Từ trường khanh là vị thuốc gì, công dụng và cách dùng thế nào?

Hoa và lá từ trường khanh

Vào thời cổ đại, người ta gọi bệnh thần kinh (tà điên) là bệnh động kinh, với các biểu hiện như: hoặc lặng thinh không nói, hoặc ca hát lảm nhảm, hoặc cười nói ngâm vịnh, khóc lóc vật vạ, lang thang ngoài đường, hoặc thấy ma quỷ, hoặc trần truồng, ăn đồ dơ bẩn, múa may chửi mắng…

Để điều trị bệnh ấy, các thầy thuốc thời xưa thường kết hợp cả thuốc uống và châm cứu. Trong số những vị thuốc có tác dụng đáng kể điều trị tà điên thì có thể kể đến từ trường khanh (1).

Sở dĩ, vị thuốc này có tên “từ trường khanh” là vì xưa kia, có một vị quan thần tên là Từ Trường Khanh. Vị quan này vốn có kiến thức y học nên khi nghe tin nhà vua bị bệnh, ông đã dùng cây thuốc này để điều trị. Khi vua khỏi bệnh, cây thuốc cũng được ban cho cái tên của người dùng nó (2).

Vài nét về từ trường khanh

Từ trường khanh (徐长卿) là vị thuốc cổ truyền nổi tiếng của Trung Quốc, có tên khoa học là Cynanchum paniculatum (Bunge) Kitagawa, thuộc họ La bố ma (3).

Ngoài tên gọi này, cây còn được gọi bằng nhiều tên khác như: trúc diệp tế tân, thạch hạ trường khanh, liêu điêu trúc, biệt tiên tông…

Nhìn chung, vị thuốc này còn được gọi là trúc diệp tế tân nhưng hình dáng của cây khác hơn nhiều so với các loại tế tân (tế tân cũng là vị thuốc cổ truyền quen thuộc trong y học cổ truyền).

Hoa và lá từ trường khanh
Hoa và lá cây thuốc này

Lá của cây hình dải dài; đặc biệt, cành và rễ của cây có hình trụ, có đốt và có lông mao (đây cũng là hai bộ phận được dùng làm thuốc, trong đó, rễ cây là phổ biến hơn cả).

Ở Trung Quốc, cây này thường mọc tại các tỉnh Hắc Long Giang, Sơn Đông, Cát Lâm, Giang Tô, Chiết Giang, Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc, Quý Châu, Vân Nam… và được đánh giá là cây thuốc có giá trị (1) (2).

Công dụng làm thuốc của từ trường khanh

Theo y học cổ truyền, từ trường khanh có vị cay, tính ôn nên có tác dụng tiêu đờm, khử phong, điều trị tà điên, thần trí loạn và tâm thần phân liệt (theo Thần nông bản thảo kinh thì bệnh tà điên là do đờm trọc quá nhiều gây ra). Tuy nhiên, những người cơ thể suy nhược, đang bị bệnh thì không được dùng.
Từ trường khanh
Vị thuốc dạng khô
Trong các bài thuốc có dùng từ trường khanh, ta có thể kể đến hai bài thuốc phổ biến sau:

1. Điều trị tiểu tiện khó

  • Chuẩn bị: từ trường khanh (15,6 g; đem nướng qua), bông cù mạch (15,6 g), đông quỳ tử (31 g), mao căn (0,9 g), mộc thông (31 g), cau (0,3 g) và bột hoạt thạch (62 g).
  • Thực hiện: lấy các vị trên trộn đều rồi nấu lấy nước, sau đó cho thêm 3 g phác tiêu (tán bột), hòa đều rồi chia ra, mỗi lần uống 15 g nước thuốc và uống lúc còn ấm (1).

2. Điều trị say tàu xe

  • Chuẩn bị: từ trường khanh, xa tiền tử, đan thảo (tức thạch trường sinh) và uất lý căn (tức xa hạ lý căn), liều lượng bằng nhau.
  • Thực hiện: lấy các vị trên nghiền nát rồi lấy ra một ít, cho vào túi vải và mang theo trong người như một túi hương khi đi xe tàu xe (1).

Nghiên cứu về từ trường khanh

Theo tạp chí International Journal of Immunopathology and Pharmacology, chiết xuất ethanol từ vị thuốc từ trường khanh có thể điều trị được bệnh viêm não do virus Herpes Simplex (HSV) gây ra (giúp cải thiện khả năng sống sót của chuột thí nghiệm) (4).

Nguồn tham khảo
1. Đào Ẩn Tích, Thần nông bản thảo kinh, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2012, trang 141.
2. 徐长卿, https://baike.baidu.com/item/%E5%BE%90%E9%95%BF%E5%8D%BF/1162231, ngày truy cập: 13/ 02/ 2021.
3. Cynanchum paniculatum (Bunge) Kitagawahttps://vi.wikipedia.org/wiki/Cynanchum_paniculatum, ngày truy cập: 13/ 02/ 2021.
4. Protective Activity of the Ethanol Extract of Cynanchum Paniculatum (Bunge) Kitagawa on Treating Herpes Simplex Encephalitis, https://journals.sagepub.com/doi/abs/10.1177/039463201202500128, ngày truy cập: 13/ 02/ 2021.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện