Tử thảo, thảo dược mát huyết giúp lợi đại tiện, kháng ung nhọt

Vị thuốc tử thảo

Ngày nay, vì chế độ ăn uống thiếu hợp lý mà nhiều người hay bị máu nóng khiến cho da bị mẩn ngứa, ung nhọt… Vậy, bạn có biết loại thuốc cổ truyền nào được gọi là “thánh dược mát huyết” không?

Vâng, đó chính là tử thảo (紫草), hay còn gọi là nganh tử thảo, tử đan…, Cây có tên khoa học là Lithospermum erythrorhizon Sieb. et Zucc (1).

Vậy, tử thảo là bộ phận nào của cây và có những công dụng nào đáng chú ý?

Về cây tử thảo

Tử thảo là vị thuốc khá quen thuộc trong nhiều toa thuốc Đông y và tên gọi này xuất phát từ màu dược liệu của nó (rễ) là màu tía.

Cây tử thảo
Cây tử thảo

Cây tử thảo thuộc loại thân thảo, chỉ cao dưới 1,2 m và hay mọc nhiều ở các hang núi, đồi bãi (cây được trồng nhiều ở Trung Quốc, tại các tỉnh Quảng Tây, Sơn Đông, Quý Châu, Vân Nam…) (1).

Tử thảo
Hoa cây tử thảo

Điểm nhận dạng cây tử thảo là thân cây có nhiều lông, hoa màu trắng, lá so le, mép lá nguyên và phiến lá thô nhám.

Với cây này, lá và rễ đều có thể dùng làm thuốc nhưng rễ cây được dùng phổ biến hơn. Vào mùa xuân, khi cây mọc các chồi non, người ta nhổ rễ lên rồi đem phơi khô (không rửa rễ vì các hoạt chất dễ bị hao hụt và nếu không thu hoạch vào mùa xuân thì có thể thu hoạch vào mùa thu, sau khi cây ra quả) (1) (2).

Tử thảo
Vị thuốc ở dạng khô

Công dụng chủ đạo của tử thảo

Nói đến tử thảo là nói đến loại thảo dược với nhiều công dụng như:

  • Là “thánh dược mát huyết” (theo sách của Mậu Hy Ung) (2).
  • Là vị thuốc “lợi đại tràng” (theo Bản thảo cương mục của danh y Lý Thời Trân).
  • Là dược thảo kháng ung nhọt, kháng khuẩn.
  • Là thuốc lợi tiểu, làm thông bàng quang.
  • Giúp giải trừ phiền muộn trong lòng (do tà khí và nhiệt độc gây nên).
  • Điều trị bí đại tiện do nhiệt độc quá thịnh.
  • Giúp cửu khiếu lưu thông và tăng cường khí lực cho lục phủ ngũ tạng.
  • Là dược thảo điều trị máu nóng gây bế tắc (khiến chất độc không ra được, làm cho đau bụng, thủy thũng không tiêu giảm, đại tiện không thông, sang đậu…) (theo sách của Hoàng Cung Tú) (1) (2) (3).

Liều dùng: mỗi ngày, lấy từ 4 – 12 g rễ tử thảo, nấu lấy nước uống (1) (2).

Ngoài ra, trong từng trường hợp cụ thể, liều dùng có thể xê dịch như sau:

  • Để điều trị ung thư nang lông, viêm da: lấy 30 g rễ cây nấu lấy nước rồi uống một phần, phần còn lại dùng bôi rửa ngoài da.
  • Để điều trị và phòng ngừa đậu mùa, mẩn ngứa, sởi: lấy 8 – 12 g rễ (rễ khô), sắc lấy nước uống (1) (2) (3).

Lưu ý khi dùng tử thảo

  • Tử thảo có vị mặn đắng và giúp thanh nhiệt tiêu độc rất tốt nhưng vì có tính hàn nên những người thuộc thể tạng hàn, tỳ yếu, vị hàn, đang bị tiêu chảy hoặc đi đại tiện nhiều thì không nên dùng (vì thuốc này vốn dĩ thúc cho đại tiện lưu thông).
  • Những người muốn có thai cũng không nên dùng vì theo các nghiên cứu thì vị thuốc này có tác dụng ngừa thai (1) (2) (3).

Các bài thuốc kết hợp

1. Điều trị chứng trẻ nhỏ không mọc tóc

  • Chuẩn bị: rễ tử thảo (lượng vừa đủ).
  • Thực hiện: cho thuốc vào nồi, nấu lấy nước rồi thoa lên tóc và da đầu thì tóc sẽ mọc ra (1).

2. Giúp giải độc do trùng độc cắn

  • Chuẩn bị: rễ khô (lượng vừa đủ để dùng ngoài da).
  • Thực hiện: xay nát thuốc rồi trộn với dầu mè và bôi lên vết cắn (1).

3. Điều trị ôn nhiệt, phát ban và sốt cao

  • Chuẩn bị: rễ khô (từ 8 đến 20 g), thiên hoa phấn (10 g), huyền sâm (10 g) và mạch môn (10 g).
  • Thực hiện: nấu lấy nước uống mỗi ngày một thang (2).

4. Điều trị vảy nến

  • Chuẩn bị: rễ tử thảo (12 g), ké đầu ngựa (20 g), thổ phục linh (40 g), Bắc cam thảo chích (4 g), hoa hòe (sống, 40 g), sinh địa hoàng (40 g), thăng ma (12 g) và thạch cao (40 g).
  • Thực hiện: nấu lấy nước uống trong ngày (mỗi ngày 1 thang) (2).

5. Điều trị đậu mùa

  • Chuẩn bị: rễ tử thảo (3 g), vỏ quýt chín phơi khô (1,5 g) và thông bạch (10 g).
  • Thực hiện: nấu lấy nước uống mỗi ngày (2).
Nguồn tham khảo
  1. Nguyễn Văn Quý – Nguyễn Phương, Thuốc Bắc thường dùng, NXB Y học, 2002, trang 93.
  2. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 1034.
  3. Đào Ẩn Tích, Thần nông bản thảo kinh, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2012, trang 280.
  4. 紫草https://baike.baidu.com/item/%E7%B4%AB%E8%8D%89/770592, ngày truy cập: 28/ 11/ 2020.

HỎI ĐÁP CÙNG CHUYÊN GIA

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện