Rau húng chanh điều trị viêm họng và những bài thuốc hàng ngày

Lá húng chanh

Ở quê mình, mọi người không gọi rau húng chanh mà gọi là rau tần dày lá. Và đúng như vậy, lá của loài này rất dày, dày hơn cả lá mồng tơi mọng nước. Hơn nữa, toàn cây của nó đều có lông bao phủ và khi ngắt hay vò lá, nó lại tỏa ra hương thơm mạnh như hương chanh.

Tuy nhiên, hương thơm của rau tần dày lá hơi gắt và ngái hơn (có lẽ vì thế mà một số người không thích loại rau này, khi nghe mùi của nó là nhăn mũi). Ngược lại, cũng có nhiều người rất thích rau húng chanh, nhất là khi đem nấu canh chua thì “ngon hết chỗ chê!“.

Vài nét về rau húng chanh

Rau húng chanh là loài thân cỏ, sống lâu năm và khá dễ trồng bằng cách giâm cành. Thân cây và lá húng chanh đều chứa nhiều nước, riêng phiến lá thì rất giòn và mọng nước (khi gấp lá tươi lại bạn có thể nghe những tiếng gãy rất giòn). Cây có tên khoa học là Plectranthus amboinicus, thuộc họ Hoa môi.

Ngoài tên húng chanh, cây còn được gọi là rau tần, rau tần dày lá, dương tử tô (vì có công dụng gần giống Tử tô), rau thơm lông (cái tên này thật dễ hiểu), rau thơm lùn (vì cây mọc lòe xòe, khá thấp và mập)…

Cây húng chanh
Cây húng chanh

Rau húng chanh và các bệnh về da

Với rau húng chanh có điểm cộng đầu tiên là khả năng làm dịu dị ứng từ các tác nhân bên ngoài: có người dị ứng da do nguồn nước, có người do khói bụi và cũng có người bị dị ứng do mỹ phẩm.

Trong các trường hợp này, có thể hái một ít lá húng chanh tươi, giã nát, ép lấy nước rồi thoa lên, sau đó đợi gió hong khô thì rửa mặt lại. Trong những ngày đầu, nên thoa từ 2 – 3 lần mỗi ngày và giảm dần cho đến khi hết hẳn. Lưu ý, các bạn nên rửa lá thật kỹ vì chúng có nhiều lông nên rất dễ bám bụi.

Ngoài ra, với những đứa trẻ hay bị nổi rôm sẩy ở lưng thì thoa nước ép lá húng chanh cũng giúp mát da và giảm ngứa rất tốt (với trường hợp bị côn trùng, rết hay bọ cạp cắn cũng có thể giã nát lá và đắp lên).

Rau húng chanh trong y học cổ truyền

Ở quê tôi, trẻ con đa phần đều ghét lá húng chanh. Đó là vì mỗi khi bị viêm họng, chúng lại hay bị mẹ bắt uống lá húng chanh (nếu không thì là cỏ cứt heo). Được biết, trong y học cổ truyền, lá húng chanh còn được biết đến với các công dụng như:

  • Điều trị cảm lạnh, cảm sốt không ra mồ hôi được.
  • Điều trị ho đờm, ho hen.
  • Điều trị nhức đầu, nghẹt mũi, nóng rét.

Cách dùng: lấy 15 – 20 g lá tươi (khoảng 3 – 5 lá), ngâm muối, rửa sạch rồi giã nát, vắt lấy nước uống (2) (3).

Một số nghiên cứu về rau húng chanh

  • Theo tạp chí Journal of Ethnopharmacology, ở Brazil (đặc biệt là phía Đông Bắc), cây húng chanh thường được người dân dùng điều trị các bệnh về viêm và ung thư. Qua nghiên cứu trên chuột thí nghiệm, các nhà khoa học cũng đã xác định chiết xuất hydro-alcoholic từ lá húng chanh có tác dụng kháng viêm đáng kể, đồng thời cũng ức chế được sự phát triển của các tế bào ung thư (như tế bào sarcoma-180 và tế bào Ehrlich) (5).
  • Theo tạp chí International Journal of Green Pharmacy, húng chanh là cây gia vị có phạm vi phân bố rất phổ quát ở Ấn Độ. Bên cạnh đó, lá của nó được dùng điều trị nhiều chứng bệnh như: sốt rét, gan, sỏi thận và sỏi bàng quang, ho, nấc cụt, đau bụng và viêm phế quản (6).
Lá húng chanh
Lá húng chanh
  • Theo trang hindawi.com, cây húng chanh cũng là cây dược liệu dân gian khá quen thuộc ở Đài Loan, nhất là đối với các bệnh về viêm sưng. Theo đó, kết quả nghiên cứu trên chuột Lewis đã cho thấy chiết xuất từ cây húng chanh có hiệu quả đáng kể đối với bệnh viêm thấp khớp (7).
  • Theo tạp chí Pharmacognosy Research, kết quả thí nghiệm trên chuột cho thấy chiết xuất etanolic và chiết xuất nước từ bột lá húng chanh có tác dụng lợi tiểu đáng kể (giúp gia tăng về thể tích lẫn nồng độ các ion Na, K và Cl trong nước tiểu (8).

Tham khảo: Tác dụng điều trị bệnh của rau ngò rí (rau mùi)

Lưu ý

  • Mùi vị của rau húng chanh có thể không hợp với nhiều người.
  • Rau húng chanh trong bài viết này và rau húng quế (trong bài viết trước) đều có thể dùng để ăn gỏi, tuy nhiên, chúng khác với loài rau mang tên “Rau húng ăn gỏi” (vốn là rau xương sông).
Nguồn tham khảo
  1. Húng chanh, https://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%BAng_chanh, ngày truy cập: 11/ 02/ 2020.
  2. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, 1999, trang 708.
  3. Minh Hạnh (biên soạn), Chữa bệnh bằng rau củ quả và động vật, NXB Văn hóa thông tin, trang 32.
  4. Phạm Thiệp – Lê Văn Thuần – Bùi Xuân Chương, Cây thuốc bài thuốc và biệt dược, NXB Y học, 2000, trang 133.
  5. In vivo study of the anti-inflammatory and antitumor activities of leaves from Plectranthus amboinicus (Lour.) Spreng (Lamiaceae), https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0378874109004346, ngày truy cập: 11/ 02/ 2020.
  6. Pharmacognostical studies on the leaves of plectranthus amboinicus (Lour) Sprenghttp://www.greenpharmacy.info/index.php/ijgp/article/view/28, ngày truy cập: 11/ 02/ 2020.
  7. Potential Use of Plectranthus amboinicus in the Treatment of Rheumatoid Arthritis, https://www.hindawi.com/journals/ecam/2010/174726/, ngày truy cập: 11/ 02/ 2020.
  8. Diuretic activity of leaves of Plectranthus amboinicus (Lour) Spreng in male albino rats, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3140112/, ngày truy cập: 11/ 02/ 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện