Lô cam thạch cải thiện tình trạng răng thưa, chân răng cách xa nhau

Lô cam thạch

Bạn biết đấy, trong tự nhiên tồn tại một lượng lớn các quặng kim loại và cũng không ít muối khoáng, trong đó có nhiều loại muối khoáng đồng thời cũng là các vị thuốc trong Đông y như mang tiêu, diêm sinh, lô cam thạch…

Trong các bài thuốc điều trị các bệnh ngoài da, ta thường nghe nói đến cam thạch (hay lô cam thạch) – vị thuốc cổ truyền có nguồn gốc từ Trung Quốc (Quảng Tây, Trường An…) và nước ta hiện còn phải nhập vị thuốc này. Vậy, lô cam thạch có công dụng gì?

Lô cam thạch là thuốc gì?

Lô cam thạch còn được gọi là phù thủy cam thạch, chế cam thạch, cam thạch… có tên khoa học là Calamina (Smithsonitum), với thành phần chủ yếu là muối kẽm và một số tạp chất khác.

Lô cam thạch
Vị thuốc ở dạng khô

Đặc điểm: thường ở dạng cục to nhỏ, hơi xốp, không đều nhau, có màu trắng xám hoặc hơi xanh xanh, khi đưa vào miệng nếm thử thì thuốc sẽ chảy dính lưỡi (1).

Công dụng làm thuốc của lô cam thạch

Theo y học cổ truyền, đây là vị thuốc lành tính, không độc và có vị ngọt, tính ôn ấm. Tuy nhiên, thuốc này xưa nay đa phần chỉ dùng ngoài da với liều lượng tùy theo vết thương, trong đó, các công dụng chủ yếu thường được nhắc đến là:

  • Cầm máu cho các vết thương ngoài da.
  • Giúp tiêu thũng độc.
  • Điều trị loét.

Nhắc đến lô cam thạch cũng là nhắc đến vị thuốc chuyên trị về mắt. Các sách Bản thảo cầu chân, Bản thảo cương mục và sách của Mậu Hy Ung đều nhấn mạnh công dụng này. Cụ thể:

  • Sách Bản thảo cầu chân: Vị thuốc “thông hòa được huyết mạch, tiêu được tỳ độc…, tan màng mộng“.
  • Sách Bản thảo cương mục: Vị thuốc “có khí kim ngân là yếu dược chữa mắt“.
  • Sách của Mậu Hy Ung: Thuốc có vị ngọt cay, “tán được phong nhiệt cho nên sáng mắt tan màng” (1).
Lô cam thạch
Hình ảnh vị thuốc

Các bài thuốc cụ thể có dùng lô cam thạch

1. Điều trị chứng đau mắt

Bài thuốc này ta bào chế thành dạng bột và để dùng dần. Cách làm như sau:

  • Chuẩn bị: lô cam thạch (300 g, giã nát) và 160 g hoàng liên (cắt thành lát mỏng).
  • Thực hiện: Cho hai vị trên vào nồi rồi đổ nước vào sao cho vừa đủ ngập thuốc, sau đó đậy nắp lại, nấu đến khi thấy sắp khô nước thì đổ nước khác vào và cứ nấu như thế cho đủ 2 giờ đồng hồ thì ngưng. Sau đó, ta lấy xác hoàng liên bỏ đi, chỉ dùng lô cam thạch, đem tán nhỏ rồi trộn cùng 10 g băng phiến nữa, sau đó cùng nghiền nát thật mịn.
  • Cách dùng: Khi dùng, ta lấy bột này chấm vào mắt thì sẽ bớt đau, một lát sau thì rửa lại với nước (1).

2. Điều trị mắt có màng mộng

Trong bài thuốc này, ngoài lô cam thạch thì còn có thạch phàn (hay còn gọi là đởm phàn, là một khoáng vật thiên nhiên điều trị đau mắt) và phác tiêu (một loại muối khoáng giúp trừ tà nhiệt). Cách dùng như sau:

  • Chuẩn bị: lô cam thạch, thạch phàn (đởm phàn) và phác tiêu, liều lượng bằng nhau.
  • Thực hiện: nghiền mịn ba vị thuốc trên rồi để dùng dần.
  • Cách dùng: Rửa sạch mắt bằng nước ấm rồi lấy một ít bột thuốc tra vào mắt, nhắm mắt lại rồi một lát sau thì rửa lại với nước (1).

3. Cải thiện tình trạng răng thưa, chân răng cách xa nhau

  • Chuẩn bị: lô cam thạch (đem nung sơ qua cho nóng) và hàn thủy thạch (một loại đá khoáng), liều lượng bằng nhau.
  • Thực hiện: nghiền mịn hai vị thuốc trên và để dùng dần.
  • Cách dùng: Mỗi lần dùng, ta lấy thuốc xát vào chân răng, làm thường xuyên thì chân răng sẽ từ từ khít lại (ở Trung Quốc cũng dùng bài thuốc này).

Thông tin thêm

Ở Trung Quốc, vị thuốc này 炉甘石 được dùng chủ yếu đề điều trị các bệnh ngoài da (đặc biệt là nhiễm trùng vết thương) và thoa sức bên ngoài trong trường hợp tai chảy mủ, bệnh về mắt… (2).

Nguồn tham khảo
  1. Nguyễn Văn Quý – Nguyễn Phương, Thuốc Bắc thường dùng, NXB Y học, 2002, trang 587.
  2. 炉甘石, https://baike.baidu.com/item/%E7%82%89%E7%94%98%E7%9F%B3/397679, ngày truy cập: 21/ 10/ 2020.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện