Sài hồ Bắc điều trị bế kinh, bảo vệ gan và làm sáng mắt

Một điều khá thú vị là khi sắp xếp lại danh sách các loài thực vật, người ta đã phải loại bỏ hàng trăm ngàn cái tên trùng lặp. Ngược lại, cũng có những trường hợp chỉ một cái tên nhưng lại được dùng cho nhiều loại thực vật khác nhau. Trong danh sách các thảo dược phương Đông, hiện tượng này cũng không phải là hiếm và chúng ta có thể thấy qua nhiều vị thuốc như mộc hương, cam thảo, quế, đuôi lươn, sài hồ…

Vài nét về vị thuốc sài hồ

Vị thuốc sài hồ (SH) là tên gọi chung của nhiều loài cùng chi cùng họ (hoặc khác chi khác họ) với cây sài hồ Bắc. Ở nước ta, có ít nhất ba loài cây khác nhau được gọi là sài hồ.

  • Thứ nhất, đó là cây SH Bắc, có tên khoa học là Bupleurum chinense, thuộc họ Hoa tán (Apiaceae) (1).
  • Đây là cây (SH) thực thụ, có hoa màu vàng, mọc thành cụm và có các lá hình dải hẹp, thuôn nhọn. Cây này có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nhật Bản và được di thực về nước ta từ năm 1994.
Bắc sài hồ
Bắc sài hồ
  • Thứ hai, đó là cây SH Nam (hay còn gọi là cây lức, cây hải SH vì cây này hay mọc ven biển), có tên khoa học là Pluchea pteropoda, thuộc họ Cúc (Asteraceae) (2). Cần lưu ý, cây sài hồ Nam này khác với một loại khác nữa là Nam SH, tức SH Hoa Nam (Trung Quốc).
Cây lức
Cây lức
  • Thứ ba, đó là cây cúc tần, hay còn gọi là cây từ bi, cây lức ấn, có tên khoa học là Pluchea indica, thuộc họ Cúc (Asteraceae) (3). Hiện nay, một số nơi đã dùng cây này và cây lức vừa nói trên như vị thuốc sài hồ. Về tình trạng này, GS Đỗ Tất Lợi cũng nói rằng “không rõ nguyên nhân từ đâu” (trong công trình Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam). Vì vậy, trong những trường hợp cần dùng đúng vị thuốc Bắc sài hồ thì cần phải chú ý, tránh nhầm lẫn với các loại này.
    Cây từ bi
    Cây từ bi hay cây cúc tần

    Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến cây Bắc SH Bupleurum chinense (hay còn gọi là sài hồ Bắc, sài hồ, trúc diệp SH, sà diệp SH, ngạnh SH, thiết miêu SH), có phần rễ được dùng làm thuốc (rửa sạch, phơi khô). Rễ Bắc sài hồ có màu vàng ngà, có mùi thơm, tính chất chắc, dai và có vị ngọt đắng.

Rễ cây sài hồ Bắc
Rễ cây sài hồ Bắc

Công dụng của cây sài hồ Bắc

Ở các nước phương Tây, rễ sài hồ Bắc nổi tiếng và vị thuốc truyền thống giúp bảo vệ gan của Trung Quốc. Qua các kết quả nghiên cứu, thí nghiệm trên động vật, rễ cây sài hồ Bắc đã được biết đến với các hoạt tính chủ đạo như:

  • Hạ sốt, giảm đau.
  • An thần.
  • Chống viêm.
  • Điều hòa miễn dịch.
  • Chống loét.
  • Bảo vệ gan (4).

Đối chiếu sang các bài thuốc cổ truyền phương Đông, ta thấy rễ cây sài hồ Bắc cũng được dùng với tác dụng bảo vệ gan. Ngoài ra, vị thuốc này còn có các công dụng khác như:

  • Giải cảm, hạ sốt, điều trị sốt thương hàn, sốt rét.
  • Giúp nhuận gan, làm sáng mắt.
  • Giúp thông khí và điều trị chứng ngực bụng đầy chướng.
  • Điều trị nhức đầu, chóng mặt, điếc.
  • Điều trị kinh nguyệt không đều, vô kinh, bế kinh.
  • Điều trị viêm gan mạn tính.
  • Điều trị tiểu đường.
  • Giúp giảm đau tức ngực và đau ở vùng hạ sườn.

Liều lượng: Liều dùng tham khảo là từ 4 – 12 g, tuy nhiên, trong từng trường hợp cụ thể có thể gia giảm theo chỉ định của thầy thuốc (4) (5).

Một số bài thuốc kết hợp có dùng sài hồ

  • Điều trị tăng huyết áp ở người trẻ tuổi hoặc tăng huyết áp do rối loạn tiền mãn kinh: dùng sài hồ Bắc, long đởm thảo, mộc thông, đương quy (mỗi vị 8 g), cam thảo Bắc (4 g), xa tiền (16 g), sinh địa (14 g), hoàng cầm, trạch tả và dành dành (mỗi vị 12 g), sắc lấy nước uống mỗi ngày một thang (4). Tuy nhiên, với những người bị huyết áp cao có kèm theo các biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, ù tai thì không nên dùng. Ngoài ra, những người bị hội chứng can hỏa thượng nghịch cũng không nên dùng bài thuốc này (7).
  • Điều trị viêm gan virus mạn tính: dùng sài hồ Bắc, đảng sâm, bạch truật và bạch thược (mỗi vị 12 g), phục linh và bán hạ chế (mỗi vị 8 g), cam thảo Bắc và trần bì (mỗi vị 6 g), sắc lấy nước uống mỗi ngày một thang. Được biết, sự kết hợp giữa sài hồ Bắc và bạch thược trong thang thuốc này có tác dụng làm dịu dược tính kích thích của (SH) đối với cơ thể, mặt khác lại có công dụng thư can trấn thống (4) (7).
  • Bài thuốc mẫu đơn bì thang Điều trị mọi bệnh phụ khoa, bệnh sản phụ sau sinh, bệnh phụ nữ: Dùng Sài hồ 2g, kết hợp với các vị thuốc; mẫu đơn bì, sinh địa, trần bì, bạch truật, hương phụ, hoàng cầm, cam thảo, đương quy, thược dược mỗi vị khoảng 2g đến 3g. Sắc nước uống trong ngày. Bài thuốc được lấy từ thông tin trong cuốn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” – Đỗ Tất Lợi – Nhà xuất bản y học năm 2004 – Bản in trang 622, 623 (8).
  • Bài thuốc điều mất ngủ do sợ mà tim hồi hộp, kinh giản (của Trương Trọng Cảnh): Sài hồ 4g, kết hợp với các vị thuốc duyên đơn 3g, long cốt 5g, vỏ hàu 20g, phục linh 10g, quế chi 3g, bạch thược 5g, cam thảo 3g, hoàng cầm 5g, nhân sâm 3g, bán hạ 5g. Sắc với 3 bát nước, đun cạn lấy 1,5 bát nước chia 3 lần uống trong ngày. Bài thuốc được lấy từ thông tin trong cuốn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” – Đỗ Tất Lợi – Nhà xuất bản y học năm 2004 – Bản in trang 1039 (9).

Lưu ý

  • Đối tượng cần tránh: Những người bị sỏi mật, bị tăng huyết áp có kèm theo biểu hiện can hỏa thượng nghịch (như nhức đầu, chóng mặt…) thì không nên dùng sài hồ Bắc (4) (7).
  • Chú ý về liều lượng: Trong từng trường hợp bệnh, liều lượng sài hồ Bắc cần được gia giảm (như bệnh lao phổi kèm theo can khí uất thì phải giảm liều lượng còn chừng 4 – 6 g). Do đó, trước khi dùng sài hồ Bắc làm thuốc, các bệnh nhân nên tham khảo ý kiến thầy thuốc để có chỉ định phù hợp, tránh dùng quá liều (vì sẽ làm cho thuốc phản tác dụng, khiến bệnh tình ngày càng trầm trọng hơn và thậm chí là xuất huyết (7).

Nguồn tham khảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện