Mận Bắc làm thuốc và những lưu ý khi dùng

Điều thú vị nhưng cũng gây ra không ít hiểu nhầm trong tên gọi cây trái Việt Nam chính là sự trùng tên. Cùng một tên gọi nhưng ở miền Nam thì là cây này, miền Bắc lại là cây khác. Chẳng hạn như khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi đã được học câu:

Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?

Lúc ấy, đa phần các học sinh miền Nam chúng tôi đều liên tưởng đến “mận” là cây mận (loại quả hình chuông hoặc tam giác) và “đào” là cây đào lộn hột hay trồng ở các vườn quê. Thế nhưng, không phải như thế!

Đây là bài ca dao miền Bắc và “mận” ở đây lại là cây mận Bắc (trái tròn, màu tím sẫm), còn “đào” là loại đào để lấy quả và hoa (hoa đào mùa xuân).

Công dụng của quả doi, lá doi hay quả mận
Quả mận miền Nam (quả roi)
Trái mận
Quả mận miền Bắc

Sau này, có nhiều dịp đi Bình Dương, Sài Gòn chơi, chúng tôi lại được ăn những quả mận từ miền Bắc đem vào (giờ thì có bán nhiều hơn ở Cần Thơ, Kiên Giang và các tỉnh khác). Vâng, cùng là tên gọi “mận” nhưng quả mận miền Nam (ở miền Bắc gọi là quả roi) thì thịt xốp, giòn còn quả mận miền Bắc (ở miền Nam gọi là mận Bắc) thì thịt mềm, dai và chỉ giòn khi quả còn sống.

Công dụng của quả mận Bắc

Quả mận thuộc loại quả hạch, hơi tròn và có màu tím bồ quân, đôi khi có màu xanh pha tím hoặc hơi vàng lục, có một rãnh ở bên vỏ. Điều thú vị của quả mận Bắc là gì bạn biết không?

Đó là ai thích giòn thì ăn quả sống, ai thích ngọt mềm thì lựa quả chín đỏ mà ăn, ngon vô cùng. Sau khi ăn xong, các chị em phụ nữ lại tiện tay nhích một miếng thịt đỏ mềm thoa lên da mặt cho sạch mát và mịn màng.

Đó là vì mận chứa nhiều loại dinh dưỡng khác nhau (đặc biệt là vitamin C, vitamin A) và theo y học cổ truyền thì loại quả này còn có tác dụng làm mát da từ bên trong.

Không chỉ thế, trái mận vị chua chát nhưng tính bình, theo y học thì đây là loại quả giải khát, có thể làm giảm đau nhức khớp xương và cũng có lợi cho hệ tiêu hóa.

Ở Vân Nam (Trung Quốc), mận Bắc còn được dùng điều trị chứng tiêu khát, “phế lao cốt chưng” (2).

Lưu ý khi ăn quả mận Bắc

Quả mận Bắc tốt cho sức khỏe và giúp chúng ta thèm ăn hơn nhưng nếu ăn nhiều thì sẽ gây nóng âm ỉ ở trong bụng và nóng trong người, gây nổi mụn (2).

Bên cạnh đó, nếu ăn nhiều, chất oxalate trong quả mận cũng có thể gây bệnh hoặc làm nặng hơn tình trạng sỏi thận, sỏi bàng quang. Khi ăn mận, ta có cảm giác chua ngọt và vị chua này là do hàm lượng axit trong quả mận khá cao. Vì vậy, nếu ăn nhiều, axit này cũng sẽ làm phá hủy men răng.

Cuối cùng, phụ nữ mang thai không nên ăn mận Bắc để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trái mận
Quả mận Bắc

Như vậy, ở người bình thường, mỗi ngày chúng ta chỉ nên ăn khoảng 10 quả mận Bắc trở lại và với các bệnh nhân bị tiểu đường thì nên hạn chế ăn trái chín ngọt (3).

Nhân hạt mận Bắc có dùng làm thuốc được không?

Nhân hạt mận Bắc có thể dùng làm thuốc nhờ có tính tiêu viêm, làm lưu thông máu và nhuận tràng (có vị đắng, tính bình). Ngoài ra, vì có tác dụng lợi tiểu, tán ứ nên nhân hạt mận còn giúp tan máu bầm, điều trị đau xương và phù thũng (thường kết hợp với nhiều vị khác để bổ trợ công dụng).

Liều lượng: mỗi ngày sắc uống 12 g nhân hạt (2).

Rễ mận làm thuốc gì?

Được biết, rễ mận Bắc có tính lạnh và được dùng điều trị nhức răng, bạch đới (khí hư). Liều dùng thông thường là từ 20 – 30 g rễ cây, sắc lấy nước uống (2).

Thông tin thêm

Cây mận Bắc có tên khoa học là Prunus salicina, thuộc họ Hoa hồng (1). Đây là loại cây nhỡ, lá nhọn 2 đầu và có hoa màu trắng (vào mùa, hoa mận nở rộ trắng xóa rất đẹp).

Hoa mận nở trắng đồi
Hoa mận nở trắng đồi

Ở nước ta, cây mận Bắc mọc nhiều ở các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Bắc Giang, Bắc Cạn…

Cuối cùng, với các bạn trẻ thích làm đẹp từ tự nhiên thì hoa mận cũng là một món quà vô giá đấy. Bạn biết không, theo y học cổ truyền, ta có thể hái hoa mận, giã nát ra rồi thoa lên mặt thì từ từ, da mặt sẽ bớt tàn nhang, xám đen và sẽ trắng dần lên đấy! (2).

Thùy My – Tuyết Nhi

Nguồn tham khảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện