Phục long can (đất lòng bếp) đã được dùng làm thuốc như thế nào? ( 4)

Phục long can

Bạn có tin rằng đất lại có thể dùng làm thuốc không?
Có đấy. Trong Đông y, ta có hoàng thổ và phục long can là hai vị thuốc có nguồn gốc từ đất, trong đó, phục long can (tức đất lòng bếp) là vị thuốc phổ biến, được bào chế và bán rộng rãi ở Trung Quốc.

Ngoài tên gọi phục long can (伏龙干) thì ở Trung Quốc, người ta còn gọi nó là táo tâm thổ (灶心土). Vậy, vị thuốc này hình thành như thế nào và xét về công dụng thì nó có gì đặc biệt?

Vài nét về phục long can

Phục long can chính là đất ở dưới lòng bếp – phần đất do bị nun nóng nhiều mà khô và cứng lại, bên ngoài có màu hơi đỏ, bên trong có màu vàng đất hay tia tía. Vị thuốc này nhà nào cũng có thể tạo ra.

Phục long can

Theo y học cổ truyền, phục long can có vị cay, tính hơi nóng và là vị thuốc lành tính, không có độc. Khi dùng, thuốc này thông vào hai kinh là Tỳ và Vị (1).

Công dụng làm thuốc của phục long can

Đây là vị thuốc có từ cổ xưa và được nói đến trong nhiều công trình y học nổi tiếng như: Bản thảo bị yếu, Bản thảo cương mục, Bản thảo cầu chân…

Phục long can - táo tâm thổ
 táo tâm thổ

Được biết, trong thực hành y học, phục long can được biết đến với nhiều công dụng như:

  • Cầm máu, điều trị băng huyết, thổ huyết.
  • Giúp tiêu phù thũng.
  • Giảm đầy hơi, cầm nôn.
  • Điều trị đau tim.
  • Điều trị bạch đới ở phụ nữ.
  • Điều trị di tinh ở nam giới.
  • Điều trị tiểu dầm ở trẻ nhỏ.
  • Điều trị tràng phong, đỏ mũi.
  • Giúp cho dễ sinh nở.
  • Dùng trong trường hợp bị gió độc liễm vào ruột, phong tà trúng độc.

Nói về công dụng làm thuốc của phục long can, sách Bản thảo cầu chân còn ghi: “Vạn vật không có thổ không được dưỡng sinh. Phục long can là thổ bổ tỳ vị (thuộc thổ) cho nên chữa được các chứng huyết trong thân thể người ta“.

Liều lượng: mỗi ngày, lấy từ 20 – 40 g dược liệu, sắc lấy nước rồi đổ ra chén, sau đó đợi cho chất cặn lắng xuống thì hớt lớp nước ở trên và uống.

Lưu ý: Mặc dù là vị thuốc lành tính nhưng không phải ai cũng có thể dùng đất lòng bếp. Theo khuyến nghị thì những người bị bệnh mà không phải do hàn thấp thì không được dùng (1) (2).

Các bài thuốc cụ thể thường dùng

Liều dùng và cách dùng phục long can đã được đề cập ở phần trên. Tuy nhiên, trong các trường hợp cụ thể, liều lượng và cách thức sử dụng vị thuốc này sẽ có thay đổi ít nhiều, cụ thể như:

  • Với trường hợp mang thai bị nôn mửa: ta lấy 50 g dược liệu, tán nhỏ, cho thêm 300 ml nước rồi nấu cho đến khi nước rút còn 200 ml thì rót ra chén, đợi cho thuốc lắng trong thì lọc lấy lớp nước trong ấy rồi chia thành nhiều lần uống trong ngày.
  • Với trường hợp bị trúng phong khiến cho cấm khẩu, tâm trí hoảng loạn, bụng đầy trướng, tay chân cứng và đờ ra (thỉnh thoảng có trường hợp ngất xỉu rồi tỉnh lại): ta lấy 200 g phục long can, giã nát ra rồi hòa với nước, sau đó để một lát cho nước cặn lóng xuống thì hớt lớp nước trong ở trên và uống.
  • Với trường hợp thai chết trong bụng và thai phụ cũng ngất đi: lấy 12 g đất lòng bếp, nghiền nát ra rồi hòa với nước và đổ cho uống.
  • Với trường hợp thai nằm ngang khiến cho sinh khó: với trường hợp này, ta cố gắng tìm phục long can nhưng phải là phần được lấy ở giữa trôn nồi, mỗi lần uống thì lấy 4 g nghiền nhỏ ra rồi hòa với rượu và uống (sau đó lấy thêm một ít hòa với rượu và xoa lên rốn thai phụ) (1).

Thông tin thêm

Khi cần làm thuốc, nếu không có phục long can thì dân gian thường lấy một ít gạch, đem nun đỏ lên rồi nhúng vào nước (khi gạch vẫn còn đang nóng đỏ), sau đó chắt nước ấy ra, đem nấu sôi lên và uống. Mặt khác, trước đây, nhiều nhà còn lợp ngói thì người ta cũng dùng ngói tương tự như cách dùng với gạch vừa kể trên (2).

Nguồn tham khảo
  1. Nguyễn Văn Quý – Nguyễn Phương, Thuốc Bắc thường dùng, NXB Y học, 2002, trang 602.
  2. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, 1999, trang 1046.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

4 câu hỏi về “Phục long can (đất lòng bếp) đã được dùng làm thuốc như thế nào? ( 4)

4
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện