Màn ri hoa tím dùng ngoài da điều trị chín mé, sưng vú, nhức đầu

Màn ri hoa tím

Ở quê tôi, cây màn ri hoa tím mọc rất nhiều ở các bờ ruộng và ven đường đi. Ai cũng biết cây này được dùng làm thuốc nhưng lại không biết rõ nó điều trị được những bệnh gì.

Mặc dù vậy, khi thấy từng bụi màn ri nở hoa tim tím, nhiều người lớn tuổi ở quê tôi lại nhổ lên rồi giũ sạch đất cát, đem sửa sạch, sau đó chặt nhỏ ra, phơi khô trên các tấm đệm rồi đem cho các phòng thuốc nam.

Còn nhớ lúc tôi còn nhỏ, vào mùa màn ri tím nở hoa, ông Ngoại tôi lại đi nhổ về và phơi đầy sân lúa. Tuổi già của ông là đi tìm cây này cây nọ phơi rồi gom vào bao, ông bảo thuốc này không nhổ, để nó hư mục thì uổng lắm. Riêng tôi, tôi được giao nhiệm vụ đuổi gà. Những lúc như thế, tôi đi vòng vòng nhà hái hoa bình linh chơi nhà chòi rồi cứ chốc chốc lại rượt lũ gà chạy tung lên, đến khi mệt quá thì ngồi một chỗ, lấy đất ném để hù dọa chúng.

Phơi thuốc nam
Phơi thuốc nam (ảnh minh họa)

Cây màn ri này, thấy vậy chứ rất dễ bị mốc. Ngay sau khi hái, bạn phải nhanh chóng rửa sạch, lặt bỏ lá úa và cỏ rác rồi phơi dàn mỏng ra, cố gắng cho nó khô dốt dốt trong ngày (không kịp thì mới để qua đêm, hôm sau phải cố gắng phơi cho khô, nếu không, nó sẽ bị thối rửa, mềm rã và lên mốc ngay). Và thuốc nam mà hư mốc thì uống vào lại càng mang bệnh thêm.

Thế mới thấy, công đoạn phơi thuốc là công đoạn rất quan trọng trong nghề làm thuốc và nó cho thấy cái tâm của người đó nữa. Đó là vì sau khi phơi khô, thuốc đã bị hỏng khô quắt lại thì cũng không khác nhiều so với thuốc nguyên vẹn và người uống nếu không để ý thì sẽ khó mà biết được. Cho nên cùng một đơn thuốc mà có người uống vào khỏi bệnh, có người càng uống càng nặng hơn thì nguyên nhân một phần cũng nằm ở chất lượng thuốc trong quá trình phơi phóng (riêng màn ri, sau khi phơi khô, bạn kiểm tra và nếu thấy các đoạn thân của nó bị dính chùm lại thành từng mảng nhỏ, hơi dẹp và không còn rõ hình dáng của cọng thuốc thì đó là dấu hiệu của thuốc đã bị thối rửa trong lúc phơi). Thông thường, mỗi đợt phơi màn ri cũng sẽ có ít nhiều mảng lá bị thối, lúc này ta nhặt bỏ là được.

Màn ri hoa tím
Màn ri hoa tím

Cho nên bây giờ, mỗi khi thấy những bụi cây màn ri mọc lẻ loi, già rồi tàn lụi dần mà không ai nhổ lấy, trong lòng tôi lại thấy có chút tiếc của. Vâng, “trời sinh voi” rồi trời sẽ lại “sinh cỏ”. Qua mùa mưa, những hạt già rơi xuống đất sẽ lại trở thành những cây con.

Màn ri hoa tím điều trị chín mé, sưng vú, nhức đầu

Nói về công dụng làm thuốc thì cây màn ri hoa tím có thể dùng tươi cũng có thể dùng khô. Thông thường, người ta chỉ biết đến cách dùng màn ri làm thuốc uống mà ít chú ý đến tác dụng điều trị ngoài da của loài cây này.

Trong khi đó, cây màn ri hoa tím lại rất tiện dụng với các chứng như:

  1. Đau chín mé ở ngón tay ngón chân: Lúc này ta dùng cây màn ri tím là tiện nhất. Bạn chỉ cần hái cành lá tươi, giã nát với một tí muối rồi đắp và bó lại chỗ bị chín mé là được.
  2. Sưng vú, nổi hạch sưng ở cổ và cạnh lỗ tai: Với các trường hợp này, ta cũng dùng cành lá màn ri tím giã nát đắp lên chỗ sưng.
  3. Nhức đầu: Trường hợp này, ta lấy cành lá màn ri tím giã nát rồi đắp lên thái dương (huyệt thái dương có liên quan đến nhức đầu và bệnh về mắt) (1).
Huyệt thái dương
Huyệt thái dương

Thông tin thêm

Màn ri hoa tím hay còn gọi là màn màn tím, mần ri tím, màn ri tía,… có tên khoa học là Cleome chelidonii (2).

Ngoài các bài thuốc ngoài da thì màn ri hoa tím được còn được các thầy thuốc dân gian dùng kết hợp với các vị thuốc khác để sắc uống. Theo cụ Nguyễn An Cư thì màn ri hoa tím có tính ấm, giúp tiêu đờm, điều trị nấc cụt, chóng mặt, cảm cúm, ho hen,… Ngoài ra, lá cây còn được dùng điều trị viêm đau thận (3).

Ngoài màn ri tím thì ở nước ta còn các loại màn ri khác như loại hoa trắng, hoa vàng. Vì vậy, khi hái làm thuốc, bạn nhớ lưu ý hoa của nó nhé!

Nguồn tham khảo
  1. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 2, NXB Y học, HN, 2018, trang 36.
  2. Màn màn tím, https://vi.wikipedia.org/wiki/M%C3%A0n_m%C3%A0n_t%C3%ADm, ngày truy cập: 27/ 10/ 2020.
  3. Võ Văn Chi, Cây thuốc An Giang, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật An Giang, 1991 trang 315.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện