Rau mương kết hợp cỏ xước điều trị đau nhức xương khớp hiệu quả

Rau mương

Rau mương và cỏ xước là hai loại cây mọc hoang, thường thấy ở những nơi đất ẩm ướt như ven các thửa ruộng hoặc bờ đê…

Với nhiều người, đây chỉ là những loài cỏ dại nhưng trong y học cổ truyền, cả rau mương và cỏ xước đều là những vị thuốc quý, có thể điều trị nhiều bệnh, trong đó có bệnh đau nhức xương khớp – chứng bệnh phổ biến ở cả giới trẻ và người lớn tuổi.

Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu với các bạn bài thuốc điều trị đau vai gáy và đau thắt lưng từ hai loại cây này.

Tác dụng của cây cỏ xước và rau mương trong điều trị xương khớp

Ông bà ta từ xưa đã có kinh nghiệm dùng cây cỏ xước để điều trị sỏi thận, sỏi mật, tiểu buốt, viêm bàng quang và các bệnh về xương khớp (đặc biệt là bệnh thoái hóa khớp) (1) (2).

Cây cỏ xước
Cây cỏ xước

Với cây rau mương thì ngoài công dụng điều trị bệnh dạ dày, dân gian còn dùng cây này để điều trị thấp khớp, đau nhức xương khớp và viêm khớp (3) (4). Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu trên chuột thí nghiệm cho thấy chiết xuất nước từ cây rau mương cũng có tác dụng bảo vệ khớp đáng kể, giúp chống lại bệnh viêm khớp (5).

nghiên cứu về cây Rau mương
Rau mương

Cách dùng: 

  • Phơi khô thuốc: lấy rau mương và cỏ xước ngâm với nước muối loãng rồi rửa lại với nước cho sạch, sau đó để cho ráo nước. Tiếp theo, bạn chặt thuốc thành từng đoạn ngắn (khoảng 3 đến 4cm), để riêng từng loại dược liệu và phơi khô dưới nắng nhẹ (chọn chỗ có gió lùa cho thuốc mau khô).
  • Chuẩn bị: 30 gam cỏ xước phơi khô (dùng cả thân và lá) và 30 gam rau mương phơi khô (dùng cả thân và lá).
  • Thực hiện: lấy hai thành phần trên, mang đi rửa sạch rồi cho vào nồi hoặc ấm, đổ vào đó 3 chén nước lọc, sau đó đun thuốc cho đến khi nước rút còn 1 chén thì chắt ra, để nguội và uống. Sau đó, chừa lại phần xác thuốc để nấu cho lần uống buổi chiều (cũng nấu với 3 chén nước cho đến khi nước rút còn 1 chén). Thuốc này bạn uống sau bữa ăn 20 phút, uống 1 ngày thì ngưng 1 ngày.

Lưu ý khi dùng

  • Phụ nữ mang thai và đang cho con bú không được dùng.
  • Phụ nữ đang có kinh không nên dùng.
  • Nam giới bị mộng tinh không nên dùng.
  • Người có vấn đề đường ruột và dạ dày cũng không nên dùng (vì cỏ xước có thể gây đau bụng, tiêu chảy).
  • Nên chọn cây cỏ xước và rau mương ở vùng đất sạch, an toàn, không bị ô nhiễm môi trường (để tránh độc thạch tín và hóa chất). Với rau mương thì cần chú ý sâu hại vì rau này rất dễ bị sâu. Khi phơi thuốc, bạn nên phơi gió hoặc phơi dưới nắng nhẹ (phơi âm can) cho thuốc tự khô dần để dược tính được giữ lại nhiều hơn. Khi dùng, bạn nên kiểm tra thuốc, nếu phát hiện ẩm mốc thì nên thay thuốc mới hoàn toàn (6) (7).

Phân biệt

Cây cỏ xước khá giống với cây ngưu tất, vì vậy, khi thu hái, bạn nên chú ý phân biệt nhé!

  • Thứ nhất, rễ cây cỏ xước khá nhỏ (thường chỉ có đường kính từ 2 – 5 mm), không mọc thẳng xuống đất mà hơi cong cong, nhỏ dần từ cổ rễ xuống đuôi rễ. Rễ cây ngưu tất thì thuộc dạng rễ củ, có hình trụ dài và to hơn.
  • Thứ hai, quả cỏ xước là quả nang và có gai nhọn (do lá bắc tiêu giảm thành). Trong khi đó, quả ngưu tất thuộc dạng quả bế (8).

Kim Lụa

Nguồn tham khảo
  1. Điều trị bệnh thoái hóa khớp bằng cây cỏ xướchttp://soyte.namdinh.gov.vn/home/hoat-dong-nganh/giao-duc-suc-khoe/dieu-tri-benh-thoai-hoa-khop-bang-cay-co-xuoc-630, ngày truy cập: 02/ 09/ 2021.
  2. Cây cỏ xước vị thuốc quý điều trị đau nhức xương khớp, sỏi mật, https://caythuoc.org/cay-co-xuoc.html, ngày truy cập: 02/ 09/ 2021.
  3. Cây rau mươnghttps://www.thuocdantoc.org/duoc-lieu/cay-rau-muong, ngày truy cập: 02/ 09/ 2021.
  4. Tác dụng của cây rau mương trong điều trị đau nhức hiệu quả nhấthttps://thaoduochcm.com/san-pham/DANH-MUC-SAN-PHAM/cay-rau-muong/tac-dung-cua-cay-rau-muong-trong-dieu-tri-dau-nhuc-hieu-qua-nhat.html, ngày truy cập: 02/ 09/ 2021.
  5. Antiarthritic Activity of Achyranthes Aspera on Formaldehyde – Induced Arthritis in Rats, https://oamjms.eu/index.php/mjms/article/download/oamjms.2019.559/3713, ngày truy cập: 02/ 09/ 2021.
  6. Cây rau mương: Thành phần, các bài thuốc và lưu ý khi sử dụng, https://nhatnamyvien.com/cay-rau-muong-20649.html, ngày truy cập: 02/ 09/ 2021.
  7. Cỏ xước, https://www.thuocdantoc.org/duoc-lieu/co-xuoc, ngày truy cập: 02/ 09/ 2021.
  8. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, NXB Y học, HN, 2018, trang 332.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện