Súp lơ xanh, chế biến như thế nào để ngăn ngừa ung thư?

Súp lơ xanh

Có một loài rau trông giống như hoa và ăn thì rất ngon, đó là súp lơ (hay còn gọi là bông cải). Súp lơ có nhiều giống nhỏ với các màu khác nhau như trắng, xanh, cam, vàng, tím… Trong đó, súp lơ trắng (tức bông cải trắng – Cauliflower) và súp lơ xanh (tức bông cải xanh – Broccoli) là hai loại phổ biến nhất.

Mặt khác, giữa súp lơ trắng và súp lơ xanh (SLX) thì (SLX) được xem là có ưu thế và hiệu quả dinh dưỡng, phòng bệnh cao hơn. Vậy, nên dùng súp lơ xanh như thế nào để bảo toàn dinh dưỡng và ngăn ngừa ung thư hiệu quả?

Súp lơ xanh và các công dụng quý

(SLX) không phải “siêu thực phẩm” như măng tây, cũng không phải “vua nấm” như nấm đông cô nhưng lại vượt xa nhiều loại rau cải khác về tác dụng phòng bệnh.

1. Thứ nhất, (SLX) là một trong những loại thực phẩm chống lão hóa và chống ung thư tốt nhất. Nhiều người nghĩ rằng cà chua và ớt chứa nhiều vitamin C, tuy nhiên, chúng vẫn thua (SLX): trong mỗi 100 g (SLX) chứa đến 89, 2 mg vitamin C, đáp ứng đến 107 % – vượt cả mức nhu cầu hàng ngày ở người trưởng thành (2).

2. Thứ hai, ăn súp lơ xanh giúp ngăn ngừa nhiều loại ung thư như ung thư ruột, ung thư miệng, ung thư vú, ung thư bàng quang, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư thực quản… (1).

Tuy nhiên, không phải chế biến súp lơ theo cách nào cũng mang lại tác dụng quý này. Đó là vì trong (SLX) có enzyme myrosinase (giúp chống ung thư gan). Tuy nhiên, chất này lại dễ phân hủy và chỉ được lưu giữ tốt khi ta hấp súp lơ trong năm phút (1). Vì vậy, để có được tác dụng này, bạn nên dùng (SLX) làm thành các món như gỏi trộn hoặc hấp cách thủy 5 phút (nếu chỉ quen với món xào thì cũng chỉ xào vừa chín tới).

Súp lơ xào tôm
Súp lơ xào tôm

3. Thứ ba, súp lơ xanh ít năng lượng nên phù hợp với những người đang muốn giảm cân (100 g (SLX) chỉ cung cấp cho bạn 34 kcal – khá thấp so với các loại thực phẩm khác). Mặc dù vậy, lượng dinh dưỡng trong súp lơ lại rất phong phú: từ các thành phần cơ bản như đường, chất đạm, chất xơ, chất béo cho đến các vitamin như A, B1, B2, 3, B5, B6, B9, C, E, K, các khoáng chất như Can xi, Ma giê, Sắt, Phốt pho, Ka li, Kẽm…

4. Không chỉ thế, các kết quả nghiên cứu còn cho thấy ăn súp lơ xanh giúp bảo vệ mạch máu, chống lại viêm xương khớp (nhờ hoạt chất sulforaphane), đồng thời giúp cải thiện chức năng tim (nhờ hoạt chất thioredoxin), làm chậm lão hóa và tăng cường miễn dịch (2).

Lưu ý khi dùng

  • Chế biến: Không nên nấu chín kỹ súp lơ để tránh hao hụt dinh dưỡng. Thay vì hầm, bạn có thể trộn gỏi, hấp hay xào tái với tỏi rồi chấm nước mắm để ăn (rất ngon đấy!).
  • Bên cạnh đó, bạn không nên dùng những phần súp lơ đã bị mốc và khi ăn thì nên ăn cả cuống và lá (để hấp thu được các hoạt chất quý). Mặt khác, phần cuống súp lơ cũng giàu dinh dưỡng, ngon ngọt và cũng chứa nhiều chất xơ hơn.
  • Khi rửa súp lơ, bạn nên ngâm nước muối rồi xốc rửa nhiều lần cho giảm bớt dư lượng thuốc hóa học (nếu có) và những côn trùng trú ẩn (kết cấu cụm hoa súp lơ xanh rất dễ trở thành nơi cho côn trùng trú ẩn).
  • Đối tượng thận trọng: Trong súp lơ xanh chứa một lượng lớn vitamin C nên nếu ăn quá nhiều sẽ dễ gây sảy thai. Với những người bị bệnh về dạ dày thì nên ăn súp lơ đã nấu chín (để tránh gặp phải các vấn đề về tiêu hóa). Ngoài ra, những người đã hoặc đang bị bệnh Gout và các bệnh về tuyến giáp cũng không nên ăn (SLX) vì sẽ làm tình trạng bệnh nặng thêm (3) (4).
  • Về chế độ ăn: (SLX) chỉ nên ăn với lượng vừa phải (khoảng 160 g mỗi ngày). Nếu ăn với số lượng lớn hoặc trong thời gian dài, chất thiocyanates trong súp lơ xanh sẽ cản trở quá trình hấp thụ I ốt của cơ thể và gây suy tuyến giáp (4).
Cây súp lơ xanh
Cây súp lơ xanh

Thông tin thêm

Súp lơ xanh có tên khoa học là Brassica oleracea L.var.italic Planch. Ở Trung Quốc, (SLX) được gọi là “Tây lam hoa” (西蓝花) vì chúng có nguồn gốc từ châu Âu hay “Thanh hoa thái” (青花菜) vì chúng có màu xanh (súp lơ trắng được gọi là “Hoa thái).

Ở Trung Quốc, súp lơ xanh được chỉ định cho các trường hợp ù tai, hay quên, tay chân như không có sức, tì vị hư nhược và trẻ em chậm phát triển (vì (SLX) có tính mát, vị ngọt, bổ tì vị, bổ thận tinh và giúp não, xương khỏe mạnh) (5).

Nguồn tham khảo
  1. Chế biến bông cải xanh sai cách có thể làm mất hết tác dụng ngừa ung thư, https://caodangykhoaphamngocthach.com/y-duoc/che-bien-bong-cai-xanh-sai-cach-co-the-lam-mat-het-tac-dung-ngua-ung-thu-c10992.html, ngày truy cập: 28/ 03/ 2020.
  2. Bông cải xanh, https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%B4ng_c%E1%BA%A3i_xanh, ngày truy cập: 28/ 03/ 2020.
  3. Những lưu ý khi ăn súp lơ để không gây hại cho sức khỏe, https://www.bachhoaxanh.com/kinh-nghiem-hay/nhung-luu-y-khi-an-sup-lo-de-khong-gay-hai-cho-suc-khoe-1017081, ngày truy cập: 28/ 03/ 2020.
  4. 4 loại rau quả sẽ gây nguy hiểm nếu ăn quá nhiều, https://thanhnien.vn/suc-khoe/4-loai-rau-qua-se-gay-nguy-hiem-neu-an-qua-nhieu-960965.html
  5. 西蓝花https://baike.baidu.com/item/%E8%A5%BF%E8%93%9D%E8%8A%B1/401535?noadapt=1, ngày truy cập: 28/ 03/ 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện