Thời học phổ thông, lũ con gái chúng tôi có thói quen xấu trong giờ ra chơi là ngồi mân mê mấy nốt mụn trên mặt rồi “ngứa tay” tự nặn lấy, có đứa nặn xong còn đưa tay vào miệng chấm nước bọt thoa lên.
Bạn biết đấy, hành động ấy trong mắt bọn con trai là “không thể hiểu nổi”. Bọn nó trố mắt nhìn chúng tôi như những sinh vật đến từ “sao Kim” vậy.
Thật ra, khi chúng ta bị đứt tay, trầy xước, ghẻ lở, bỏng nhẹ, muỗi chích, … mà không có gì thoa thì tiện nhất là nước bọt. Cả mụn đinh râu trên mặt hay mụn nhọt ở mông, nếu phát hiện sớm và thoa nước bọt lên (tốt nhất là nước bọt buổi sáng sớm, lúc chưa đánh răng) thì nó sẽ từ từ lặn.
Riêng với mụn hạt cơm, dân gian thường lấy nước bọt buổi sáng thoa lên liên tục và thoa liên tiếp 10 ngày như thế để mụn hạt cơm teo lại và biến mất. Bạn có thấy bất ngờ không?
Ứng dụng nước bọt trong đời sống hàng ngày
Từ xa xưa, các thầy thuốc đã rất quý nước bọt, xem nó là dịch thể qúy giá và gọi nó bằng những cái tên mỹ miều như: thần thủy, ngọc tuyền, ngọc trì thủy, hoa trì thủy…
Theo y học cổ truyền, nước bọt là một loại tân dịch lành tính giúp nhuận ngũ tạng, kéo dài tuổi thọ, làm tăng nguyên khí ở đan điền, làm mềm da, tan màng mộng và giúp bổ não, ích tủy.
Về vấn đề này, y văn Trung Hoa cũng nhấn mạnh việc nuốt nước bọt giúp khỏe cơ đẹp da, bồi bổ ngũ tạng. Danh y Đào Hoằng Cảnh (thời Nam Bắc Triều) còn viết: “Thực ngọc tuyền giả, năng sử nhân diên niên, trừ bách bệnh“, nghĩa là người nuốt nước bọt có thể sống lâu, trừ được nhiều loại bệnh.
Cách dùng: nuốt nước bọt hàng ngày.
Bên cạnh đó, theo các nhà nghiên cứu thì trong nước bọt còn chứa chất giúp ức chế ung thư đường tiêu hóa. Vì vậy, ăn chậm, nhai kỹ cho nước bọt tiết ra nhiều cũng là cách vừa ngăn bệnh về đường tiêu hóa, vừa hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
Ngoài các công dụng đã kể trên, nước bọt còn giúp:
- Giữ độ ẩm cho khoang miệng không bị khô.
- Giúp dễ nhai thức ăn hơn.
- Cầm máu các vết thương, đặc biệt là trong trường hợp nhổ răng hay đứt tay.
- Tách các mảnh vụn của thức ăn ra khỏi răng, giúp răng sạch hơn (1) (2) (3).
Trong nước bọt có những chất gì đáng chú ý?
Nước bọt trong suốt nhưng lại chứa rất nhiều thành phần hoạt chất tốt cho sức khỏe, chẳng hạn như:
- Enzyme ptyalin (Enzyme amylase): tốt cho quá trình tiêu hóa.
- Enzyme Muramidase (Enzyme Lysozyme): giúp diệt khuẩn (1).
- Opiophin: chất giúp giảm đau (mạnh hơn cả Morphin).
- Protein SLPI: giúp vết thương không bị nhiễm khuẩn và mau lành.
- IgA và các hormon: thúc đẩy sự sinh trưởng của tế bào, kéo dài tuổi thọ (2).
- Immunoglobulin: giúp tăng cường miễn dịch (3).
Ngoài ra, trong nước bọt còn chứa nhiều loại vitamin, nội tiết tố, axit hữu cơ và các loại men khác… (3).
Kết hợp nuốt nước bọt và gõ răng
Nhiều năm trước, mẹ tôi thường thức sớm tập thể dục rồi gọi chị em chúng tôi cùng thức để tập các bài thể dục như: xoa nóng hai bàn tay và áp lên mắt (để sáng mắt); lấy cùm tay gõ nhẹ vào hàm răng 36 cái cho hai hàm răng va vào nhau (giúp chắc răng).
Được biết, trong dân gian, việc gõ răng còn được kết hợp cùng bài tập nuốt nước bọt để tăng sự tiết nước bọt, cải thiện khả năng nhai, giúp răng chắc, tăng cường hiệu quả tiêu hóa và bảo vệ dạ dày.
Cách thực hiện như sau:
- Bước 1: Ngồi thoải mái, thư giãn, mắt khép lại nhẹ nhàng.
- Bước 2: Lấy lưỡi đảo đều trong khoang miệng cho tiết ra nước bọt (đặc biệt là mép ngoài của cả hai hàm răng).
- Bước 3: Khi thấy nước bọt đã đầy miệng, bạn dùng nước bọt ấy súc miệng 10 cái rồi nuốt một ít xuống (chia ra sao cho nuốt 3 lần thì hết số nước bọt ấy).
- Bước 4: Dùng tay gõ nhẹ nhàng cho hai hàm răng va vào nhau (gõ 100 cái).
Bài tập này bạn nên thực hành 3 lần mỗi ngày thì sẽ thấy hiệu quả (3).