Mía lau điều trị thiếu máu, suy nhược và giải độc rượu

Các lóng mía lau

Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một như đường mía lau
(Ca dao)

Đường mía lau là loại đường ngọt gấp nhiều lần so với đường mía thông thường và có hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được.

Trong thực nghiệm lâm sàng ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, các nhà thực hành y học đã dùng loài cây này bồi bổ cho những bệnh nhân thiếu máu, suy nhược, mệt mỏi do bị bệnh lâu ngày. Bài thuốc này dùng khoảng một tuần thì bắt đầu thấy hiệu quả (theo lương y Hoàng Duy Tân).

Cách dùng như sau:

  • Chuẩn bị: 200 ml nước ép mía lau, 3 lát gừng tươi (cho vào nước mía).
  • Thực hiện: Đun cho nóng ấm rồi uống (không cần đun sôi, chỉ cần để lửa liu riu cho nước ấm là được).

Điểm đặc biệt của bài thuốc này là mía lau có vị ngọt làm mạnh tỳ (lá lách), trợ vị (dạ dày). Tuy nghiên, vì quá ngọt nên nó có thể làm ảnh hưởng đến tỳ vị (khiến đầy bụng) nên ta thêm vào 3 lát gừng tươi để làm ấm tỳ vị, kích thích tiêu hóa.

Hiệu quả: Thông thường thì sau một tuần sử dụng bài thuốc trên, người bệnh sẽ được phục hồi sức khỏe: ăn uống ngon hơn, da dẻ hồng hào lại, không còn xanh xao do thiếu máu (1).

Công dụng làm thuốc của mía lau (cam giá).

Theo y học cổ truyền, mía lau có vị ngọt, tính bình, chứa nhiều nước nên giúp trừ nhiệt, chỉ khát, hòa trung, hành thủy. Nước ép mía lau ngọt sắc, giải khát, vừa giúp thông tiểu tiện lại vừa nhuận huyết nên được dùng trong bài thuốc điều trị thiếu máu đã nói ở trên (2).

Mía lau
Hình ảnh cây tươi

Ở Vân Nam, Trung Quốc, người ta còn dùng cây này để điều trị các bệnh về nhiệt làm tổn thương đến tân dịch, dẫn đến chứng tâm phiền khẩu khát (miệng khô khát), ho do khô phổi và cổ họng sưng đau. Ngoài ra, cây còn còn giúp giải độc rượu và điều trị chứng phù khi mang thai (2).

Và để làm tăng hiệu quả thanh nhiệt, lợi tiểu, dân gian thường dùng mía lau cùng với rễ tranh để rễ tranh làm vị thuốc hỗ trợ, giúp tăng tác dụng thanh nhiệt, đồng thời làm tăng công năng vận chuyển đường thừa và nước thừa ra khỏi cơ thể (sau khi đã hấp thụ và chuyển hóa).

Lưu ý: Dùng thuốc cho đến khi khỏi bệnh thì ngưng, không được lạm dụng và người bị tiểu đường thì không nên dùng (2).

Thông tin thêm

Mía lau có tên khoa học là Saccharum sinensis, thuộc họ Lúa (3). Thân cây nhỏ và cứng hơn mía thông thường nên ít dùng để ăn mà hầu như chỉ dùng làm thuốc.

Có thể thấy, mía lau là vị thuốc bình dân của người miền Nam và cũng là hình ảnh thân thuộc của làng quê thôn dã. Dân gian có câu:

Ngọn mía lau khô trồng trên bờ lộ
Phải điệu can trường lội bộ đến đây”

(Ca dao)

Ấy là để nói đến tâm tình của đôi lứa yêu nhau (can trường có nghĩa là gan ruột, ám chỉ nỗi lòng thương nhớ). Ở nước ta, cây mía lau mọc ở rãi rác ở nhiều tỉnh phía Nam và khó tìm hơn mía thông thường. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tìm thấy cây này trong các chợ (ở các sạp bán đồ tươi và rau củ quả thường sẽ có bán bó nước mát gồm 2 lóng mía tươi, một ít lá dứa, rễ tranh, thuốc dòi,…).

Nước mía lau rễ tranh thuốc dòi
Mía lau, rễ tranh, thuốc dòi – những nguyên liệu chính của nước mát

Ngoài mía lau thì còn nhiều loại mía khác cũng được dùng làm thuốc, chẳng hạn như mía miến Sorghum propinquum được dùng điều trị thủy thũng và giúp thanh nhiệt, an thần. Với loại mía này thì ta chỉ dùng rễ, không dùng thân như cây mía lau (2) (4).

Nguồn tham khảo
  1. Công dụng của mía lau, https://www.youtube.com/watch?v=xk9wA4fGaik, ngày truy cập: 16/ 10/ 2020.
  2. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 2, NXB Y học, HN, 2018, trang 97.
  3. Saccharum sinensehttps://vi.wikipedia.org/wiki/Saccharum_sinense, ngày truy cập: 17/ 10/ 2020.
  4. Sorghum propinquum, https://vi.wikipedia.org/wiki/Sorghum_propinquum, ngày truy cập: 17/ 10/ 2020.

HỎI ĐÁP CÙNG CHUYÊN GIA

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện