Thảo quyết minh và cam thảo, chọn loại nào để thanh nhiệt, mát gan?

Cam thảo

Thời gian gần đây, một số chị em phàn nàn rằng càng uống cam thảo để thanh nhiệt thì càng thấy mệt mỏi, uể oải trong người.

Thêm vào đó, có người vì thấy da mặt bị mụn và nám thì nghĩ mình bị nóng gan, thế là mua cam thảo về nấu uống hàng ngày như trà và uống liên tục gần một năm như thế. Kết quả là, bệnh tình không những không thuyên giảm mà ngược lại, trong người còn hay thấy “khó chịu”.

Vì sao lại có những hiện tượng trên?

Với cam thảo, thảo quyết minh và các loại trà thanh nhiệt nói chung, chúng ta có nên uống hàng ngày không?

Có nên dùng cam thảo như trà thanh nhiệt hàng ngày không?

Cam thảo là một vị thuốc tốt nhưng khó dùng. Nói như thế là vì tác dụng của cam thảo rất linh hoạt: có khi thì giúp bồi bổ (trong thang thuốc bổ), có khi lại giúp dưỡng âm (trong thang thuốc nhuận) và có khi lại giúp thanh nhiệt (trong thang thuốc mát) (2) (3).

Y học cổ truyền
Cam thảo và các phương thuốc cổ truyền

Trong y học cổ truyền, vị thuốc này ít khi dùng riêng lẻ mà thường được dùng kết hợp (với vai trò điều hòa các vị thuốc khác).

Và nếu dùng cam thảo không đúng bệnh, nó sẽ làm tình trạng sức khỏe của bạn trở nên tồi tệ hơn, thậm chí là ngộ độc. Vì sao như vậy?

  1. Cam thảo có vị rất ngọt và chất để làm nên độ ngọt của nó là glycyrizin. Đây là chất có độc tính nhẹ nhưng nếu dùng hơn 5 g glycyrizin trong một lần uống thì sẽ dẫn đến rối loạn nhịp tim (1).
  2. Chưa kể, nếu uống cam thảo trong thời gian dài, các hoạt chất của nó sẽ làm giảm lượng kali trong máu (khiến cho xương yếu), ngoài ra còn gây tăng huyết áp, phù nề, mệt mỏi toàn thân và táo bón… (1).
  3. Có rất nhiều trường hợp không nên dùng cam thảo như: phụ nữ đang mang thai, người bị bí tiểu, phù nề, cao huyết áp…

Và bạn biết đấy, cam thảo có tính giải độc rất tốt nhưng nếu liên tục bắt gan phải giải độc thì vô tình, bạn đã tạo áp lực cho gan khiến nó càng ngày càng yếu thêm.

Như vậy, nếu bạn đang bị mụn nhọt, nóng gan, hãy nhớ hỏi thêm ý kiến thầy thuốc trước khi dùng cam thảo (nhất là về liều lượng và thời gian dùng). Không nên tự ý uống liên tục hàng ngày và nên kết hợp cùng các vị thuốc khác, chẳng hạn như thảo quyết minh.

Vì sao cam thảo thường được dùng với thảo quyết minh

Nếu thường xuyên uống cam thảo, bạn sẽ rất dễ bị táo bón. Chính vì vậy, người ta thường kết hợp thêm thảo quyết minh bởi:

  • Cam thảo giúp thanh nhiệt, giải độc (nhưng gây táo bón nếu dùng lâu).
  • Thảo quyết minh giúp giảm táo bón, thông tiện và nhuận tràng (bổ sung cho nhược điểm của cam thảo) (2).

Không chỉ thế, thảo quyết minh còn là vị thuốc giúp mát gan, sáng mắt (2). Vì vậy, thay vì chỉ dùng cam thảo, bạn nên kết hợp thêm thảo quyết minh để pha trà nhé (chúng ta pha 2, 3 nước cho đến khi hạt thảo quyết minh nở ra và hơi nhầy là được).

Hạt và lá Thảo quyết minh
Hạt và lá Thảo quyết minh

Liều lượng: tùy theo tình trạng bệnh và cơ địa mỗi người mà liều lượng của mỗi vị thuốc sẽ khác nhau. Tuy nhiên, nếu dùng để uống hàng ngày (giúp thanh mát) thì chỉ nên dùng hai ba lát cam thảo (dưới 5 g) và một muỗng hạt thảo quyết minh (dưới 10 g). Mỗi tuần chỉ nên uống 2 – 3 lần, không uống liên tục quá một tháng và quan trọng nhất là theo dõi phản ứng của cơ thể, khi thấy hết nóng trong người thì ngưng lại ().

Ở đây, cũng cần nói rằng trong sử dụng thảo dược dưỡng sinh và điều trị bệnh thì phản ứng của cơ thể là điều không thể bỏ qua. Cùng một vị thuốc, nó có thể hợp với người này nhưng lại không hợp với người khác (vì mỗi người có một nền tảng sức khỏe khác nhau).

So sánh thảo quyết minh và cam thảo

Mỗi vị thuốc đều có những công dụng riêng và không thể phân hơn kém. Tuy nhiên, trong mối tương quan so sánh, nếu bạn chỉ dùng với mục đích thanh nhiệt, mát gan, sáng mắt thì nên dùng thảo quyết minh sẽ tốt hơn. Đó là vì thảo quyết minh phù hợp với nhiều dạng đối tượng khác nhau, kể cả phụ nữ mang thai, người bị táo bón, mất ngủ và cao huyết áp (2) (4).

Tuy nhiên, vì thảo quyết minh có tác dụng nhuận tràng nên những người bị tiêu chảy thì không nên dùng nhé (5).

Về hương vị, trà thảo quyết minh có màu vàng nâu, dễ uống và có mùi thơm nhẹ. Bạn có thể uống nóng, pha nước đá, thêm đường hay không thêm đường đều được (nếu thêm đường thì dùng đường phèn sẽ tốt hơn vì đường phèn có tính mát).

Cuối cùng, việc uống trà thảo dược chỉ là phụ thêm để hỗ trợ sức khỏe. Trên thực tế, những thứ mà chúng ta ăn hàng ngày cũng có thể giúp thanh mát (hoặc ngược lại, gây nóng trong người). Nhìn chung, các loại rau xanh thông dụng đều có tính mát, trong đó có thể kể đến rau cần tây, rau cải cúc, rau muống, rau cải xanh…

Nguồn tham khảo
  1. Cam thảo, có nên sử dụng hàng ngày?, https://suckhoedoisong.vn/cam-thao-co-nen-su-dung-hang-ngay-n13086.html, ngày truy cập: 14/ 06/ 2020.
  2. Thảo quyết minh (Hạt muồng muồng) điều trị mất ngủ, sáng mắt, nhuận tràng, https://caythuoc.org/thao-quyet-minh-hat-muong-nguong-tri-mat-ngu.html, ngày truy cập: 14/ 06/ 2020.
  3. Trà cam thảo lát, , ngày truy cập: 14/ 06/ 2020.
  4. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, 1999, trang 463.
  5. Phạm Thiệp – Lê Văn Thuần – Bùi Xuân Chương, Cây thuốc bài thuốc và biệt dược, NXB Y học, 2000, trang 238.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện