Ớt và cách dùng lá ớt “cột cữ” giúp hạ sốt và những bài thuốc hay

Công dụng của cây ớt

Ngày trước, vì chưa có những miếng dán hạ nhiệt nên mỗi khi tôi bị sốt, bên cạnh việc cho dùng thuốc, mẹ tôi lại hái lá hoặc nhổ rễ cây để “cột cữ” cho tôi (nếu không là lá me nước hay rễ cỏ mần trầu thì sẽ là lá ớt hiểm).

Cứ thế, bà hái khoảng một nắm lá ớt hiểm, rửa sạch rồi bỏ thêm 9 hạt tiêu (nếu là nam thì 7 hạt), sau đó giã nát rồi bọc trong miếng vải dài để làm thành chiếc vòng cột vào cổ tay tôi. Hễ thấy cái “cữ” khô nước, bà lại đổ thêm một ít rượu vào, gọi là “cho cữ uống rượu”, cứ thế liên tục 1 ngày một đêm thì thay cái cữ mới cho đến khi hết sốt. Sau này lớn lên, thỉnh thoảng nhìn thấy “cái cữ” trên tay của những đứa trẻ khác, tôi lại thấy mình như vừa được trở lại tuổi thơ.

Thật vậy, mỗi cây thuốc có những đặc tính riêng của nó mà dựa vào đó, dân gian đúc kết thành các mẹo vặt hỗ trợ điều trị bệnh, giúp nó trở nên đơn giản và hiệu quả hơn.

Về cây ớt

Ớt (tên khoa học: Capsicum frutescens, thuộc họ Cà: Solanaceae) (1) là cây thân thảo, cao khoảng 0, 5 – 1 m, thân phân thành nhiều nhánh giòn. Lá ớt mọc đối, hình trái xoan nhọn và hoa ớt nhỏ, màu trắng, mọc ở nách lá. Quả ớt là loại quả mọng với nhiều hình dạng, khối lượng, kích thước, độ cay và màu sắc khác nhau tùy theo giống. Hạt ớt nhỏ, có hình thận và rất dẹp.

Có nhiều loại ớt khác nhau như ớt hiểm, ớt sừng trâu, ớt cựa gà, ớt cà chua, ớt chỉ thiên… Bên cạnh các loại ớt có vị cay, nước ta hiện nay cũng có các loại ớt không cay mà tiêu biểu là ớt Đà Lạt.

Công dụng của Quả ớt thóc
Quả ớt thóc

Tính vị, công dụng các bộ phận của cây ớt

Quả ớt: Theo y học cổ truyền, quả ớt có vị cay xé, tính rất nóng, có tác dụng dẫn hỏa, tiêu đờm, làm ấm bụng, thông kinh lạc, giúp dễ tiêu, sát trùng, hạ sốt và điều trị tiêu chảy hắc loạn. Cách dùng: uống 0, 3 – 1 g bột ớt mỗi ngày (vo thành viên). Bên cạnh đó, cồn ớt tươi (1 phần ớt, 2 phần cồn 33 độ) còn được dùng ngoài da trong điều trị đau lưng, đau dây thần kinh do thấp khớp, bại liệt, thống phong (1).

Lá ớt: Lá ớt vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng và lợi tiểu, được dùng trong điều trị sốt, trúng phong bất tỉnh và phù thũng. Cách dùng: giã nát 20 – 30 g lá ớt rồi vắt lấy nước uống (nếu bị phù thũng thì lấy lá sao vàng rồi sắc uống). Ngoài ra, nếu bị mụn nhọt, đầu đinh, eczema hay rắn cắn thì giã nát lá ớt rồi lấy bã đắp ngoài da (1).

Rễ ớt: Rễ ớt có tác dụng hoạt huyết, tán thũng, được dùng trong điều trị đau bụng kinh niên bằng cách lấy rễ ớt, rễ chanh và rễ xuyên tiêu (mỗi loại 10 g) sao vàng, sắc uống trong ngày (2).

Một số bài thuốc từ cây ớt

  • Đau nửa đầu: lấy quả ớt tươi bẻ làm hai rồi chấm vào mũi ở bên nửa đầu bị đau, sau đó lấy tóc chấm vào chỗ bị cay trên da để bớt cay (2).
  • Đau nhức do cá có ngạnh đâm: dùng quả ớt tươi đâm ra và lấy phần nước chà vào chỗ bị ngạnh đâm (như ngạnh cá trê, cá chốt…) sẽ giúp giảm đau nhức (1) (2).
  • Bị trúng phong làm răng cắn chặt: lấy 30 – 50 g lá ớt chỉ thiên tươi, giã nát, bỏ thêm chút muối và nước rồi vắt lấy nước đổ vào miệng, phần bã đắp lên răng (2).

Nghiên cứu về cây ớt

Theo tạp chí Frontiers in life science, trong quả ớt có các hoạt chất giúp chống lại tiểu đường. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu về sự kết hợp giữa các loại gia vị như tỏi, ớt, gừng cho thấy khả năng hạ đường huyết đáng kể (đồng thời giúp bảo vệ máu, gan, thận và tuyến tụy trước những tổn thương từ bệnh tiểu đường). Mặt khác, sự kết hợp này còn giúp giảm tác dụng phụ của từng loại gia vị (3).

Lưu ý

  • Dùng thuốc từ quả ớt quá liều sẽ gây tiêu chảy, nôn mửa, viêm dạ dày và thận (1).
  • Những người bị đau dạ dày, máu nóng hay tạng nhiệt không nên dùng ớt (2).
  • Ăn quá nhiều ớt cay có thể dẫn đến lột da lưỡi và mất vị giác trong một thời gian.
  • Không dùng ớt đối với các vết thương chưa lành, bị trầy xước hoặc vùng da gần mắt (4).
Nguồn tham khảo
  1. Võ Văn Chi, Cây thuốc An Giang, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật An Giang, 1991, tr. 424.
  2. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 504.
  3. Antidiabetic effect of combined spices of Allium sativum, Zingiber officinale and Capsicum frutescens in alloxan-induced diabetic rats, https://www.tandfonline.com/doi/pdf/10.1080/21553769.2015.1053628?needAccess=true, ngày truy cập: 22/07/2019.
  4. Current advances in Pharmacological activity and toxic effects of various capsicum species, https://www.researchgate.net/profile/Masud_Parvez7/publication/324982926_CURRENT_ADVANCES_IN_PHARMACOLOGICAL_ACTIVITY_AND_TOXIC_EFFETCS_OF_VARIOUS_CAPSICUM_SPECIES/links/5aefd3570f7e9b01d3e2d4ae/CURRENT-ADVANCES-IN-PHARMACOLOGICAL-ACTIVITY-AND-TOXIC-EFFETCS-OF-VARIOUS-CAPSICUM-SPECIES.pdf, ngày truy cập: 22/07/2019.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0
Hỏi đáp
Nhắn tin
Gọi điện