Củ tam thất là một loại sâm quý và nụ tam thất thì cũng quý giá không kém.
Đó là vì xét về tác dụng, nụ hoa tam thất cũng được dùng với nhiều công dụng tương tự như củ tam thất (nhưng thường dùng với liều cao hơn 50 %).
Kinh nghiệm sử dụng cho thấy, những người bị mất ngủ do cao huyết áp và béo phì, sau khi dùng trà nụ tam thất vài lần thì chất lượng giấc ngủ đã được cải thiện rõ rệt.
Trà nụ tam thất có tác dụng gì?
Sau khi thu hái những cụm hoa hình tán, người ta phơi khô rồi để dùng dần (hãm uống như trà).
Theo công trình Trà và các bài thuốc, món ăn bổ dưỡng từ hoa, trà nụ tam thất có nhiều công dụng quý nhưng chủ đạo vẫn là:
- Lương huyết (làm mát máu).
- Bổ huyết.
- An thần, giúp dễ ngủ.
- Giúp giảm stress.
- Giúp điều hòa huyết áp.
Liều dùng: Theo kinh nghiệm dân gian, có thể dùng từ 5 – 10 nụ hoa tam thất hãm uống như trà và có thể hãm 2 hoặc 3 lần cho ra hết chất thuốc (uống trong ngày).
Điểm đặc biệt của trà hoa tam thất chính là sau khi uống xong, bạn sẽ thấy cơ thể thanh mát rõ rệt. Vì vậy, với những bạn bị máu nóng khiến cho nổi mụn thì uống trà này sẽ có tác dụng rất tốt.
Nhìn chung, trà này có vị đắng nhẹ và có mùi hương đặc trưng của tam thất, vừa ngửi qua là phân biệt được ngay. Mặc dù vậy, trà nụ tam thất vẫn dễ uống hơn nhiều loại thuốc Bắc khác.
Lưu ý: Phụ nữ mang thai không được uống và những người bị huyết áo thấp cũng không được uống (1).
Các công thức kết hợp từ nụ tam thất
Nếu chỉ dùng một mình nụ tam thất thì trà sẽ hơi đắng và kém ngon nên dân gian thường kết hợp thêm một số vị thuốc khác để dễ uống hơn, đồng thời cũng để tăng thêm hoạt tính của thuốc.
1. Trà nụ tam thất – hoa hồng – sơn tra
Trà này thơm chua và có vị đắng nhẹ dễ uống. Đặc biệt, trà này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như:
- Giúp giảm cân, ổn định huyết áp (phù hợp với những người vừa bị béo phì vừa bị cao huyết áp).
- Giúp giảm mỡ máu, điều trị rối loạn lipid máu.
- Hợp với những người hay bị hoa mắt, chóng mặt, ù tai…
Cách pha: Ba thành phần trên, mỗi loại bạn lấy 10 g rồi hãm trong 15 phút, sau đó chắt lấy nước uống như trà và cho thêm nước sôi vào để hãm tiếp lần 2 (uống trong ngày) (1).
Với hoa hồng, bạn nên chọn nụ hồng Iran vì loại này có hương thơm đậm đặc biệt.
2. Trà nụ tam thất – cúc hoa – hòe hoa
Trà này đặc biệt tốt cho sức khỏe của mắt và tim mạch. Cụ thể, nó giúp điều trị các chứng như:
- Mắt yếu, hay mỏi mắt, hoa mắt, mờ mắt… (nhờ có cúc hoa và hòe hoa).
- Hỗ trợ điều trị thừa cân, béo phì, nhức đầu, chóng mặt.
- Hỗ trợ người bị rối loạn mỡ máu, cao huyết áp.
- Tốt cho những người hay nổi giận, táo bón.
- Dùng cho trường hợp chất lưỡi đỏ.
Ngoài ra, với những người thích uống nước mát để thanh lọc cơ thể thì cũng có thể dùng trà này.
Cách pha: ba thành phần trên, bạn dùng mỗi loại 10 g và pha với nước sôi trong 20 phút thì chắt ra, dùng uống như trà (nên hãm 2 hoặc 3 lần nước).
Thời gian: Trà này, nếu dùng như nước uống thanh nhiệt thì bạn có thể uống 3 lần mỗi tuần hoặc ngày cách ngày (1).
3. Trà nụ tam thất – táo đỏ – kỷ tử – nụ cúc – nụ hồng
Đây là công thức trà hoa theo kinh nghiệm dân gian giúp thanh nhiệt, bổ dưỡng, dễ ngủ và dưỡng da.
- Thành phần: 4 nụ tam thất, 1 trái táo đỏ thái khoanh, 10 trái kỷ tử, 4 nụ cúc và 2 nụ hồng Iran.
- Cách dùng: hãm uống như trà và có thể hãm 2 lần nước (bạn có thể ăn luôn táo đỏ và kỷ tử).
- Thời gian dùng: Trà này bạn có thể dùng ngày cách ngày hoặc 3 ngày 1 lần.
Lưu ý khi dùng trà hoa
- Các loại trà hoa nói chung chỉ nên hãm uống trong ngày và uống với liều vừa phải, không được lạm dụng liên tục trong thời gian dài vì sẽ gây tác dụng phụ.
- Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu xấu nào xảy ra trong lúc uống trà thì bạn nên ngưng ngay và hỏi thêm ý kiến bác sĩ để được tư vấn kỹ hơn.
- Ngoài ra, khi mua dược liệu pha trà, bạn nên chọn nhà cung cấp uy tín vì nhiều loại hoa khô hiện nay bị kém chất lượng và thừa chất hóa học gây hại cho cơ thể.