Từ bánh gai đến rễ củ cây gai làm thuốc

Bạn biết bánh gai không? Cái bánh dẹp dẹp, vuông vuông được gói bằng lá chuối khô, mở ra thì đen nhẻm ấy!

Ở quê mình, bánh gai gắn liền với hình ảnh những người phụ nữ Bắc Bộ vào Nam sinh sống, mang theo cả nghề làm bánh và buôn bán hàng chục năm.

Một chiếc xe đạp, hai cái giỏ xách treo hai bên và cái thúng ở yên sau là có thể chứa được vài trăm bánh (có loại nhân đậu và dừa, có loại nhân thịt mà loại nào cũng rất thơm ngon).

Được biết, bánh gai là loại bánh cổ truyền bắc nguồn từ Đồng Bằng Bắc Bộ. Vào đến miền Trung, nó còn được biến tấu theo hình dáng bánh ít và được gọi là bánh ít lá gai.

Bánh ít lá gai
Bánh ít lá gai

Và bạn biết rồi đấy, cái màu đen nhẻm với cái mùi hương đặc trưng của nó chính là từ lá gai!

Ăn bánh gai có mập không?

Câu trả lời là có, bạn nhé! Đó là vì một cái bánh gai cung cấp khoảng 300 kcal (hơn mức năng lượng mà 1 gói mì cung cấp). Tuy nhiên, để ăn no thì chúng ta thường ăn 2, 3 cái. Do đó, lượng calo mà cơ thể nhận được ăn bánh này sẽ khá cao. Vì vậy, nếu bạn đang muốn giảm cân thì không nên ăn thường xuyên nhé! (1).

Đôi nét về cây gai

Cây gai làm bánh (hay còn gọi là gai tuyết, trữ ma 苎麻), có tên khoa học là Boehmeria nivea, thuộc họ Gai (2).

Lá gai làm bánh
Lá gai làm bánh
Cây lá gai làm bánh
Cây gai làm bánh

Cây này cao không quá 2 m nhưng gốc hóa gỗ, rễ dạng củ, cành có lông, lá mọc so le (mép lá có dạng răng cưa, mặt trên có màu xanh, mặt dưới có màu trắng bạc, phủ lông mềm mịn).

Ở các tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ, người dân thường trồng cây gai để lấy lá làm bánh gai, lấy rễ củ làm thuốc và lấy sợi đan (3).

Công dụng làm thuốc của rễ củ cây gai

Rễ củ cây gai được gọi là trữ ma căn, có thể thu nhổ quanh năm nhưng tốt nhất là vào mùa thu. Sau khi nhổ lấy, người ta rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ nhỏ rồi thái mỏng, phơi khô (cũng có thể dùng tươi).

Rễ củ cây gai (thái lát, phơi khô)
Rễ củ cây gai (thái lát, phơi khô)

Theo y học cổ truyền, rễ cây gai có vị ngọt, tính hàn và có các công dụng như:

  • Thanh nhiệt, lợi tiểu.
  • Giải độc, tiêu viêm.
  • Kích thích sự bài tiết mật.
  • Điều trị cảm cúm, sốt.
  • Điều trị sởi khiến phát sốt.
  • Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Điều trị viêm thận phù thũng.
  • Điều trị ho ra máu, tiểu tiện ra máu và trĩ ra máu.
  • Cầm máu, an thai, dùng trong trường hợp rong kinh, động thai (nguy cơ sảy thai).

Cách dùng: lấy 10 – 30 g rễ cây, sắc lấy nước uống (nếu bị rong kinh, động thai nguy cơ sảy thai thì dùng 30 g, nấu uống mỗi ngày 1 lần và liên tục vài ngày).

Dùng ngoài da: Rễ cây gai cũng được dùng ngoài da khi bị ngã tổn thương, tụ máu bầm bên ngoài hoặc khi bị sâu bọ cắn đốt (lấy củ tươi và lá tươi rửa sạch, giã nát rồi đắp lên) (3).

Các bài thuốc kết hợp

1. Điều trị phù thũng khi có thai, ho ra máu và tiểu ra máu

  • Chuẩn bị: 30 g rễ củ cây gai và 30 g rễ tranh.
  • Thực hiện: nấu lấy nước uống (3).

2. Điều trị lậu, tiểu dắt và tiểu buốt

  • Chuẩn bị: 30 g rễ củ cây gai, 30 g bông mã đề và 3 nhánh hành.
  • Thực hiện: nấu lấy nước uống (3).

Các nghiên cứu về cây gai

  • Hoạt tính chống nấm: Theo tạp chí Natural Product Research, 3 axit béo chưa bão hòa có trong rễ cây gai có hoạt tính kháng nấm rõ rệt (4).
  • Hoạt tính chống virus viêm gan B: Theo tạp chí World Journal of Gastroenterology, chiết xuất từ rễ củ cây gai có thể ức chế sự phát triển của virus viêm gan B một cách hiệu quả (5).

Nguồn tham khảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện