Mã đề điều trị viêm kết mạc cấp tính, viêm gan và viêm ruột

Rau mã đề là cây thuốc thực thụ nhưng cũng không mấy xa lạ trong đời sống hàng ngày. Trong các công thức nấu nước sâm, nước mát thì bao giờ cũng có vài lá mã đề kèm với mía lau, rễ tranh, thuốc dòi, lá dứa…

Nhìn chung, lá rau này nhìn như lá cải non và cũng không có mùi vị gì đặc biệt nên người ta ít chú ý đến.

Tuy nhiên, nó lại là thành phần quan trọng giúp thanh mát, lợi tiểu, tiêu viêm và nhiều bài thuốc phổ biến khác.

Mã đề – đại xa tiền

Ở Trung Quốc, cây mã đề được gọi là đại xa tiền 大车前 hoặc đại xa tiền thảo 大车前草, để phân biệt với cây mã đề Á (được gọi là xa tiền thảo 车前草) (1).

Cây mã đề
Cây mã đề (tên khoa học: Plantago major)
Cây mã đề Á
Cây mã đề Á (tên khoa học: Plantago asiatica)

Ở nước ta, mặc dù có sự phân biệt hai cây này nhưng khi dùng làm thuốc, phần thân trên của hai loại này đều được gọi là xa tiền thảo và hạt của chúng đều được gọi là xa tiền tử.

Mặt khác, phần thân trên của cây mã đề chủ yếu là lá và trong lá cây có chứa vitamin như C, T, K, tiền vitamin A (caroten)…

Theo y học cổ truyền, phần thân trên của cây mã đề có tính mát và có nhiều công dụng như:

  • Giúp lợi tiểu, tiêu viêm.
  • Giúp lợi phổi, long đờm.
  • Điều trị ho lâu ngày, viêm khí quản.
  • Điều trị kiết lỵ và viêm ruột.
  • Điều trị viêm thận và phù thũng.
  • Điều trị viêm kết mạc cấp tính.
  • Điều trị đau mắt đỏ có màng.
  • Điều trị viêm họng.
  • Điều trị sỏi niệu quản và nhiễm trùng đường tiết niệu.

Cách dùng: mỗi ngày lấy từ 15 – 30 g phần thân trên của cây mã đề, nấu lấy nước uống.

Ngoài ra, lá mã đề còn được dùng ngoài da trong các trường hợp như: mụn nhọt (giúp mau vỡ mủ và mau xẹp), viêm ngứa, sâu bọ cắn đốt và dị ứng da (lấy lá tươi rửa sạch, giã nát và đắp lên); viêm nướu (ngậm và súc miệng bằng nước sắc từ lá) (3) (4).

Các bài thuốc kết hợp từ lá và hoa mã đề

Ngoài cách dùng độc vị như đã kể trên thì y học cổ truyền còn ghi nhận nhiều bài thuốc kết hợp như:

1. Điều trị bí tiểu tiện, tiểu dắt, tiểu buốt

  • Chuẩn bị: hoa mã đề (12 g), rễ tranh (12 g), cao ban long (20 g) và nhục quế (4 g).
  • Thực hiện: lấy các vị trên nấu lấy nước uống, mỗi ngày 1 thang (4).
Mã đề
Mã đề

2. Điều trị viêm gan cấp tính

  • Chuẩn bị: thân lá mã đề (20 g), đảng sâm (12 g), nhân trần (40 g), đại phúc bì (tức vỏ ngoài hoặc vỏ giữa của quả cau, đã phơi khô, 16 g) và hạ khô thảo (20 g).
  • Thực hiện: nấu lấy nước uống mỗi ngày một thang (4).

3. Điều trị viêm gan mạn tính

  • Chuẩn bị: thân lá mã đề (12 g), đảng sâm (16 g), bo bo (16 g), bạch truật (12 g), nhân trần (20 g), bạch phục linh (12 g), trư linh (8 g) và trạch tả (12 g).
  • Thực hiện: sắc lấy nước uống mỗi ngày một thang (4).

Công dụng của hạt mã đề (mã đề tử)

Hạt mã đề có vị ngọt, tính lạnh và có nhiều công dụng đáng chú ý như: thanh nhiệt lợi tiểu, mát gan, lợi tinh khí và giúp sáng mắt (5).

Hạt mã đề
Hạt mã đề

Có thể kể ra một số bài thuốc thông dụng có dùng hạt mã đề như:

1. Giúp lợi tiểu tiện và điều trị phù thũng

  • Chuẩn bị: hạt mã đề (15 g).
  • Thực hiện: nấu lấy nước uống.
  • Ghi chú: nếu không dùng hạt thì dùng 30 g thân và lá (không dùng rễ) (5).

2. Điều trị tăng huyết áp

  • Chuẩn bị: hạt mã đề (6 g), cúc hoa (6 g), tang ký sinh (6 g) và hạ khô thảo (6 g).
  • Thực hiện: nấu lấy nước uống (5).

Lưu ý: Những người thận hư và phụ nữ mang thai không được dùng.

Nguồn tham khảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện