Rong sụn giúp đẹp da, thanh mát và giảm táo bón

Vùng biển Hà Tiên (Kiên Giang) có một đặc sản được bày bán nhiều tại Chùa Hang – Thạch Động, đó là rong sụn – một loại rong biển có thể dùng ăn tươi, làm gỏi và pha nước giải khát mà ai biết qua thì chắc chắn sẽ mua về.

Đó là cái mớ rong với các nhánh chùm tua rủa như gai nhưng mềm, đàn hồi, có màu trắng gân hơi ngả vàng và hơi khô (loại đã được phơi khô), đôi khi được ướp muối rất mặn (tẩm muối). Và dù là loại nào thì muốn ăn, bạn cũng cần ngâm nước từ nửa tiếng trở lên cho cây rong nở ra rồi rửa bằng nước, giũ nhiều lần cho sạch (với loại ướp muối thì bạn cần rửa nhiều lần nước cho hết mặn).

Nhìn chung, hai loại rong sụn khô và rong ướp muối chỉ khác nhau về giá cả (rong khô phơi cho khô hẳn nên nhẹ hơn và giá cao hơn, rong ướp muối thì chỉ phơi cho dốt dốt rồi ướp muối nên giá rẻ hơn). Hiển nhiên, nếu bạn là dân miền Biển thì ăn rong sụn tươi là điều dễ dàng và không cần ngâm nước nữa.

Mùi vị của rong sụn

Loại hải sản này sau khi rửa sạch thì lạt, không có vị nhưng có mùi đặc trưng của nước biển. So với các loại rong biển khác thì mùi của rong sụn không đậm như phổ tai, rong mơ và cũng không “tanh” như các loại rong để làm món sushi. Vì vậy, với những người sợ mùi tanh của hải sản thì có thể dùng được món rong này.

Tuy nhiên, xét trên mặt bằng chung thì nhiều người không “mặn mà” lắm đối với các món rong biển – kể cả rong sụn. Đó là vì nó không thơm cũng không ngon ngọt. Điểm ấn tượng chung của rong sụn chính là độ giòn dai nhưng mềm và màu trắng cùng công dụng thanh lọc cơ thể của nó.

Rong sụn
Cây rong tươi

Chính vì vậy, để ăn rong được ngon miệng hơn, bạn nên kết hợp nó cùng các nguyên liệu khác để làm nên nhiều món ăn hấp dẫn như: rau gỏi trộn, nước hạt é rong sụn mủ gòn phổ tai, sâm bổ lượng, chè thái…

Ở Trung Quốc, loại rong này khá được ưa chuộng để làm các món salad và do đặc điểm phân nhánh như gai góc mà nó được gọi là “lộc giác thái”, “long tu thái” (1).

Công dụng của rong sụn

Điều đầu tiên khi nói đến rong sụn là tác dụng thanh lọc cơ thể, thanh nhiệt, giải khát. Vào tiết trời oi bức, pha một ly rong sụn hạt é thì thanh mát không gì bằng! Hơn nữa, màu trắng trong của loại rong này nếu được điểm tô giữa màu xanh của phổ tai, màu đỏ của vài trái sơ ri hay chùm ruột ngào, màu vàng của mủ gòn nữa thì ta đã có một ly cocktail đầy màu sắc và ngon miệng. Và nếu tiện, bạn hãy dùng đường phèn cho ly nước có vị ngọt thanh nhé!

Công dụng thứ hai của rong sụn là giúp nhuận tràng và giảm táo bón (do nóng nhiệt). Nếu bạn thường xuyên bị táo bón, hãy thử ăn nửa ly đến một ly rong sụn mỗi ngày nhé (kết hợp cùng hạt é và phổ tai thì càng tốt). Thông thường, chỉ sau hai hoặc ba lần ăn là bạn đã thấy chứng táo bón được cải thiện hiệu quả.

Không chỉ thế, rong sụn còn giúp giảm cân, đẹp da và đây cũng là công dụng được nhiều chị em lưu tâm nhất. Được biết, trong loại rong này có nhiều vitamin và các khoáng chất như Sắt, Kẽm… Đây đều là những loại vi chất tốt cho sức khỏe làn da. Không chỉ thế, nhờ tác dụng thanh nhiệt mà ăn rong còn giúp giảm mụn do nóng trong người (1) (2).

Gỏi rong sụn
Gỏi rong sụn

Lưu ý khi dùng

  • Cách ngâm: Sau khi mua cây rong về, bạn ngâm trong nước lã thông thường (lưu ý không ngâm trong nước ấm vì rong sẽ nhầy nhũn, tan dần ra và không còn giữ được hình dáng ban đầu cũng như độ giòn gân của rong nữa).
  • Đối tượng cần lưu ý: Cũng như các loại rong biển khác, rong sụn có tính hàn nên những người hay lạnh trong người, tỳ vị hư nhược hoặc đang bị tiêu chảy thì không nên dùng (1).
  • Liều lượng: Đây là loại rong tốt cho sức khỏe, nhất là với những người béo phì, máu nhiễm mỡ, tim mạch và táo bón. Tuy nhiên, chúng ta không nên lạm dụng mà chỉ nên dùng như một loại thực phẩm bổ sung (mỗi tuần vài ba lần là được). Nếu muốn dùng liên tục để điều trị bệnh thì bạn nên hỏi thêm ý kiến của thầy thuốc để được hướng dẫn cụ thể nhé.

Nguồn tham khảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện