Ngày nay, nhiều người không biết đến rau húng láng nhưng trước đây, húng láng là loại rau “tiến vua” nổi tiếng của làng Láng – làng rau gia vị đệ nhất đất kinh kỳ (Hà Nội).
Rau húng láng được dùng như rau thơm vậy. Nếu bữa ăn của vua mà không có rau húng láng thì đám nô tài sẽ bị trách phạt.
Dân gian có câu:
“Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm
Cá rô đầm Sét, sâm cầm hồ Tây”.
“Cốm Vòng, gạo Tám Mễ Trì.
Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn?”
Thế mới biết, rau húng láng không chỉ là một loại rau gia vị trong ẩm thực mà nó mang nét đẹp văn hóa cố đô.
Rau húng láng có thân màu tím sẫm, dễ trồng, mọc lan như rau thơm và phân nhiều nhánh. Lá cây vừa giống rau thơm, vừa giống rau quế và có màu xanh pha màu tía tía.
Hương húng láng đặc trưng và dễ chịu. Nó là sự tổng hợp một chút mùi húng lủi, một chút mùi rau thơm, một chút mùi bạc hà. Cho nên, húng láng rất được lòng những người sành ăn. Nó không quá nặng mùi húng, không quá the mùi bạc hà cũng không quá cay mùi rau thơm. Mỗi hương vị, nó đều có một ít, vì vậy, hương thơm của nó trở nên đặc biệt và hấp dẫn nhiều người.
Húng láng ăn với gì?
Rau húng láng thường được dùng như một loại hương liệu nhưng phổ biến hơn là làm gia vị cho các món ăn.
Húng láng thường được ăn sống cùng rau quế, rau thơm, nem, gỏi…; cũng có khi nó được chế biến và cho thêm vào các món xào, món lẩu, bún chả… Có thêm rau húng láng, món ăn bật lên hương vị riêng, vừa hấp dẫn vừa cao sang.
Những người Hà Nội vào Nam, mang theo ký ức của đất Hà thành, trong đó, không sao quên được là mùi húng láng.
Ngày nay, rau húng láng còn được dùng để nấu mì (như cách người miền Nam nấu mì cùng rau húng quế). Nó thơm và dễ ăn vô cùng. Hương húng quế được người ta yêu thích bao nhiêu thì hương húng láng cũng vậy.
Vì vậy, ngày nay, những món bún riêu cua, phở, bún đậu mắm tôm…; nếu chủ quán là một người cố đô cầu kỳ về hương vị thì ắt hẳn sẽ cho thêm húng láng. Bạn biết không, có những món ăn, chỉ cần thêm một thành phần thôi là bật lên hương rõ rệt!
Thông tin thêm
- Có nhiều nguồn thông tin cho rằng húng láng là tên gọi chung của các loại rau húng. Tuy nhiên, ngày nay, húng láng được biết và được bán trên thị trường là loại được đề cập trong bài viết này.
- Theo công trình “Từ điển cây thuốc Việt Nam” của tác giả Võ Văn Chi thì rau húng lũi cũng được gọi là húng láng.
- Trên các trang thương mại điện tử thì cây húng láng còn được gọi là húng đỏ, húng hà nội, é tía, húng giổi… Vì vậy, khi bạn mua cây về trồng thì bạn nên xem hình trước, xem nó có giống loại được đề cập trong bài viết này không nhé! Đặc điểm nhận dạng: thân tím, gân lá tím, phiến lá có các đốm nhỏ màu tím, lá trơn nhẵn hai mặt và vuốt nhẹ là thơm mùi húng pha lẫn mùi rau thơm, bạc hà!
Cuối cùng, rau húng láng chủ yếu được nhân giống bằng phương pháp giâm cành. Bạn chỉ cần cắt một cành vừa phải, giâm xuống đất cát hoặc đất thông thường là cây sẽ mọc rễ và phát triển thành cây mới (theo kinh nghiệm cá nhân mình thì bạn nên chọn đất pha cát để thoát nước tốt và cây dễ mọc rễ hơn).
Xem thêm: Rau húng quế có tác dụng gì?