Rau diếp (xà lách), vị thuốc bình dân mà đáng quý

công dụng của cây rau diếp

Là một loại rau được dùng làm thức ăn và làm thuốc cách nay hơn 4500 năm, rau diếp (xà lách) ngày nay đã được trồng và ưa chuộng trên toàn thế giới. Trong các bữa ăn hàng ngày, hầu như dĩa rau sống nào cũng có rau diếp. Thế nhưng, bên cạnh giá trị dinh dưỡng và làm mát cơ thể, dường như ít ai chú ý đến những công dụng khác của loại rau này. Trong khi đó, hàng ngàn năm y học cổ truyền đã cho thấy rau diếp là loại dược thảo dễ tìm và rất tiện dụng.

Về cây rau diếp

Rau diếp (tên khoa học: Lactuca sativa, họ Cúc: Asteraceae) (2)

Còn được gọi là xà lách, cải bèo, khổ cự, hành khổ cự, thiên hương thái… là một trong những loại rau ăn sống phổ biến ở nước ta. Rau diếp thuộc loại rau ngắn ngày, thân thảo, hình trụ và phân nhánh ở ngọn. Các lá rau diếp nhiều, mọc dày và so le từ trụ (lá ở gốc có cuốn ngắn còn các lá trên thân gần như không thấy cuốn). Phiến lá rau diếp to và có màu xanh non. Hoa rau diếp màu vàng, mọc thành cụm với nhiều nhánh hoa. Quả rau diếp màu nâu và có khía dọc, khi quả già thì cây tàn lụi.

Nhìn chung, thân cây rau diếp tương đối nhỏ và giòn, các lá mềm, dễ giập nên dân gian còn dùng nó để từ chối tình cảm một cách khéo khéo mà cũng không kém chua ngoa:

Bao giờ rau diếp làm đình

Gỗ lim làm ghém thì mình lấy ta” (3)

Rau xà lách
Rau xà lách

Cây rau diếp nhìn từ y học cổ truyền

Công dụng của cây rau diếp: Cả phần thân và lá rau diếp đều có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, tốt cho ngũ tạng, có tác dụng lợi niệu (điều trị tiểu ra máu, tiểu khó), lợi khí (điều trị ho), thông sữa, giúp dễ ngủ, sáng mắt, giải độc rượu, điều trị háo khát, đầy chướng và giúp tăng cường sinh lý. Cách dùng: ăn sống hoặc sắc uống khoảng 100 g rau diếp (1) (5).

Hải thượng y tông tâm lĩnh của Lê Hữu Trác còn ghi chép về công dụng của rau diếp như sau:

Hành Khổ Cự tục danh là rau Diếp

Đắng lạnh, lành, điều hòa, bổ tiếp

Khai vị, thanh tâm sức mạnh thay

Chữa khỏi mụn độc, sưng hung hiếp (mạn sườn)” (4)

Hạt rau diếp: Hạt rau diếp có vị đắng, tính hàn, được biết đến với hai công dụng chủ yếu là lợi tiểu và thông sữa dưới dạng thuốc sắc (20 – 30 g hạt) (1). Trong y học dân gian của người I ran, hạt rau diếp còn được dùng điều trị loãng xương và giúp giảm viêm (7).

Ngoài ra, rau diếp còn được dùng trong các trường hợp như:

  • Sưng màng phổi, suyễn: sắc uống 5 g hạt rau diếp (6).
  • Viêm da, rắn cắn: nghiền nát lá rau diếp rồi đắp lên, nếu là rắn cắn thì trộn với dầu ô liu rồi bôi lên (1) (6).
  • Mụn trứng cá: lấy vài bó rau diếp rửa thật sạch rồi luộc trong 2 lít nước, nấu cho thật sôi rồi để nguội và lấy nước rửa mặt (6).
  • Đau mắt: dùng hạt rau diếp (5 g) nấu trong một bát nước, đun đến khi sôi khoảng 5 phút thì dùng xông hơi mắt, sau đó đợi nước nguội thì lấy rửa mắt (6).

Cây rau diếp nhìn từ y học hiện đại

Với mức năng lượng thấp hơn cả dưa chuột, rau diếp được xem là một trong những loại rau giảm cân tuyệt vời (5). Nhiều chị em đã dùng rau diếp và thấy hiệu quả đáng kể, tuy nhiên, không nên dùng quá nhiều để tránh gây áp lực cho dạ dày.

Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu đã khẳng định rau diếp còn có một số hoạt tính đáng chú ý như:

  • Giảm nôn, chống viêm: Theo Tạp chí Dân tộc học (Journal of Ethnopharmacology), chiết xuất methanol của hạt rau diếp có tác dụng giảm nôn và chống viêm (mức độ hiệu quả tùy thuộc vào thời gian và liều lượng) (7).
  • Tương tác, ức chế thực vật khác: Theo Tạp chí Khoa học làm vườn (Scientia Horticulturae), chiết xuất metanol từ lá rau diếp cho thấy sự ảnh hưởng ức chế đến sự phát triển của rễ cỏ linh lăng, đồng thời, chiết xuất nước lá rau diếp cũng ức chế sự nảy mầm của hạt cỏ linh lăng (8).

Lưu ý

Cần rửa sạch rau diếp trước khi dùng và lựa chọn nguồn rau an toàn, không bị nhiễm hóa chất và các sinh vật gây hại. Nhiều người khi ăn rau diếp thường bỏ phần thân vì nó đắng hơn lá nhưng mặt khác, nó cũng ngọt và thơm hơn lá.

Nguồn tham khảo
  1. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 572.
  2. Xà lách, https://vi.wikipedia.org/wiki/X%C3%A0_l%C3%A1ch, ngày truy cập: 02/07/2019.
  3. Bao giờ cho chuối có cành, https://www.thivien.net/Khuy%E1%BA%BFt-danh-Vi%E1%BB%87t-Nam/Bao-gi%E1%BB%9D-cho-chu%E1%BB%91i-c%C3%B3-c%C3%A0nh/poem-WfKN6qfc30LJxvlGmsk3Yg, ngày truy cập: 02/07/2019.
  4. Lê Hữu Trác, Hải thượng y tông tâm lĩnh, tập 3,4, NXB Y học, Hà Nội, 2014, trang 517.
  5. Lettuce, https://en.m.wikipedia.org/wiki/Lettuce, ngày truy cập: 02/07/2019.
  6. Tạ Duy Chân, Những phương thuốc hay – Rau cỏ trị bệnh, NXB Nghệ An, 1998, trạng 105.
  7. Analgesic and anti-inflammatory activity of Lactuca sativa seed extract in rats, https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0378874104001242, ngày truy cập: 02/07/2019.
  8. Allelopathic potential in lettuce (Lactuca sativa L.) plants, https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0304423805001585, ngày truy cập: 02/07/2019.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện