Mật hoa dừa và đường dừa có tác dụng gì?

Mật hoa dừa

Đầu rồng đuôi phụng le hoe

Mùa xuân ấp trứng mùa hè nở con“.

Là cái gì?

Vâng, là hoa dừa, lúc chưa nở thì dân gian gọi là cái “lưỡi mèo”. Cái “lưỡi mèo” này, lúc còn non bạn có thể ăn được (ngọt ngon như củ hủ dừa vậy). Khi nó nở bung, ong sẽ đến thụ phấn và đậu quả, tạo thành quầy dừa. Tuy nhiên, nó còn có một công dụng thú vị khác nữa, đó là cung cấp mật hoa dừa để nấu đường dừa.

Gọi là mật hoa dừa nhưng trên thực tế, nó không phải là chất mật tiết ra từ hoa (như hoa tràm) mà là chất dịch mật (nước chiết, mật đường) tiết ra khi ta cắt bắp hoa của nó (cắt lúc bông mo chưa nở, lưu ý chọn cây từ 4 – 6 năm tuổi để thu được nhiều dịch mật hơn và phải có kỹ thuật gõ nhẹ bắp hoa để kích thích các mạch dẫn tiết ra dịch mật) (1) (2).

Lấy mật hoa dừa
Lấy mật hoa dừa

Mật hoa dừa có tác dụng gì?

Dịch mật hoa dừa có vị ngọt vì chứa từ 12 – 17 % đường (tùy theo giống dừa) và trung bình mỗi cây có thể cho 1 – 1,3 lít dịch mật mỗi ngày (kết quả theo dõi trên cây dừa ta và dừa dâu được trồng tại Bến Tre).

Từ mật hoa dừa, bạn có thể đun lên (với nhiệt độ khoảng 60oC) để làm nước uống giải khát và cũng có thể lên men làm rượu, làm giấm. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nấu lên để cô đặc làm si rô, làm đường dừa…

Mật hoa dừa
Mật hoa dừa

Được biết, mật hoa dừa chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho sức khỏe, đặc biệt là các vitamin nhóm B. Không chỉ thế, kết quả nghiên cứu trên cây dừa ta và dừa dâu tại Bến Tre còn cho thấy nhiều số liệu ý nghĩa như:

  • Hàm lượng đường trong mật hoa dừa khá cao: từ 14 – 16 % (phần lớn là đường sucrose, ngoài ra còn chứa glucose và fructose).
  • Hàm lượng Ka li, Na tri, Ni tơ, Phốt pho, Ma giê trong mật hoa dừa đều cao (ngoài ra còn chứa Can xi, Sắt, Đồng…).
  • Hàm lượng vitamin C cũng khá cao: 183,4 mg/L.
  • Chứa nhiều loại axit amin khác nhau, trong đó có 6 axit amin thiết yếu là threonine, lysine, valine, leicine, Isoleucine, phenylalanine (1) (2).

Đường dừa có tác dụng gì?

Được biết, đường được làm từ mật hoa dừa có chỉ số đường huyết thấp (GI = 35 ± 4) và si – rô được làm từ mật hoa dừa cũng có chỉ số đường huyết thấp (GI = 39 ± 4).

Đường dừa
Đường dừa

Vì vậy, hai dạng thực phẩm tạo ngọt này được xem là có lợi cho sức khỏe con người (so với đường tinh luyện). Với những người muốn phòng ngừa tiểu đường hoặc kiểm soát đường huyết thì đường dừa (cũng như đường thốt nốt) cũng được chú ý nhiều hơn.

Ngày nay, đường dừa được xem là một trong những chất tạo ngọt tự nhiên được khuyên dùng để thay thế cho đường tinh luyện (thường dùng trong các món ăn như nấu chè, kho cá, làm nước chấm, làm bánh, pha cà phê,… (1) (2).

Mật hoa dừa, đường dừa và những thách thức

Nước ta có nhiều dừa, nhất là vựa dừa Bến Tre. Tuy nhiên, hầu như việc sản xuất dừa và các sản phẩm từ dừa chỉ phát triển mạnh ở khâu sản xuất dừa trái.

Có thể thấy, cây dừa có rất nhiều tiềm năng để sản xuất mật hoa dừa làm đường nhưng thực tế vẫn có những hạn chế nhất định, đó là:

  • Việc sản xuất đa phần mang tính thủ công – kinh nghiệm: từ khâu trèo chiết dịch mật, gõ bắp hoa cho đến thu lấy nước chiết hàng ngày…, những việc này đòi hỏi rất nhiều nhân công lao động có kinh nghiệm.
  • Mật hoa dừa dễ bị lên men (tương tự như mật chiết từ cuống hoa thốt nốt). Vì vậy, nước mật tươi dù ngon nhưng lại khó bảo quản, khó vận chuyển và tiêu thụ đi xa. Do đó, việc sản xuất chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, với loại hình sản phẩm chủ yếu là si rô, đường dừa và khó mở rộng quy mô sản xuất (1) (2).
Nguồn tham khảo
  1. Giá trị dinh dưỡng của mật hoa dừa, http://hiephoiduabentre.com.vn/index.php?Module=Content&Action=view&id=5474&Itemid=104, ngày truy cập: 21/ 05/ 2021.
  2. Mật hoa dừa – Sản phẩm tinh túy từ cây dừahttp://hiephoiduabentre.com.vn/index.php?Module=Content&Action=view&id=7616&Itemid=125, ngày truy cập: 21/ 05/ 2021.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện