Quả roi (quả mận) đối với sức khỏe và những điều cần lưu ý

Ai đã đọc, đã xem Sự tích quả roi ắt hẳn không quên hình ảnh những con ốc roi được người thầy đeo trên cổ của các học trò để theo dõi tài học và đức hạnh của họ (thay vì dùng roi để rầy dạy). Đặc biệt, hình ảnh những quả roi trắng (cây mọc lên từ mộ của người học trò nam) và những quả roi hồng (mọc lên từ mộ của người nữ) cũng là một cách lý giải hồn nhiên, thú vị về hình dáng, màu sắc của quả roi. Trên thực tế, có nhiều giống roi với các màu quả khác nhau như: trắng, xanh, hồng, đỏ…

Ở Nam Bộ, quả roi được gọi là quả mận và trước đây còn có loại mận đá trái nhỏ chỉ bằng 1/3 mận thường nhưng khi chín thì vỏ đỏ thẫm pha xanh đen, thịt cứng, đặc ruột và ngọt ngon nhưng ngày nay hầu như không thấy nữa (khác với loại mận đá trái to, có màu hồng khi chín).

Có thể nói, quả roi (quả mận) là một trong những trái cây biểu tượng của miệt vườn Nam Bộ nhưng cũng là loài cây thân thuộc có mặt trên khắp cả nước. Bên cạnh công dụng làm thức ăn tráng miệng, làm mứt, quả roi còn có tác dụng như một vị thuốc.

Về cây roi

Cây roi, hay còn gọi là cây mận, cây đào, bòng bòng, gioi, doi, mận hương tàu, roi hoa trắng… có tên khoa học là Syzygium samarangense, thuộc họ Đào kim nương: Myrtaceae) (1) (2). Lưu ý, cần phân biệt cây roi (ở miền Nam gọi là cây mận, quả hình chuông, chín giòn) với cây mận (ở miền Nam gọi là mận Bắc, quả tròn mọng, chín mềm) cũng là một loại thuốc nam quý.

Roi là cây ăn quả phổ biến của miền nhiệt đới với thân gỗ lớn, phân nhánh nhiều với nhánh non có tiết diện hơi vuông.

Lá roi to, hình thuôn dài và nhọn.

Hoa roi mọc thành chùm lớn, có màu trắng, nhiều nhị dài nên trông rất đẹp mắt.

Quả roi thuộc dạng quả mọng, hình chuông với một đầu nhọn nối liền với cuốn và đầu còn lại có lỗ rốn. Vỏ quả roi có nhiều màu khác nhau với thịt quả màu trắng, nhiều nước, khi ăn sống hơi chua chát, khi chín vẫn giòn và có vị ngọt mát (tùy theo giống mà độ rỗng ruột của quả khác nhau). Mỗi quả roi thường có vài hạt màu nâu, khá to.

Công dụng của quả doi, lá doi hay quả mận
Hình ảnh Quả roi hay còn gọi là quả mận

Giá trị dinh dưỡng và công dụng làm thuốc của quả roi

Roi là loại quả có mức năng lượng khá thấp (chỉ khoảng 25 kcal/ 100 g). Quả roi chứa nhiều nước, chất đường, chất béo, chất đạm, một số vitamin như B1, B2, B3, C và các khoáng chất như Can xi, Ma giê, Phốt pho, Ka li, Na tri, Kẽm (3).

Quả roi không chỉ ngọt mát, ăn vào giải khát và sảng khoái mà còn góp phần làm sạch miệng, lưỡi, kích thích thèm ăn, giúp mát máu, giảm sốt, lợi tiểu, lợi phổi, giảm ho đờm, làm săn se, giúp đẹp da và thư giãn thần kinh (5) (6). Một số cách dùng quả roi thường thấy là ăn tươi, ép lấy nước uống hoặc làm salad. Ngoài ra, quả roi còn được nghiên cứu để làm rượu.

Bên cạnh đó, trong y học cổ truyền, vỏ và lá cây roi cũng được dùng làm thuốc với tác dụng kháng sinh (2), rễ cây roi với tác dụng lợi tiểu, điều trị ngứa da (6). Tuy nhiên, do lá và thân cây roi chứa độc tố là cyanide nên các bài thuốc từ cây roi ít được sử dụng (4).

Hình ảnh Quả roi hay còn gọi là quả mận
Quả doi đỏ, mận đỏ

Những lưu ý khi dùng quả roi

  • Phụ nữ mang thai không nên ăn quá nhiều quả roi để tránh đi tiểu nhiều lần (7).
  • Quả roi rất dễ bị sâu bệnh gây thối ủng, rụng quả nên thường bị phun hóa chất, đồng thời, rốn quả là nơi dễ tích bụi và các côn trùng như sâu, kiến… Do đó, trước khi ăn cần rửa rạch vỏ quả với nước muối (7).
  • Không nên ăn quá nhiều quả roi (nhất là lúc đói) để tránh sót ruột, lạnh bụng, đau bụng, tiêu chảy… Bên cạnh đó, cũng không nên ăn quả roi cùng lúc với dưa chuột (vì enzyme trong dưa chuột sẽ triệt tiêu vitamin C trong quả roi), đồng thời cũng không nên ăn quả roi cùng lúc với tôm (để tránh vitamin C trong quả roi phản ứng với asen pentoxide trong tôm tạo thành chất độc gây buồn nôn, chóng mặt, khó tiêu…) (8).

Một số nghiên cứu về cây roi

  • Quả: Theo tạp chí African Crop Science Journal, nước ép từ quả roi có hoạt tính kháng khuẩn và kháng nấm (9).
  • : Theo tạp chí Global Journal of Pharmacology, kết quả nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất methanolic từ lá roi có tác dụng giảm đau và chống viêm (10).
  • Bên cạnh đó, theo tạp chí African Journal of Traditional, Complementary and Alternative Medicines, lá cây roi còn được dân gian dùng để điều trị cảm lạnh, ngứa và đau thắt lưng; đồng thời, kết quả thí nghiệm trên chuột cho thấy chiết xuất methanolic từ lá cây roi còn giúp cải thiện trình trạng tăng đường huyết ở chuột tiểu đường (11). Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, không nên tự ý dùng lá và thân cây roi làm thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Nguồn tham khảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện