Với những người ăn chay thì nấm rơm là loại thực phẩm được đề xuất vì nó có chứa đến 8 loại axit amin cần thiết cho sức khỏe con người (giúp bổ sung chất đạm thay cho thịt, cá). Hiển nhiên, không thể ăn nấm rơm liên tục mỗi ngày vì nấm này rất âm tính (1).
Tuy nhiên, mỗi tuần ăn vài ba lần nấm rơm thì lại rất tốt cho sức khỏe, nhất là những người bị tiểu đường và tim mạch. Vậy, trong nấm rơm có các chất gì mà lại có tác dụng này và mỗi lần dùng bao nhiêu là đủ?
Nấm rơm đối với bệnh nhân tiểu đường
Như chúng ta đã biết, nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh tiểu đường type 2 chính là cơ thể sản xuất insulin nhưng các insulin này lại không thực hiện được chức năng đưa đường cho tế bào sử dụng, vì vậy, lượng đường trong máu dần dần tăng lên và quá mức. Với tiểu đường type 1 thì cơ thể không thể sản xuất insulin – tình trạng này lại càng nghiêm trọng hơn.
Trong khi đó, nấm rơm có chứa các các insulin tự nhiên nên rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Không chỉ thế, nấm này cũng chứa rất ít đường. Mặt khác, các chất có trong nấm rơm còn tác động đến gan, tụy, giúp tuyến tụy sản sinh insulin theo nhu cầu của cơ thể.
Vì vậy, ăn nấm rơm thường xuyên sẽ giúp các bệnh nhân tiểu đường cải thiện tình trạng bệnh và ngăn ngừa biến chứng nhiễm trùng vết thương (do bệnh tiểu đường). Có được tác dụng này là nhờ nấm rơm có chứa các khoáng chất như Đồng (giúp hỗ trợ các cơ quan nội tạng chống lại vi khuẩn) và các chất kháng sinh (giúp ngăn ngừa nhiễm trùng) (2).
Nấm rơm đối với bệnh nhân tim mạch
Nấm rơm còn là thực phẩm tốt cho hệ tim mạch. Vì sao ư? Hãy điểm qua các lợi ích sau nhé!
- Thứ nhất, nấm rơm chứa nhiều kali nên tốt cho mạch máu, hạn chế tình trạng đông máu.
- Thứ hai, nấm rơm giúp hạ huyết áp và tăng cường miễn dịch.
- Thứ ba, nấm rơm giúp giảm mỡ xấu trong cơ thể và ngăn ngừa xơ vữa động mạch (2).
Vì vậy, bệnh nhân tim mạch nên ăn thêm nấm rơm (mỗi tuần hai hoặc ba lần) để hỗ trợ điều trị bệnh. Bạn có thể chế biến thành nhiều món như kho, chiên bột, luộc sả, nấu canh, xào…
Lưu ý khi ăn nấm rơm
- Nấm rơm là thực phẩm có tính hàn cao (rất âm tính), vì vậy, không nên ăn quá nhiều trong ngày và phải nấu chín kỹ (vì nếu ăn nấm chưa chín hẵn sẽ gây ngộ độc, ói mửa).
- Nam giới không nên ăn quá nhiều nấm (cả nấm rơm, nấm đùi gà và các loại nấm nói chung) vì ăn quá nhiều sẽ làm cơ thể hư hàn, làm giảm ham muốn sinh lý ở phái mạnh (theo kinh nghiệm dân gian).
Nấm rơm và cánh đồng tuổi thơ
Lớn lên nơi đồng quê quanh năm lam lũ, cứ hết mùa lúa này lại đón thêm mùa mới. Trang ký ức mà chúng tôi mang theo suốt cuộc hành trình khôn lớn không gì khác ngoài cây lúa, cánh diều và… có cả đống rơm khô.
Ngày đó, những lúc cả làng cùng bước vào mùa gặt, bọn trẻ chúng tôi chỉ mong mau chóng tan học để về đến nhà, ngồi vào bàn và ăn nhanh thật nhanh chén cơm còn đang nóng hổi để chạy ra đồng, nhào lộn với đống rơm chơi.
Được vài ngày như thế, chúng tôi lại cùng mẹ vận chuyển rơm vào sân để ủ rơm làm nấm. Thật ra, cứ để rơm tự hoai mục thì nó cũng sẽ sản sinh ra một loại nấm rơm tự nhiên (ăn cũng rất ngon). Tuy nhiên, vì sợ nhầm lẫn với “nấm chó đái” và nấm độc nên người ta ít ăn.
Để có nấm rơm, ta phải mua các chai “meo nấm” từ trại giống rồi vò, trải một đường lên rơm (loại rơm đã ủ chín). Lợi nhuận từ nghề trồng nấm tùy theo kinh nghiệm trồng và giá cả từng mùa.
Thế rồi, từng cái nấm con con được gọt sạch, rửa sạch và chế biến thành món nấm xào chay, nấm kho sả ớt… Hờn một nỗi, một tuần mẹ chỉ làm cho ăn có hai, ba lần, nhiều lúc muốn ăn nhiều và nhiều hơn nữa nhưng mẹ nói ăn nhiều không tốt, cứ ăn nấm như vậy là khoẻ người rồi!
Thông tin thêm
Thông thường, trồng nấm rơm thì phải dùng rơm phủ kín luống để giữ ẩm và tránh ánh nắng. Tuy nhiên, ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, nhiều người vẫn trồng thành công nấm rơm mà không cần che đậy kỹ càng, tốn ít công chăm sóc mà vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bạn có thể tham khảo cách trồng tại đây: Những kinh nghiệm mới trong kỹ thuật trồng nấm rơm bằng cách không đậy
Kim Lụa