Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì là câu hỏi của nhiều bà mẹ trẻ hiện nay. Bạn biết đấy, các vấn đề về hệ tiêu hóa là các vấn đề phổ biến ở trẻ vì trẻ nhỏ hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện và mẫn cảm với các thành phần có trong thức ăn, nước uống.
Trong đó, tình trạng tiêu chảy có lẽ là một trong những tình trạng khiến các bậc phụ huynh lần đầu chăm con lo lắng nhất bởi vì tình trạng này sẽ khiến trẻ mất sức rất nhanh, có thể dẫn đến mệt mỏi, tuột cân nếu không ngăn chặn kịp thời.
Với những phụ huynh có thể sắp xếp được thời gian tự nấu thức ăn dặm cho bé thì ngoài đảm bảo vệ sinh, mẹ còn có thể cân nhắc lựa chọn các loại thực phẩm an toàn, giúp hệ tiêu hóa của bé khỏe mạnh hơn.
Tuy nhiên, ngày nay, đa phần các bà mẹ trẻ đều khá bận rộn nên thường xuyên chọn các loại thực phẩm ăn dặm chế biến sẵn. Mặc dù các loại thực phẩm này đa phần đều được nghiên cứu cẩn thận nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho bé nhưng các công thức chế biến này lại cố định, trong khi thể trạng của mỗi bé là không giống nhau, không phải bé nào cũng dùng hợp các sản phẩm bố mẹ lựa chọn ngay từ lần đầu tiên. Vì vậy, các vấn đề về tiêu hóa ở trẻ thường không hiếm gặp.
Chị gái mình may mắn được mẹ mình đồng hành trong quá trình nuôi con, còn mình may mắn là người chứng kiến quá trình các cháu được chăm sóc bởi rất nhiều phương pháp dân gian từ mẹ nên cũng tích lũy được một ít kiến thức chăm bé. Tất nhiên, cháu mình cũng không ngoại lệ, bé cũng từng gặp phải tình trạng tiêu chảy do đổi từ sữa bột sang sữa pha sẵn.
Vì vậy, trong bài viết này, mình xin chia sẻ một số phương pháp mẹ mình đã dạy cho chị mình để ngăn chặn tình trạng tiêu chảy ở trẻ nhỏ.
1. Dùng lá ổi non
Dùng lá ổi non trị tiêu chảy là phương pháp đơn giản nhất. Có lẽ không chỉ trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn, trong đó có mình cũng từng hái vài đọt ổi non đem rửa sạch, ăn cùng một chút muối khi gặp phải tình trạng tiêu chảy.

Với trẻ nhỏ bạn có thể dùng một trong hai cách sau:
Thứ nhất, bạn lấy 4 đến 5 lá ổi non, đem rửa sạch, ngâm qua nước muối loãng rồi lại rửa lại một lần nữa, sau đó để ráo nước. Lấy lá ổi giã nhuyễn cùng một xíu muối, thêm 2 thìa cà phê nước đun sôi để nguội vào, trộn đều rồi gạn lấy nước, pha loãng cùng nước ấm cho trẻ uống. Bạn lưu ý không nên dùng nước lá ổi đặc mà cần pha loãng để tránh bé bị sặc do không thích ứng kịp với độ chát cao của lá ổi.
Thứ hai, bạn dùng lá ổi non kết hợp với các nguyên liệu khác, tỷ lệ như sau: bạn dùng 3 đến 5 lá ổi non, 2 lát nhỏ trần bì (vỏ quýt phơi khô), 2 lát gừng, 2 đến 3 lá trà xanh hoặc bạn có thể thay thế bằng trà sấy khô nhưng cần chọn loại không ướp hương liệu nhé (nếu bạn không tìm được có thể bỏ qua nguyên liệu này). Bạn rửa kỹ các nguyên liệu trên rồi cho vào một cái ly có nắp đậy, sau đó bạn rót nước sôi vào cho ngập nguyên liệu rồi chắt bỏ (nước đầu tiên này chúng ta không sử dụng). Sau khi chắt nước ra, bạn lại cho thêm 250 ml nước sôi vào rồi đậy nắp lại, hãm khoảng 15 phút thì bạn gạn lấy nước để còn ấm thì cho bé uống.
2. Dùng lá bần non
Ở quê ngoại mình, người ta dùng lá bần non để điều trị chứng tiêu chảy ở trẻ.

Vì quê ngoại mình là vùng gần cửa biển nên nơi đây cây bần khá phổ biến. Ngoài trái bần chín thơm phức hay những món ăn hấp dẫn từ trái bần như bần sống chấm muối ớt, canh chua bần, cá kho bần,… thì lá bần cũng chính là một loại lá hữu ích đối với những gia đình có trẻ nhỏ.
Mẹ hay kể lúc mẹ chưa có chồng thì cậu mình đã có con nhỏ, hồi đó mỗi lần anh chị họ mình bị tiêu chảy, ngoại cũng chỉ cho mợ mình hái lá bần ngoài mé sông vào cho anh chị họ mình dùng, thường không quá 3 lần, tình trạng tiêu chảy sẽ được ngăn lại.
Cách thực hiện tương tự như lá ổi nhưng không dùng thêm muối, cụ thể: bạn hái 3 đến 4 lá bần non, đem vào rửa thật kỹ rồi giã nhuyễn, thêm một chút nước đun sôi để nguội vào, khuấy đều rồi gạn lấy nước. Pha loãng phần nước lá bần thu được với nước ấm rồi cho trẻ uống.
Ngoài công dụng điều trị tiêu chảy từ lá bần thì quả bần và rễ thở của cây bần cũng là một loại dược liệu giá trị. Bạn có thể thêm hiểu thêm về các loại bần và các công dụng của bần đối với sức khoẻ ở bài viết Tác dụng của cây bần trên web chúng tôi nhé.
3. Củ (rễ) cây gối hạc trị tiêu chảy
Ngày nhỏ, quanh nhà mình có rất nhiều cây gối hạc, vì bông của nó trổ thành chùm và có màu đỏ đẹp rực rỡ nên mình rất ấn tượng với loại cây này.


Bây giờ mình hỏi mẹ, mẹ kể lại rằng lúc đầu là ông mình xin giống về trồng, sau thì nó rụng trái rồi tự mọc lên. Khi cây lớn, ông mình sẽ đào lấy một ít rễ cây ngâm nước một chút rồi rửa sạch phơi khô để dành. Mỗi khi chị em mình đứa nào bị tiêu chảy, ông sẽ bảo mẹ lấy rễ gối hạc mà ông đã phơi khô để sẵn, đem đi sắc nước cho chị em mình uống.
Cách thực hiện như sau: bạn đào lấy rễ của cây gối hạc, ngâm vào nước một chút cho phần đất bám bên ngoài mềm ra rồi dùng tay chà xát để rửa sạch lớp đất đó. Tiếp theo, bạn ngâm rễ đó qua nước muối loãng khoảng 10 đến 15 phút rồi lại rửa qua nước sạch một lần nữa, sau đó để ra rổ cho ráo nước. Rễ gối hạc đã ráo nước thì bạn cắt lát bỏ ra rổ đem đi phơi. Khi cần dùng cho bé, bạn lấy khoảng 10 g thuốc, đem đi rửa lại lần nữa rồi cho vào 3 chén nước, bật lửa lớn cho sôi rồi hạ lửa vừa, nấu 10 phút. Sau khi sắc xong, bạn gạn lấy nước, để còn ấm vừa thì cho bé uống từ từ từng ít một và theo dõi tình trạng của bé đến khi thấy bé đã bắt đầu giảm đi ngoài thì dừng lại.
4. Vỏ măng cụt
Quả măng cụt bên ngoài màu đen tím ôm lấy phần ruột trắng muốt bên trong với vị chua ngọt thơm ngon đã đi vào lòng những người từng được thưởng thức qua chúng. Vâng, đấy là hương vị của quả măng cụt chín. Riêng quả măng cụt sống cũng được chế biến thành một món ăn rất ngon đó là món gỏi măng cụt, đây là một đặc sản mà bạn không nên bỏ qua nếu có dịp đến Lái Thiêu.
Tuy nhiên, dù là ăn quả sống hay quả chín thì phần vỏ măng cụt đều sẽ được bỏ đi bởi phần vỏ này có vị cực kỳ chát. Nhưng bạn biết không, phần vỏ chát ngắt tưởng chừng bỏ đi này cũng được xem là một vị thuốc hữu hiệu đối với chứng tiêu chảy đó.

Nhớ ngày nhỏ, mỗi lần măng cụt vào mùa, có dịp mẹ sẽ mua một ít về cho cả nhà ăn. Đám trẻ con tụi tôi mê lắm. Phần thịt quả chua chua ngọt ngọt rất thanh, được người lớn cho thì không cần đến dao để tách đâu mà ngay lập tức sẽ dùng 2 tay bóp mạnh cho phần vỏ quả bên ngoài nứt ra như thế là đã có thể tách lấy phần ruột dễ dàng. Phần ruột đã ăn xong, phần vỏ chúng tôi sẽ không bỏ đi mà sẽ đem đi phơi nắng vì ông tôi đã dặn thế.
Thật ra, tôi đã quen với những lời căn dặn như vậy vì trước đó tôi đã thấy ông cũng phơi và cất vỏ một số loại quả khác như vỏ trái bắp, vỏ quýt, vỏ bưởi,… ông nói là để dành làm thuốc. Như những lần trước đó, tôi cũng tò mò hỏi ông về công dụng của nó thì ông bảo là phơi để dành đó để nếu có ai bị tiêu chảy thì có thể dùng.
Người lớn thì lấy 1 đến 2 vỏ đem đi rửa sạch rồi đun sôi với ½ lít nước, tầm 10 đến 15 phút thì tắt bếp, chắt lấy nước để cho bớt nóng thì uống.
Riêng với trẻ nhỏ thì chỉ dùng một nửa của vỏ quả măng cụt thôi, đem miếng vỏ ấy rửa sạch rồi cho vào nồi, thêm vào 1 chén nước, đun sôi 2 phút thì chắc phần nước đó bỏ đi. Sau đó lại cho thêm một chén rưỡi nước vào, đun sôi 10 đến 15 phút thì tắt bếp, gạn lấy nước.
Phần nước thu được, bạn cũng pha loãng và cho bé dùng từ từ như những vị thuốc khác mà mình đã trình bày bên trên nhé.
Lưu ý
- Các phương pháp trên chỉ áp dụng cho tình trạng tiêu chảy nhẹ, nếu tình trạng của bé đã nặng thì bạn nên đưa bé đến bác sĩ nhé.
- Trong quá trình cho bé dùng thuốc, bạn nên cho bé dùng từ từ và theo dõi tình trạng của bé. Khi thấy tình trạng đã có dấu hiệu thuyên giảm thì bạn ngưng lại (vì dùng nhiều có thể dẫn đến tình trạng táo bón).
- Không áp dụng các phương pháp trên cho bé 12 tháng tuổi trở xuống.
- Tùy vào thể trạng của mỗi bé mà có thể sẽ có dị ứng với một hoặc một số thành phần có trong dược liệu, nội dung chúng tôi chia sẻ bên trên chỉ mang tính chất tham khảo, vì vậy, tốt nhất, bạn nên hỏi ý kiến của bác sỹ hoặc thầy thuốc đông y trước khi dùng.
Thông tin thêm
Bên cạnh việc điều trị bệnh thì các bậc phụ huynh cũng lưu ý đề phòng cho bé bằng cách chọn những loại rau củ quả tốt cho hệ tiêu hóa của bé. Nếu phụ huynh có thời gian nấu thức ăn dặm cho bé thì có thể chọn các loại rau củ như rau ngót, rau đay, cải bó xôi, súp lơ, cà rốt, bí đỏ,… Nếu như phụ huynh bận rộn quá, chỉ có thể chọn thực phẩm làm sẵn cho bé thì có thể bổ sung cho bé một số loại trái cây như chuối, nho, bơ, cam, bưởi, táo,… Đây là những loại rau củ quả mà chị mình vẫn thường cho cháu mình ăn (và mình thấy hệ tiêu hóa của mấy đứa cháu nhà mình được cải thiện rất tốt nên mình muốn chia sẻ đến mọi người, để các ông bố bà mẹ trẻ có thêm thông tin khi còn ít kinh nghiệm nuôi con).
Nguyễn Sen – Tuyết Nhi