Rễ cây đương quy lông điều trị đau mỏi lưng gối, tê cứng chân tay

Hoa đương quy lông

Ở nước ta, ngoài cây đương quy còn có cây đương quy lông, hay còn gọi là chiết độc hoạt. Hoa của loài này tỏa tán rất đẹp.

Tuy nhiên, vì là loài cây di thực từ Trung Quốc nên đương quy lông ít phổ biến mà chỉ được trồng ở một số vùng cao để lấy rễ làm thuốc với tên gọi là độc hoạt (điều trị nhiều bệnh, đặc biệt là phong thấp, trúng phong…). Vậy, cách dùng vị thuốc này cụ thể như thế nào?

Vài nét về cây đương quy lông

Cây đương quy lông có tên khoa học là Angelica pubescens, thuộc họ Hoa tán (1). So với đương quy thì cây đương quy lông khác ở chỗ:

  • Gân lá có lông.
  • Cây cao từ 1 – 3 m và thường cao hơn đầu người (trong khi cây đương quy thường cao không quá 60 cm) (2).
Đương quy lông
Cây đương quy lông

Công dụng làm thuốc của rễ cây đương quy lông

Rễ cây đương quy lông có màu trắng và có mùi thơm hắc, sau khi phơi khô thì lớp vỏ ngoài chuyển sang màu xám, bên trong chuyển thành màu vàng, chất thịt nhẹ xốp và cay.

Theo y học cổ truyền, rễ cây đương quy lông có tính ấm và có nhiều công dụng như:

  • Khư phong thấp, điều trị phong thấp đau khớp.
  • Điều trị đau mỏi lưng gối, giúp giảm đau.
  • Điều trị trúng phong co quắp.
  • Điều trị đau mỏi lưng gối.
  • Điều trị tê cứng chân tay.

Cách dùng: nấu lấy nước uống từ 4 – 12 g mỗi ngày.

Mặt khác, theo tạp chí Planta Medica, chiết xuất từ rễ cây đương quy lông có chứa các hoạt chất giúp chống viêm và giảm đau. Như vậy, kết quả nghiên cứu này đã cho chúng ta thêm chứng cứ về công dụng giảm đau và điều trị các bệnh xương khớp của nó trong y học cổ truyền (3).

Các bài thuốc kết hợp

Trên thực tế, rễ cây đương quy lông ít khi dùng riêng mà thường dùng chung với nhiều vị thuốc khác trong các bài thuốc như:

1. Điều trị chứng cấm khẩu, răng cắn cứng đờ do trúng phong

  • Chuẩn bị: 20 g rễ cây đương quy lông, 10 g xương bồ và 10 g xuyên khung.
  • Thực hiện: nấu lấy nước uống mỗi ngày một thang.
Rễ cây đương quy lông
Rễ cây đương quy lông

2. Điều trị chứng đau khớp xương, nhức lưng và khó khăn trong vận động

  • Chuẩn bị: rễ cây đương quy lông, đương quy, tầm gửi cây dâu (tức vị thuốc tang ký sinh), ngưu tất, xuyên khung, cẩu tích, sinh địa hoàng và thiên niên kiện (mỗi loại đều dùng từ 8 – 12 g).
  • Thực hiện: nấu lấy nước uống mỗi ngày một thang.

3. Điều trị đau nhức xương khớp nói chung

  • Chuẩn bị: 5 g rễ cây đương quy lông, 3 g cát căn, 3 g hoàng kỳ, 1 g cam thảo Bắc, 3 g đương quy, 5 g đậu đen, 3 g thược dược, 1 g phụ tử, 2 g can khương, 3 g phòng phong, 2 g nhân sâm và 3 g phục linh.
  • Thực hiện: lấy tất cả các vị trên, cho vào nấu với 600 ml nước cho đến khi nước rút còn 1/3 thì chắt ra, chia thành 3 lần uống trong ngày.
  • Lưu ý: Trong thang thuốc này có phụ tử là vị thuốc có độc, vì vậy, khi dùng cần tuân thủ về liều lượng (chỉ 1 g) và cần hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi dùng.

Thông tin thêm

Cây đương quy lông được đề cập trong bài viết này khác với một dạng đương quy lông khác, đó là cây Angelica pubescens Maxim. f.biserrata Shan ex Yuan (loài này mép lá có dạng răng cưa 2 lần và cả hai mặt lá đều có lông, rễ củ của nó cũng được dùng làm thuốc với tên Độc hoạt).

Ngoài ra, cây cũng khác với cây đương quy Nhật (Angelica acutiloba). Loài đương quy Nhật này có rễ to, thịt chắc dẻo và bên trong có màu trắng hồng, được dùng làm thuốc với công dụng điều kinh, chỉ huyết (cầm máu), hòa huyết, điều trị huyết hư gây nhức đầu, đau bụng do bế kinh, tê liệt và khó đại tiện do táo bón (2).

Nguồn tham khảo
  1. Độc hoạt, https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%99c_ho%E1%BA%A1t, ngày truy cập: 31/ 05/ 2021.
  2. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, NXB Y học, HN, 2018, trang 987.
  3. Anti-Inflammatory and Analgesic Activities from Roots of Angelica pubescens, https://www.thieme-connect.com/products/ejournals/abstract/10.1055/s-2006-957987, ngày truy cập: 31/ 05/ 2021.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện