y khác đặc biệt hơn, sống bám trên các cành cây gỗ to trong rừng và thả lỏng xuống lòng thòng như một chùm râu rễ, bạn có biết đó là gì không?
Vâng, đó là tùng la (hay còn gọi là râu cây).
Vị thuốc tùng la (râu cây)
Tùng la 松萝 (râu cây) có tên khoa học là Usnea diffracta, thuộc họ Tùng la (1).
Ở nước ta, loài này được tìm thấy ở Lâm Đồng, Hà Nội và Lào Cai. Ở Trung Quốc, tùng la có rất nhiều tại Cam Túc, Thiểm Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến,…

Công dụng làm thuốc của tùng la
Trong tùng la có chứa acid barbatic và axid diffracteic và được biết đến như một vị thuốc có hình dáng đặc biệt, có vị đắng ngọt và tính bình.
Ở các nước phương Đông, vị thuốc này thường được dùng với các công dụng như:
Cách dùng: nấu lấy nước uống từ 4 – 20 g mỗi ngày.
Lưu ý: không được kết hợp cùng củ gừng vì hai vị này kỵ nhau (1).

Các bài thuốc kết hợp
Bên cạnh cách dùng riêng, tùng la còn được kết hợp cùng nhiều vị thuốc khác trong điều trị các chứng như:
1. Điều trị giác mạc có màng mộng và viêm kết mạc
- Chuẩn bị: 20 g tùng la (râu cây), 8 g hải kim sa và 12 g cỏ hươu (lộc hàm thảo).
- Thực hiện: tất cả cắt nhỏ, nấu lấy nước uống trong ngày (1).
2. Điều trị bạch đới
- Chuẩn bị: 12 g tùng la (râu cây), 16 g hoàng kỳ, 16 g đương quy, 20 g bạch thược, 20 g thăng ma, 8 g kim ty đới, 20 g tam bạch thảo và 20 g bát nguyệt qua.
- Thực hiện: nấu lấy nước uống (nấu sôi cho nước rút còn bảy phân thì chia thành hai lần uống trong ngày) (1).

Các nghiên cứu về tùng la (râu cây)
- Tác dụng chống viêm và cầm máu: Kết quả nghiên cứu trên chuột thí nghiệm (tại Trung Quốc) cho thấy dược liệu tùng la – một vị thuốc cổ truyền của người phương Đông có tác dụng chống viêm rõ rệt, ngoài ra còn giúp cầm máu (2).
- Tác dụng giảm đau và hạ sốt: Kết quả nghiên cứu cho thấy diffractaic acid và usnic acid là hai hoạt chất có tác dụng giảm đau, hạ sốt chủ yếu của vị thuốc tùng la (3).
- Tác dụng giảm mỡ xấu: Theo tạp chí Biomedicine & Pharmacotherapy, kết quả nghiên cứu trên chuột thí nghiệm bị xơ vữa động mạch cho thấy chiết xuất etanol từ tùng la có thể làm giảm đáng kể lượng mỡ xấu và làm tăng đáng kể lượng mỡ tốt (trong huyết thanh và gan) (4).
Mặc dù các nghiên cứu trên chỉ dừng lại ở thực nghiệm trên cơ thể động vật nhưng nó cũng cho thấy tiềm năng làm thuốc của vị thuốc này. Mặt khác, nó cũng giúp bổ sung thêm bằng chứng cho việc y học cổ truyền đã dùng tùng la như với tác dụng cầm máu, giảm viêm.
Phân biệt
Vị thuốc tùng la được đề cập trong bài viết này là một loại địa y, khác với vị thuốc tùng lan (cây tùng lan, hay còn gọi là vân đa đồng màu, có tên khoa học là Vanda concoloer). Vì vậy, khi dùng cần chú ý tên gọi để tránh nghe nhầm, dùng nhầm (1).
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 2, NXB Y học, HN, 2018, trang 1110.
- Experimental study on anti-inflammation action and hemostasis of Usnea Diffracta Compound, https://en.cnki.com.cn/Article_en/CJFDTotal-GSZX200902008.htm, ngày truy cập: 05/ 04/ 2021.
- Usnic Acid and Diffractaic Acid as Analgesic and Antipyretic Components of Usnea diffracta, https://www.researchgate.net/profile/Yoshikazu-Yamamoto, ngày truy cập: 05/ 04/ 2021.
- U. diffracta extract mitigates high fat diet and VD3-induced atherosclerosis and biochemical changes in the serum liver and aorta of rats, https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0753332219318463, ngày truy cập: 05/ 04/ 2021.