Phân biệt 3 loại cây đều có tên “ngô đồng”

Cây ngô đồng

Năm nay, cây ngô đồng tại kinh thành Huế nở hoa rực rỡ, làm ấm cả một vùng trời. Sau khi các nhiếp ảnh gia chia sẻ ảnh của cây ngô đồng lên mạng, nhiều người bất ngờ: “Cây ngô đồng là cây này sao?” vậy bạn đã biết phân biệt cây ngô đồng và có bao nhiêu loại ngô đồng chưa.

Trong suy nghĩ của nhiều người, cây ngô đồng là cây bắp ngoài ruộng mà chúng ta trồng để lấy trái luộc ăn. Vâng, nó cũng được gọi là ngô đồng, bắp đồng…

Và bài Lý chiều chiều mà người Nam Bộ hay hát chính là để chỉ nó: “Chiều chiều ra đứng tây lầu tây, thấy cô tang tình gánh nước, Tưới cây, tưới cây ngô đồng“.

Cây bắp
Cây bắp (cây ngô, lấy trái)

Ngoài cây bắp này thì còn một loại cây khác cũng được gọi là cây ngô đồng, đó là cây sen kiểng. Thân nó như thân cây sứ, hoa màu đỏ, mọc thành chùm như hoa cây sống đời, lá và hạt của nó như hạt sen (mặc dù nó không có gương nhưng hạt của nó nhìn rất giống hạt sen). Trong dân gian, cây này được dùng làm thuốc ngoài da nhưng cũng là loài cây khiến nhiều người e sợ vì nó có độc.

Cây ngô đồng
Cây ngô đồng – sen kiểng (loài cây có độc)

Ở miền Nam, nhiều trường hợp tử vong đã xảy ra vì ăn nhầm hạt của cây này. Sau khi ăn hạt, quả hoặc một số bộ phận của cây này thì nạn nhân sẽ thấy rát cổ họng, buồn nôn, đau bụng…, nếu không đưa đến bệnh viện kịp thời thì sẽ tử vong.

Ngoài cây này thì một loài cây nữa cũng có tên là ngô đồng, nhưng là thân gỗ, cổ thụ. Đó là cây ngô đồng trong thơ ca Việt Nam và Trung Quốc thời xưa:

Ngô đồng nhất diệp lạc

Thiên hạ cộng tri thu

(Một chiếc lá ngô đồng rụng

Cả thiên hạ đều biết thu sang)

Cây ngô đồng
Cây ngô đồng (cây lấy gỗ)
Cây ngô đồng nở hoa
Cây ngô đồng ở kinh thành Huế nở hoa hồng cả một vùng trời

Theo truyền thống thì gỗ cây ngô đồng thân gỗ truyền âm rất tốt nên người xưa đã dùng nó làm thân đàn, đặc biệt là các loại đàn cổ như cổ cầm, Dao cầm, cổ tranh…

Ngoài ra, vỏ cây ngô đồng này còn có thể khai thác để lấy sợi, lá thì được dùng làm thuốc hút thay cho thuốc lá… tuy nhiên, những công dụng này cũng không phổ biến.

Hiện nay, cây ngô đồng được xem như biểu tượng văn hóa của Trung Quốc và là loại cây công trình, cây lấy gỗ… Ở Việt Nam, cây ngô đồng cổ thụ rất hiếm.

Ngoài tên gọi này, nó còn được gọi là cây trôm đơn, cây bo xanh, cây tơ đồng, cây bo rừng… (có tên khoa học là Firmiana simplex (1).

Thông tin thêm

Hiện nay, ở Việt Nam, rất nhiều chưa biết cây ngô đồng (loại có lá như lá sen) là có độc. Vì vậy, người ta trồng nó làm cảnh và vô tình gây ra nhiều vụ ngộ độc không đáng có (thường là trẻ em thấy xanh xanh đỏ đỏ nên hái ăn).

Không chỉ thế, nhiều trang mạng xã hội, kể cả những trang báo nổi tiếng cũng nhầm lẫn giữa 3 loại cây này. Mình tra thử với từ khóa “cây ngô đồng” thì đã thấy ít nhất hai trang báo nổi tiếng không phân biệt được cây sen kiểng (ngô đồng) và cây ngô đồng cổ thụ. Khi đang nói về công dụng của cây này thì lại dẫn hình ảnh của cây kia, điều này rất nguy hiểm, bởi vì người đọc có thể sẽ áp dụng các bài thuốc đó và gặp nguy hiểm.

Vì vậy, là người đọc thông thái, bạn nên xem xét tính an toàn khi sử dụng các bài thuốc được đăng trên mạng. Ngay cả những trang có uy tín, đôi khi người biên tập cũng nhầm.

Trên thực tế, nhiều vị thuốc khác cũng hay bị nhầm, ví dụ như nhiều người không phân biệt được cây dừa nước (mọc thành từng bụi lớn) với rau dừa nước (một loại rau), hoa mai (mai vàng miền Nam) với mai hoa (tên Hán Việt của hoa mơ miền Bắc), hoa quế (hoa của cây rau quế – rau húng chó) với quế hoa (hoa của cây mộc hương); mộc hương (vị thuốc dùng củ làm thuốc, cây như cây cải) với mộc hương (hoa cây mộc hương, loại cây cho hoa thơm)…

Đây rõ ràng là vấn đề quan trọng mà những làm nghề thuốc (cũng như viết về thuốc) cần lưu ý, bởi vì nếu dùng nhầm thì sẽ gây ra những tác hại không đáng có (thậm chí là gây chết người).

  1. Ngô đồng, https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C3%B4_%C4%91%E1%BB%93ng, ngày truy cập: 13/ 04/ 2023[]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện