Sầu đâu với tôi là một loại cây quen thuộc bởi chỉ cần bước ra sau nhà là sẽ thấy mấy cây sầu đâu ông tôi trồng (để dành làm thuốc và làm rau trong các bữa ăn thường ngày). Ngoài tên gọi này, nó còn được gọi là cây neem Ấn Độ.
Tuy nhiên, lá sầu đâu có vị đắng, vì vậy, mấy đứa con nít trong nhà hiếm đứa nào biết ăn nhưng người lớn thì lại rất thích. Ở miền Tây, lá sầu đâu thường xuất hiện trong bữa cơm như một loại rau sống (ăn kèm với cá kho hay cá chiên).
Gỏi 5 vị từ lá sầu đâu Nam Bộ
Ông tôi nói sầu đâu tuy đắng nhưng có hậu ngọt và ăn rất nên thuốc. Vì vậy, đến mùa sầu đâu trổ bông, mẹ tôi thường hái bông sầu đâu cùng một ít lá non rồi chần sơ qua với nước cơm, sau đó đem trộn gỏi cùng với khô cá sặc rằng (hoặc khô cá lóc), thêm một ít dưa leo, thịt ba rọi và tép luộc bóc vỏ bỏ vào trộn cùng. Ăn món này, bạn sẽ cảm nhận đầy đủ 5 vị chua, cay, mặn, ngọt, đắng hòa quyện hoàn hảo trong món ăn dân dã này.
Ba tôi thì bảo: ăn lá sầu đâu là mát “tối ngủ khỏi đội nón luôn”!
Nhận biết loại sầu đâu ăn được
Trên thực tế, có nhiều loại cây cùng tên sầu đâu nhưng không phải loại nào cũng ăn được. Một vài loại cũng được gọi là sầu đâu nhưng lại có độc tố, khi ăn vào có thể gây buồn nôn, đau đầu,…thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Vì vậy, bạn nên thận trọng tìm hiểu kỹ trước khi muốn sử dụng sầu đâu làm thực phẩm hoặc làm thuốc. Cây sầu đâu mà tôi đề cập đến trong bài viết này chính là cây neem Ấn Độ, lá giống hình dạng của lá cóc nhưng bạn quan sát kỹ sẽ thấy:
- Lá sầu đâu lúc già sẽ nhạt màu hơn lá cóc già.
- Mép lá sầu đâu có dạng răng cưa, lúc còn non có màu hơi đỏ tía (còn lá cóc non thì mép lá nhẵn, xanh non mướt).
- Hoa màu trắng.
Lưu ý: Loại sầu đâu trong bài viết này tuy có nhiều công dụng nhưng do hoạt tính cao và có tính mát nên có thể gây nặng bụng và lạnh bụng nếu ăn nhiều. Ngoài ra, bạn cũng không nên ăn vào buổi chiều tối.
Lá sầu đâu giúp giảm mụn, điều trị mẩn đỏ trên da
Thật ra, hồi nhỏ, tôi chỉ biết lá sầu đâu là món ăn “đắng mà ngon” chứ không để ý nhiều. Sau lớn lên một chút, nhà có cháu nhỏ nên mỗi khi người cháu bị nổi mẩn đỏ là mẹ tôi liền sai tôi đi hái lá sầu đâu (lá già), bỏ vô nước và nấu sôi 5 phút, sau đó hòa loãng (hoặc để ấm lại) rồi tắm cho cháu. Thường thì mỗi ngày tắm 1 lần – 2 lần, chỉ 2 hôm là các vết mẩn đỏ đều lặn hết.
Với trẻ em (kể cả trẻ sơ sinh từ 1 tháng tuổi), nếu bị nổi sảy (da xuất hiện các mảng đỏ nhỏ khiến trẻ ngứa và quấy khóc) thì đều có thể dùng lá sầu đâu già nấu nước tắm.
Đối với các nốt mụn viêm trên da, bạn cũng có thể dùng lá sầu đâu giã nhuyễn, bôi lên da hoặc lấy lá sầu đâu nấu nước, để đến khi còn độ ấm vừa phải thì dùng nước đó rửa mặt. Như thế cũng giúp giảm mụn hiệu quả.
Cách dùng sầu đâu diệt sâu bọ
Sầu đâu còn có mặt trong giải pháp sinh học giúp ngăn chặn và tiêu diệt các loài sâu, côn trùng thụ phấn (với tác dụng lưu dẫn kéo dài). Tuy nhiên, nhược điểm của nó là tác dụng chậm và không mạnh như các sản phẩm thuốc hóa học.
Có nhiều cách chiết xuất dịch từ cây sầu đâu nhưng cách đơn giản và dễ áp dụng tại nhà là chiết xuất dung dịch nước.
Cụ thể như sau: ta dùng lá, hạt hay vỏ sầu đâu (dùng tươi), nghiền nát rồi ngâm chúng vào trong nước (khoảng 1 giờ), sau đó dùng vải mỏng lược bỏ xác, vắt lấy nước là được. Dung dịch này, ta phun lên cây trồng để kiểm soát sâu bệnh.
Nguyễn Sen