Hồi còn nhỏ, nhà thờ là nơi chứa cả tuổi thơ của mình, hết dâng hoa múa hát rồi lại sinh hoạt thiếu nhi, món nào mình cũng tham gia đủ, nhất là tham gia hát lễ.
Mặc dù mình hát không hay chút nào nhưng bù lại, mình rất nhiệt tình hát chung với tập thể (vì dù hát dở thì cũng không có gì là trở ngại). Thế nên, niềm vui ca hát luôn được phát huy tối đa.
Có một điều đến giờ mình cũng không hiểu tại sao lúc đó mình lại rất dễ bị khan tiếng, chỉ cần thức khuya quá hay hôm đó ca hát quá mức thì ngày hôm sau, giọng mình sẽ như giọng vịt đực, có khi không thể nói được luôn.
Bài thuốc điều trị khan tiếng với lá me đất
Mỗi lần như vậy, bà ngoại lại ra ngay bờ ruộng, vơ một nắm lá me đất (khoảng 50 gram), rửa sạch, giã nát, hòa cùng nửa chén nước và ít muối, sau đó lược bỏ xác.
Bà hướng dẫn mình húp từng ngụm nhỏ rồi nuốt dần cho hết. Ngày dùng hai lần như vậy, khoảng 2 ngày là giọng mình lại lảnh lót, lại ca hát hết công suất.
Sau này, mình được biết me đất là vị thuốc Đông y, tên là Tạc Tương Thảo, thường mọc dại ở quanh vườn, nhất là những nơi đất ẩm. Loại cây này mong manh, thân nhỏ xíu, có hoa màu vàng và lá có cuống dài mang ba lá hình tim. Về vị thì nó có vị chua dịu. Lúc bé, mỗi lần thấy cây này, tụi mình thường ngắt lấy vài lá, cho vào miệng nhấm nháp và tận hưởng vị chua nơi đầu lưỡi cho đỡ buồn miệng. Bây giờ mình ngồi viết kỷ niệm này mới nhớ ra là đã rất lâu rồi mình không còn bị khan tiếng, lâu rồi mình không phải dùng bài thuốc lá me đất nữa.
Dân gian có biết bao bài thuốc hay như bài me đất này, nếu không lưu truyền thì thật sự rất uổng!
Các bài thuốc khác
Ngoài bài thuốc trên thì cây me đất còn được dùng trong nhiều bài thuốc khác như:
- Điều trị chứng khát nước, sốt cao: Hái một nắm lá hoặc thân nhánh lá cây me đất (khoảng 50 g), rửa sạch rồi cho vào cối giã hoặc máy xay sinh tố xay nát. Sau đó, cho thêm một ít nước vào và lược lấy phần nước ấy, chia ra uống 2 lần trong ngày.
- Điều trị ho ở trẻ nhỏ: Bạn có thể làm món si rô me đất vừa ngọt vừa ngon cho rẻ uống. Cách làm như sau: hái 100 g lá me đất, rửa sạch rồi xắt thật nhỏ, bầm càng nhỏ càng tốt, cho vào một cái chén thủy tinh, sau đó cho đường phèn vào và đem hấp. Sau khi hấp, chén thuốc sẽ tiết ra nhiều nước hơn. Nước này bạn chia ra 2 – 3 lần cho bé uống, mỗi lần 1 muỗng nhỏ là được.
- Điều trị tiểu khó, đại tiện khó, không thông: Bạn kết hợp 20 g lá me đất và 20 g lá mã đề (ngoài chợ hay bán cùng các loại rau mát khác), đem rửa sạch rồi giã nát, vắt lấy nước, sau đó cho thêm tí đường cho dễ uống. Bài thuốc này mỗi ngày dùng 2 lần.
- Điều trị rôm sảy: Nếu bạn bị rôm sảy, bạn cũng có thể hái vội một nắm lá me đất, rửa sạch rồi vò nát và thoa lên da. Sau 15 phút, phần thuốc sẽ khô và bạn rửa lại với nước là được. Hồi mình còn nhỏ, ở quê người ta hay tìm các loại cây lá có vị chua để điều trị các bệnh ngoài da, trong đó có me đất, lá khế, lá rau tần dày lá, lá rau diếp cá… và nhiều loại lá khác. Sau này, mình mới biết các loại lá ấy có tác dụng kháng viêm. Rõ ràng, dân gian có những kinh nghiệm rất hay và chúng ta cần bảo tồn, truyền lại cho thế hệ mai sau.
- Điều trị viêm gan vàng da (có kèm biểu hiện thấp nhiệt): hái 30 g cây me đất tươi, rửa sạch, xắt ngắn, nấu lấy nước uống (chia ra nhiều lần uống trong ngày) (1).
Vy Thảo – Tuyết Nhi
- Cây me đất có tác dụng gì?, https://laodong.vn/dinh-duong-am-thuc/14-bai-thuoc-dan-gian-chua-benh-doc-dao-tu-cay-me-dat-1024848.ldo, ngày truy cập: 08/ 10/ 2023[↩]