Ma hoàng điều trị viêm xoang, viêm khí quản và chứng hay buồn ngủ

Cây ma hoàng

Khi nói đến viêm xoang, người ta thường nhắc đến các vị tân di, bạch chỉ; tuy nhiên, còn một vị thuốc khác cũng hay được dùng điều trị viêm xoang trong cả Đông y và Tây y, đó là ma hoàng.

Nói đến ma hoàng là nói đến vị thuốc được thu hái từ nhiều loài cây khác nhau, trong đó có thảo ma hoàng là loài thông dụng nhất. Mặc dù vậy, không phải ai cũng dùng được vị thuốc này và trong sử dụng thuốc vẫn có những điểm cần lưu ý để không gây hại cho cơ thể.

Vài nét về vị ma hoàng

Vị thuốc ma hoàng thường được lấy từ một số cây như:

  • Cây thảo ma hoàng 草麻黄, có tên khoa học là Ephedra sinica – loại này thường được dùng nhất, lá của nó tiêu giảm thành vảy và quả của nó có các lá bắc màu đỏ rất đặc biệt.
  • Cây mộc tặc ma hoàng 木贼麻黄, có tên khoa học là Ephedra equisetina.
  • Cây trung ma hoàng 中麻黄, có tên khoa học là Ephedra intermedia (2).

Khi dùng làm thuốc, người ta cắt lấy thân và nhánh của cây rồi phơi hay sấy khô. Mặt khác, do điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng mà ma hoàng Trung Quốc được đánh giá là có chất lượng tốt nhất (ở nước ta, nguồn dược liệu này hầu như vẫn được nhập từ Trung Quốc) (2).

Dược liệu ma hoàng
Dược liệu khô

Công dụng làm thuốc của ma hoàng

Theo y học cổ truyền, ma hoàng có vị cay đắng, tính ôn và được dùng với các công dụng như:

  • Thúc ra mồ hôi, làm lợi tiểu tiện.
  • Điều trị ho (kể cả ho lâu năm) và đờm.
  • Điều trị viêm khí quản.
  • Điều trị hen suyễn nhẹ (nếu nặng thì không được dùng).
  • Điều trị đau khớp xương.
  • Điều trị trúng phong, thương hàn.
  • Điều trị nhức đầu và chứng hay buồn ngủ.
  • Điều trị nổi mề đay, tiểu dầm và nhược cơ nặng.
  • Giúp giảm đau, kháng khuẩn và kích thích miễn dịch.

Cách dùng: Mỗi ngày, lấy từ 5 – 10 g thuốc, sắc lấy nước uống (2). Ngoài ra, khi bị sốt mà sợ lạnh, khớp xương đau nhức, ho hen, hơi đưa ngược hay phù thũng thì cũng có thể lấy ma hoàng sắc lấy nước uống từ 1, 5 – 6 g mỗi ngày (3).

Trong y học hiện đại, vị thuốc này còn được bào chế thành thuốc điều trị viêm xoang, viêm mũi dị ứng, hen phế quản, sổ mũi cấp tính và nghẹt mũi do cảm mạo (4).

Tác dụng của rễ cây ma hoàng

Nếu như thân và nhánh ma hoàng làm ra mồ hôi thì rễ ma hoàng thì lại có tác dụng ngược lại: ngăn sự tiết mồ hôi (2). Vì vậy, bộ phận này của cây thường được dùng trong các bài thuốc giúp cầm mồ hôi và điều trị chứng đổ mồ hôi nhiều.

Cách dùng như sau: lấy 8 g rễ ma hoàng, 8 g phù tiểu mạch, 16 g mẫu lệ và 12 g hoàng kỳ, sắc lấy nước uống mỗi ngày một thang (4).

Một số bài thuốc kết hợp

  • Điều trị viêm khí quản, hen suyễn nhẹ, cảm mạo: dùng 8 g ma hoàng, 8 g hạnh nhân, 6 g quế chi và 4 g cam thảo, sắc trong 600 ml nước đến khi còn 1/ 3 nước thì ngưng và chia thành 3 lần uống trong ngày (phương thuốc của danh y Trương Trọng Cảnh) (2).
  • Điều trị cảm lạnh, ớn lạnh không ra được mồ hôi và ho, hen: dùng 6 g ma hoàng, 3 g cam thảo Bắc và 9 g hạnh nhân, sắc lấy nước uống và uống khi còn ấm nóng (3).
Ma hoàng
Vị thuốc dạng khô

 Lưu ý khi dùng thuốc

  • Thời gian dùng: Không nên dùng thuốc liên tục trong thời gian dài vì có thể gây mất ngủ và lờn thuốc (quen thuốc). Bên cạnh đó, các bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi dùng thuốc. Sau khi dùng thuốc, nếu thấy có một trong các biểu hiện như ăn không ngon, run rẩy, mất ngủ, buồn nôn, kích động thì nên ngưng thuốc (4).
  • Trong kết hợp: Lưu ý không được dùng vị thuốc này cùng với thuốc ức chế monoamin oxydase vì có thể làm tăng huyết áp nặng và tử vong (4). Bên cạnh đó, khi dùng thuốc, nếu lỡ dùng nhầm vị ma hoàng khiến cho cơ thể đổ nhiều mồ hôi thì cần lấy nhân sâm và phụ tử nấu lấy nước uống kết hợp với thoa thuốc ngoài da (dùng gạo nếp, mẫu lệ và long cốt tán mịn rồi xoa lên da) (3).
  • Đối tượng cần tránh: Những đối tượng không được dùng ma hoàng bao gồm: những người bị khí hư, ho hen do phế nhiệt, đổ mồ hôi trộm, ra mồ hôi nhiều, những người phổi nóng khó thở (2), người suy mạch vành, bị bệnh tim, phì đại tuyến tiền liệt, cường giáp, tiểu đường, hen suyễn nặng (3), người đang mắc bệnh huyết khối động mạch vành, người bị bệnh tuyến giáp, tăng nhãn áp, thiểu năng tuần hoàn não, tăng huyết áp và u tế bào ưa crom. Bên cạnh đó, trẻ con dưới 6 tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú cũng không được dùng (4).
Nguồn tham khảo
  1. Thảo ma hoàng, https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%A3o_ma_ho%C3%A0ng, ngày truy cập: 02/ 05/ 2020.
  2. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, 1999, trang 614.
  3. Phạm Thiệp – Lê Văn Thuần – Bùi Xuân Chương, Cây thuốc bài thuốc và biệt dược, NXB Y học, 2000, trang 172.
  4. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 196.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện